Người bệnh tiểu đường sau khi mắc Covid-19 cần ăn đúng giờ, duy trì chế độ ăn giàu protein, trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt...
Trong giai đoạn nhiễm trùng và sau khi phục hồi, nhiều người gặp tình trạng mệt mỏi. Theo Tiến sĩ Shuchi Upadhyay, chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng tại Ấn Độ, để kiểm soát sự mệt mỏi, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý. Nhưng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, cần phải ăn uống phù hợp để giữ cho lượng đường trong máu được kiểm soát. Dưới đây là một số lưu ý:
Ăn đúng giờ
Người bệnh tiểu đường ăn đúng giờ là cần thiết. Họ phải đảm bảo rằng ăn thứ gì đó trong vòng một giờ sau khi thức dậy. Ngoài ra, nhóm người này cần có những bữa ăn nhỏ thường xuyên. Việc này giúp họ có thể tránh được mức đường huyết tăng vọt. Thời gian lý tưởng giữa các bữa ăn là khoảng 3 giờ.
Người bệnh tiểu đường cần chú trọng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh, ít béo. Ảnh: Freepik
Chế độ ăn uống giàu protein
Protein giúp làm no cơn đói và giúp tăng hoặc duy trì khối lượng cơ bắp. Thông thường, các loại protein thực vật có hàm lượng đường thấp. Những người bị bệnh tiểu đường cũng cần sử dụng thịt ít chất béo như ức gà, trứng và cá trong chế độ ăn uống, bên cạnh sữa ít béo, pho mát...
Trái cây theo mùa
Trái cây cung cấp nguồn giàu vitamin và khoáng chất lớn. Vitamin và khoáng chất giúp tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Trái cây cũng giàu chất xơ và chất chống oxy hóa giúp ổn định lượng đường trong máu. Tuy nhiên, những người mắc bệnh tiểu đường phải tránh các loại trái cây như chuối, xoài và rau má.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, giúp ổn định lượng đường trong máu cũng như các loại vitamin và khoáng chất cần thiết.
Bệnh nhân tiểu đường cần tránh đồ ngọt như kẹo và bánh quy; khoai tây chiên và đồ ăn nhẹ mặn; nước trái cây và soda; trà có đường; bánh mì trắng; ngũ cốc chế biến...
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường loại 2 dễ bị mất nước. Những thách thức về insulin dẫn đến lượng đường tăng thêm trong máu, có nghĩa là thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ nó. Nếu thận hoạt động quá mức, người bệnh sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và có khả năng bị mất nước. Do đó, người bệnh có thể tạo thói quen nhâm nhi đồ uống không đường, không chứa caffeine suốt cả ngày. Nước lọc là sự lựa chọn tốt nhất.
Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, người bệnh cần chú trọng duy trì đơn thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Song song đó là tập thể dục như đi bộ, nâng tạ nhẹ. Tập thể dục cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác như cholesterol cao và huyết áp cao. Ngay cả những bài tập nhẹ như đi bộ cũng giải phóng hormone hạnh phúc của cơ thể được gọi là endorphin.
Tú Anh (theo Food, utswmed)