Cần bổ sung nhận thức về cách rượu ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở nữ giới - Ảnh: University Hospitals
Theo các nhà nghiên cứu, bệnh mạch vành hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba trên thế giới và gây ra 17,8 triệu ca tử vong mỗi năm. Nguy cơ này tăng cao với những người uống rượu nhiều.
Cần nâng cao nhận thức về tác hại của uống rượu nhiều
Nghiên cứu sẽ được trình bày tại phiên họp khoa học thường niên của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy nam giới uống nhiều rượu cũng có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu này hiện chưa được công bố trên tạp chí có bình duyệt khoa học.
Theo tiến sĩ Jamal Rana, bác sĩ tim mạch của Tập đoàn y tế Kaiser Permanente, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cần bổ sung nhận thức về cách rượu ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
"Khi nói đến việc tránh mắc bệnh tim, điều đầu tiên hầu hết mọi người nghĩ đến là không hút thuốc. Tôi nghĩ cần nâng cao nhận thức, rằng sử dụng rượu có thể gây nguy cơ mắc bệnh tim. Việc hỏi bệnh nhân về tiền sử sử dụng rượu phải là một phần trong các hoạt động đánh giá sức khỏe định kỳ trong tương lai", tiến sĩ Rana nói với Medical News Today.
Uống rượu nhiều đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh tim
Trong nghiên cứu, tiến sĩ Rana và các cộng sự đã phân tích dữ liệu sử dụng rượu từ hơn 430.000 người được chăm sóc tại Kaiser Permanente. Những người tham gia nghiên cứu có độ tuổi từ 18 đến 65 và không có bệnh tim trước đó khi bắt đầu nghiên cứu.
Người tham gia được xếp vào ba mức độ uống rượu từ thấp (1 đến 2 ly mỗi tuần cho cả nam và nữ), vừa phải (3 đến 14 ly mỗi tuần ở nam và 3 đến 7 ly ở nữ) và cao (15 ly trở lên mỗi tuần ở nam và 8 ly trở lên mỗi tuần ở nữ).
Các nhà nghiên cứu cũng phân loại người tham gia nghiên cứu dựa trên việc họ có uống say hay không. Trong ba tháng liền, người uống say thường uống từ 5 ly trở lên mỗi ngày ở nam, và 4 ly trở lên mỗi ngày ở nữ.
Các nhà khoa học đã so sánh mối quan hệ giữa mức độ uống rượu của người tham gia với chẩn đoán bệnh mạch vành nhận được trong 4 năm sau đó.
Kết quả, phụ nữ dù không uống say nhưng uống nhiều rượu có nguy cơ mắc bệnh tim tăng 45%, so với phụ nữ uống rượu vừa phải. Phụ nữ thuộc nhóm nghiện rượu sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 68%.
Tiến sĩ Rana cho biết: "Những phát hiện cho thấy cần tuyên truyền đến phụ nữ nguy cơ tiềm ẩn về tim mạch liên quan đến việc uống rượu say. Phát hiện cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỏi phụ nữ không chỉ về tần suất uống rượu, mà việc họ có uống say không".
Nghiên cứu cũng cho thấy nam giới uống nhiều rượu có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 15% so với những người uống vừa phải. Nam giới uống say có nguy cơ mắc bệnh tim tăng 33%.
Lượng rượu nào là an toàn?
Các nghiên cứu trước đây từng nói về yếu tố "lành mạnh" của rượu, bao gồm lợi ích sức khỏe của rượu vang đỏ, hay uống lượng rượu thấp là an toàn và có thể có lợi cho hệ tim mạch.
Tuy nhiên, tiến sĩ Jennifer Wong, bác sĩ tim mạch và giám đốc y tế về tim mạch không xâm lấn tại Viện tim và mạch máu MemorialCare, thuộc Trung tâm y tế Orange Coast ở Fountain Valley (bang California), nói không uống rượu là tốt nhất.
"Nếu uống rượu, chúng tôi khuyên nam giới không nên uống quá 2 ly mỗi ngày, và quá 1 ly mỗi ngày đối với nữ", cô nói thêm.
Đối với những người muốn cắt giảm lượng rượu đang uống, các bác sĩ khuyên hãy nhìn lại lượng rượu mà bạn đang tiêu thụ, đếm xem đã uống bao nhiêu ly.
Tiến sĩ Wong chia sẻ thêm những lời khuyên giảm rượu bao gồm: đặt mục tiêu giảm lượng rượu một cách thực tế và từ từ thay vì đột ngột; pha loãng bớt đồ uống có cồn; uống một cốc đầy nước giữa các lần uống rượu; hoặc thử các loại mocktail với lượng rượu ít hơn.
Ngoài ra, hãy tạo môi trường an toàn và thuận lợi để giảm việc uống rượu, ví dụ như giảm bớt kết nối hoặc các cuộc hẹn với những nhóm "bợm nhậu", đồng thời tìm kiếm sự trợ giúp y tế khi cần.
Giảm số giờ bán rượu làm giảm tỉ lệ tội phạm
Theo Study Finds, các nhà nghiên cứu từ Đại học Boston phát hiện chỉ cần giảm số giờ bán rượu tại các quán bar và quán rượu có thể làm giảm đáng kể tỉ lệ tội phạm bạo lực.
Trước đó, tại thành phố Baltimore (Mỹ) vào năm 2020, chính quyền đã hạn chế bán rượu vào đêm khuya ở các quán bar và quán rượu trong một khu phố.
Kết quả, số vụ giết người giảm 51% trong tháng đầu tiên. Tỉ lệ tội phạm bạo lực cũng giảm 23% hằng năm ở toàn bộ khu vực xung quanh, so với những khu không thay đổi về giờ bán hàng. Tỉ lệ các vụ giết người tiếp tục giảm 40% mỗi năm sau đó.