1. Lợi ích của việc tập luyện với người bệnh suy tim
Suy tim là bệnh lý mạn tính nặng, nhưng việc phối hợp các biện pháp điều trị cùng lối sống lành mạnh, tích cực, lạc quan có thể làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và làm tăng chất lượng cuộc sống.
Việc thường xuyên tập thể dục ở người suy tim giúp tăng cường các hoạt động sinh lý, tăng khả năng chịu đựng... Các ghi nhận cho thấy luyện tập rất quan trọng với bệnh nhân suy tim.
Vệc vận động trong công việc hằng ngày từ chăm sóc nhà cửa, đi bộ, chạy bộ đều có lợi cho bệnh nhân tim mạch. Tập thể dục thường xuyên phù hợp với thể trạng sẽ làm giảm huyết áp động mạch, làm giảm các thành phần mỡ có hại trong máu (LDL hoặc cholesterol toàn phần), làm tăng các thành phần mỡ có lợi (HDL), nhờ đó làm giảm tiến triển của xơ vữa động mạch.
Ngoài ra, rèn luyện thể dục sẽ giúp tâm lý người bệnh vui vẻ, sảng khoái, nâng cao chất lượng đời sống nhờ vào endorphins sản sinh ra khi có vận động thể chất đúng mức.
Chính vì điều đó, các triệu chứng bệnh dần ít đi, khả năng hồi phục sức khỏe tốt. Như vậy, rõ ràng vận động hợp lý đã đóng góp nhiều cho quá trình phục hồi chức năng tim mạch của các bệnh nhân.
2. Bài tập dành cho người bệnh suy tim
Các hoạt động thích hợp với người bệnh suy tim là:
2.1 Đi bộ
Đi bộ nhẹ nhàng phù hợp với nhiều người trong đó có người bệnh suy tim. Đi bộ là thói quen tốt nhất dễ thực hiện giúp cơ thể sẽ khoẻ khoắn hơn, giảm lượng cholesterol trong máu, giảm nguy cơ bị cao huyết áp. Nếu đi bộ nhanh trên 3 tiếng/ 1tuần sẽ có cơ hội giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim lên tới 35%.
Hãy bắt đầu đi bộ một quãng ngắn, có thể chỉ quanh nhà hoặc sân gần nhà, trong vòng 3-4 phút, sau đó nghỉ ngơi 2 phút, rồi tiếp tục đi bộ. Nên chọn cung đường vừa phải, tổng thời gian đi chừng 30-45 phút để vận động cơ thể nhưng vẫn đủ khỏe để vừa đi vừa trò chuyện. Mỗi buổi tập nên khởi động chậm rãi, sau đó tăng tốc nhẹ nhàng và đều đặn. Nếu cảm thấy mệt thì đi chậm dần rồi nghỉ ngơi.
Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên hơn 150 phút/ một tuần giúp người bệnh tim mạch đẩy nhanh quá trình hồi phục, cải thiện chức năng tim, giúp giảm điều trị bằng thuốc, hạ huyết áp và cải thiện cholesterol.
Đi bộ nhẹ nhàng phù hợp với nhiều người trong đó có người bệnh suy tim.
2.2 Bơi lội
Bơi lội sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tim mạch, tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể trở nên linh hoạt hơn. Lợi ích tiếp theo bơi lội mang đến đó chính là cải thiện sự co bóp của tim, giúp giảm huyết áp và làm tăng dung tích phổi. Người bệnh suy tim có thể bơi theo sức khỏe thể lực. Các khuyến cáo cho thấy người bệnh suy tim có thể bơi khoảng 150 phút/ mỗi tuần để giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý chỉ nên bơi nhẹ nhàng, không bơi nhanh và lặn vì nín thở sẽ gây ra nguy hiểm cho tim mạch. Tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo kiến cũng như tư vấn của bác sĩ khi muốn đi bơi để tăng cường sức khỏe.
2.3 Đạp xe
Đạp xe là một trong những bài tập tốt cho tim mạch. Những người có sức khỏe và sức đề kháng yếu trong độ tuổi 40 trở lên thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch là rất cao, bài tập này rất phù hợp với nhóm đối tượng này.
Đối với người mắc bệnh suy tim, đặc biệt người cao tuổi có thể đạp xe mỗi ngày dưới sự hướng dẫn của bác sĩ tim mạch. Ngoài ra, người bị bệnh tim mạch cũng có thể tập đạp xe trong nhà với các thiết bị chuyên dụng giúp tự chủ trong việc luyện tập cũng như tránh được các yếu tố bên ngoài tác động đến quá trình tập.
2.4 Dưỡng sinh, yoga
Nhắc đến các lợi ích đối với hệ tim mạch thì không nên bỏ qua bài tập dưỡng sinh, yoga. Các động tác nhẹ nhàng nhưng kích thích tới hệ tuần hoàn làm máu trong cơ thể lưu thông tới tốt và các mô ở tim sẽ được cung cấp chất dinh dưỡng, cải thiện sức khoẻ tim. Không chỉ vậy, yoga và dưỡng sinh còn giúp người bệnh xây dựng cho mình một tinh thần tốt, giải toả áp lực xung quanh, thay đổi cả một lối sống theo hướng tích cực hơn, hỗ trợ chống chọi lại các bệnh tật bằng cảm xúc lạc quan, yêu đời.
2.5 Bài tập tại nhà
Một số bài tập thể dục vận động tại nhà sẽ giúp người bệnh suy tim có thể tập luyện được mọi nơi, mọi lúc.
Bài tập nhún vai
Cách thực hiện: Người bệnh nhẹ nhàng đứng dậy và thư giãn, hít thở sâu. Sau đó xoay vai theo 1 vòng tròn vai lên, xuống, phải, trái và ngược lại. Lặp lại động tác này nhiều lần (5 – 10 lần). Lưu ý: chỉ di chuyển vai, không di chuyển cánh tay
Bài tập nâng chân
Bài tập đơn giản này không yêu cầu bất kỳ thiết bị chuyên dụng nào. Khi thực hiện thường xuyên, nó có thể cải thiện lưu thông máu trong tĩnh mạch.
- Nằm thẳng lưng.
- Nâng từng chân một.
- Giữ chân trên không trong vài giây.
- Đổi chân và lặp lại.
Bài tập nâng chân
Bài tập bập bênh
Bập bênh tương tự như động tác nâng bắp chân. Với một bước bổ sung, bài tập này cũng có thể giúp bạn giữ thăng bằng.
- Đứng thẳng hai gót chân với nhau, mũi chân hướng ra ngoài.
- Kiễng chân lên.
- Từ từ hạ lưng xuống.
- Bám gót chân, mũi chân chạm đất.
Bài tập bập bênh
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Trước khi bắt đầu việc tập luyện thể dục, phải hỏi ý kiến bác sĩ để làm trắc nghiệm khả năng gắng sức hoặc cho ý kiến về môn tập phù hợp.
- Không nên tập luyện khi cảm thấy không khỏe, rối loạn nhịp nguy hiểm hoặc đang trong tình trạng suy tim cấp. Trước mỗi buổi tập cần khởi động kỹ, bắt đầu tập với cường độ vừa phải, sau đó tăng tốc và giảm dần trước khi kết thúc để tim thích nghi dần.
- Nên bắt đầu thật chậm và tăng dần thời gian và cường độ vận động nếu thấy đủ sức. Mức vận động cần đạt ít nhất 30 phút/ ngày (có thể chia thành nhiều lần), trên 5 lần/ tuần.
- Tập vào thời điểm nhất định trong ngày để tạo thói quen. Uống 1 tách nước trước, trong và sau khi tập.
- Mặc quần áo thoáng mát, mang giày nhẹ có dây buộc hoặc giày vải. Cần làm ấm cơ thể bằng các bài tập co duỗi cơ trước khi vận động. Chọn những bài tập ưa thích, có thể thay đổi bài tập trong tuần để đỡ nhàm chán.
- Theo dõi nhịp mạch và mức gắng sức đang thực hiện, nghỉ ngơi đầy đủ để hồi phục sau vận động.
- Nên tập luyện cùng với một người bạn thân khỏe mạnh, tham gia vào một nhóm, hội, câu lạc bộ sức khỏe
- Những điều cần tránh khi luyện tập:
+ Người bệnh suy tim cần tránh những hoạt động gây các triệu chứng sau: khó thở; choáng váng, chóng mặt; đau ngực; buồn nôn; vã mồ hôi lạnh… nếu xảy ra những dấu hiệu này, phải dừng tập ngay.
+ Tránh những bài tập mang tính đối kháng, cạnh tranh cao, khiêng vác nặng, có va chạm.
+ Không tập luyện khi đói hoặc ngay sau bữa ăn.
+ Tránh tập luyện trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh hoặc khi cảm thấy không được khỏe...