Ngân làm việc cho một công ty truyền thông ở Hà Nội, phải gặp gỡ, giao tiếp với người khác và trang điểm mỗi ngày. Suốt ba năm nay, cô "trung thành" với gắn mi giả vì lông mi thật rất ngắn, hay bị rụng, kẹp mi không lên. Theo cô, lông mi giả không tự nhiên nhưng hạn chế các bước trang điểm, tiết kiệm thời gian đi nối. Gần đây, Ngân được bạn bè giới thiệu phương pháp cấy mi sinh học, giúp các sợi mi sẵn có khỏe, lâu rụng và dày hơn.
Trước khi cấy mi, Ngân tham khảo chi phí một số nơi. Giá dịch vụ ở các spa dao động từ 10 đến 15 triệu đồng, đóng đủ một lần thì được giảm từ 10 đến 15%. Nhân viên tư vấn cam kết phương pháp không đau đớn, không chảy máu, không biến chứng, đảm bảo "hài hòa với gương mặt, không bị cứng", có bảo hành.
Song, cấy mi sinh học là thủ thuật xâm lấn nên cô vẫn dè chừng. Ngân cũng tìm hiểu, biết phương pháp này không bền, "sớm muộn mi cũng rụng và không mọc lại" nên càng lưỡng lự.
Oanh 25 tuổi, cũng từng đi cấy mi sinh học tại spa ở Hà Nội nhưng chỉ được ba tháng thì mi bắt đầu rụng. Từ đó, cô chuyển sang dưỡng mi bằng dầu dừa, trang điểm cho lông mi dày và dài. Khi có dịp quan trọng, cô dùng mi giả hoặc nối mi để mắt to và đẹp, chi phí rẻ hơn, chỉ bằng 1/10 so với cấy mi.
Nhận định về phương pháp cấy mi sinh học, Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trang, Khoa da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, nói đây là kỹ thuật đưa hoạt chất có tác dụng kích thích vào gốc lông mi, làm bộ phận này phát triển dài hơn, dày, chắc khỏe và đậm màu hơn. Tại nhiều cơ sở, mức giá cấy mi sinh học từ 500.000 đồng đến 600.000 đồng cho một buổi. Cả liệu trình chi phí từ 10 triệu đến 15 triệu đồng. Hầu hết, các cơ sở đều "đảm bảo về chất lượng" cũng như cam kết về hiệu quả sau khi thực hiện.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trang, ngoài việc đưa hoạt chất kích thích mọc dài mi, phương pháp này còn bóc tách lấy sợi tóc khỏe mạnh và cấy vào vùng mi không có lông. Việc này cần được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khéo tay và có nhiều kinh nghiệm để tạo ra một hàng mi an toàn và đẹp. Vùng cấy phải được theo dõi thường xuyên để lông mi có thể sống và phát triển tốt.
Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết cấy mi sinh học chỉ có tác dụng tạm thời, hiệu quả từ 60 đến 70%, không thể được 100% như quảng cáo. Lý do là lông ở mỗi vùng có cấu tạo và đặc điểm khác nhau, riêng lông mi mỏng, mảnh, nhỏ nên khi cấy lông ở vùng khác vào thường không tự nhiên, không bền và chắc chắn bị rụng. Khi cấy nang tóc và chân lông mi có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm bờ mi hoặc không thích ứng nếu không đảm bảo vô trùng.
Cấy mi sinh học còn là phương pháp xâm lấn, bác sĩ dùng đầu kim chuyên dụng hoặc máy chuyên dụng để độn một cái lỗ bờ mi, đưa lông sinh hoặc nang lông vào để cấy, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Ngoài ra, khi cấy mi, khách hàng được gây tê và sẽ có rủi ro nhất định. Ví dụ như vô tình cấy vào các tuyến sụn mi, gây tắc các lỗ tuyến, dẫn đến cấy mi không có tác dụng. Sau khi cấy, lông mi dễ bị nhiễm trùng nếu không chăm sóc đúng cách.
Cấy mi, nối mi, gắn mi giả là phương pháp làm đẹp giúp mi dài, cong, dày hơn. Ảnh: Vegas nail
Bác sĩ Trang nói chị em vẫn có thể cấy mi sinh học, nhưng cần hiểu thực chất của phương pháp này cũng như bổ sung dưỡng chất kích thích mọc mi, không nên quá tin vào quảng cáo. Trước khi cấy, bạn cần thăm khám vùng mi, mắt để xác định chính xác mức độ cần cấy lông mi và tuân thủ quy tắc phẫu thuật, tránh nhiễm khuẩn, bầm tím, sưng.
"Lựa chọn cơ sở uy tín và phương pháp làm đẹp tốt vừa là đầu tư khoa học vừa tránh mất tiền lại không hiệu quả lâu dài", bà Trang cho hay.
Trả lời VnExpress, Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tài Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam, nhận định nhu cầu làm đẹp đang tăng trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch, kéo theo nguy cơ tai biến tăng cao, nhất là tiến hành thủ thuật ở các cơ sở trái phép, spa không có chức năng thẩm mỹ. Ngoài quy trình tại cơ sở chưa đảm bảo, người thực hiện không có kiến thức về thẩm mỹ, nhiều y bác sĩ "tay ngang", không có chuyên môn, sinh viên chưa ra trường... cũng tiến hành thủ thuật thẩm mỹ dẫn đến tai biến, biến chứng, thậm chí phải đánh đổi bằng tính mạng khách hàng.
Giáo sư khuyến cáo các spa chỉ có chức năng chăm sóc da và thực hiện các thủ thuật không xâm lấn qua da. Người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ phải chủ động bảo vệ mình, luôn tỉnh táo, cảnh giác trước những mời gọi, quảng cáo "đại hạ giá". "Tuyệt đối không ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ để tránh tiền mất, tật mang", giáo sư Sơn nói.