Người dân Indonesia tiêm ngừa COVID-19 ở Jakarta ngày 19-12 - Ảnh: AFP
Biến thể JN.1 được phát hiện lần đầu ở Mỹ hồi tháng 9-2023 và nhanh chóng lây lan, chiếm khoảng 15-29% số ca mắc COVID-19 ở nước này, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). JN.1 là một biến thể mới của biến thể phụ Omicron BA.2.86.
Ăn Tết với COVID-19
Theo tuyên bố của WHO ngày 19-12, bằng chứng hiện tại cho thấy biến thể mới này không gây ra nhiều mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Vắc xin hiện tại vẫn có thể bảo vệ con người khỏi biến chứng nặng và nguy cơ tử vong do JN.1 cũng như các biến thể khác của vi rút gây bệnh COVID-19 hiện nay.
Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia cho biết biến thể JN.1 có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch và lây truyền dễ dàng hơn các biến thể khác.
Tại New Zealand, các chuyên gia y tế đang kêu gọi người dân tiêm mũi vắc xin tăng cường ngừa COVID-19 trong dịp Giáng sinh, giữ vệ sinh và đeo khẩu trang trong không gian kín, để tránh biến thể mới nhất ảnh hưởng đến kỳ nghỉ sắp tới của họ.
Theo Trung tâm Truyền thông khoa học, số ca nhập viện vì đợt COVID-19 hiện tại sẽ lên đến đỉnh điểm trong tuần này.
Giáo sư Michael Plank của Đại học Canterbury cho biết JN.1 có thể là biến thể phát triển nhanh nhất trong năm nay.
"JN.1 chiếm 10-15% số ca nhiễm ở New Zealand. Nhưng nếu tăng trưởng với tốc độ tương tự như các quốc gia khác, nó có thể trở thành biến thể thống trị vào đầu năm mới. Điều này có thể khiến làn sóng COVID-19 tiếp tục tăng lâu hơn hoặc có khả năng gây ra đỉnh kép", ông Plank nhận định trên Đài RNZ.
Các chuyên gia cho rằng đợt dịch mới sẽ kéo dài do mọi người tụ họp và du lịch trong dịp năm mới. "Nguy cơ mắc bệnh nặng với COVID-19 hiện nay là rất thấp đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nó vẫn có thể là một căn bệnh nghiêm trọng đối với một số người và vẫn có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài", ông Plank nói.
Chưa gây nhiều lo ngại
Các chuyên gia kêu gọi người dân chú ý phòng tránh dịch COVID-19 trong dịp lễ cuối năm - Ảnh: AFP
Trong tuần này, Ấn Độ đã công bố 21 trường hợp mắc biến thể JN.1. Các nhà khoa học nước này lo ngại về biến thể mới nhưng cũng khuyên người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch hiện tại.
Bác sĩ Rajneesh Srivastava, thuộc Bệnh viện Max ở thành phố Gurugram, dẫn báo cáo mới nhất từ những bệnh nhân cho biết các triệu chứng ban đầu của người nhiễm biến thể mới bao gồm sốt, sổ mũi, đau họng, nhức đầu... "Các triệu chứng thường cải thiện sau 4-5 ngày. Một số bệnh nhân cũng có thể gặp vấn đề về hô hấp", ông Srivastava mô tả trên tờ Times of India.
Tiến sĩ Jacob John, một nhà vi rút học, nói rằng tất cả các biến thể phụ của Omicron đều ít độc lực hơn nhiều so với các biến thể trước đó.
Nói về JN.1, ông John cho biết các biến thể sau của vi rút gây bệnh COVID-19 đều có khả năng lây lan mạnh hơn và JN.1 có thể lan khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, ông không cho rằng nó có thể gây ra làn sóng dịch. "Dịch bệnh hiện nay đã trở thành 'đặc hữu', với số lượng thấp và ổn định, biến động nhỏ", ông nói.
Vắc xin vẫn hiệu quả
"Chúng tôi biết rằng vi rút gây bệnh COVID-19 tiếp tục biển đổi. Và thậm chí trong vài tuần qua, nó lại thay đổi. Tin tốt thứ nhất là chúng ta vẫn có thể phát hiện nó bằng các xét nghiệm. Tin tốt thứ hai các phương pháp điều trị hiện nay vẫn có hiệu quả chống lại sự biến đổi đó. Và quan trọng là vắc xin cập nhật bây giờ vẫn bảo vệ tốt", bà Mandy Cohen, giám đốc CDC Mỹ, nói trên ABC News.
Các chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo người dân phòng trách dịch trong đợt lễ cuối năm, vốn là thời điểm dễ lây lan các bệnh hô hấp.