Ngôi nhà của cháu T. ngập tràn đau buồn sau khi cháu T. ra đi - Ảnh: B.D.
Chiều 31-10, ngôi nhà của chị Hứa Thị Ngọc Ấn (31 tuổi), chồng là Nguyễn Hữu Vương (34 tuổi) đìu hiu. Mất con quá đường đột, chị Ấn bần thần ngồi nhìn mọi người tới thắp hương cho con trai mình.
Tìm thầy lang "cào dại" thay vì tới trạm y tế
Nói về con trai xấu số của mình, chị Ấn cho biết cháu khá chậm nói, kém nhanh nhẹn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Hai vợ chồng có 3 con, chồng chị đi làm công nhân, chị ở nhà chăm sóc các con nhỏ. Hoàn cảnh rất khó khăn, nhà cửa chưa ổn định
Chiều 13-9 khi N.T.T. - con trai của chị Ấn - đang học ở trường thì cô giáo gọi điện báo T. bị chó dại cắn. Chị tức tốc chạy lên trường đưa con về thì thấy vết cắn nằm ở đốt ngón tay.
"Thường ngày cháu rất thích ôm chó, mèo. Lúc cháu bị chó cắn ở trường thì cũng cứ nghĩ là cháu chơi với chó rồi bị con chó khỏe mạnh của ai đó gần trường cắn" - chị Ấn nói.
Chị Ấn kể thêm do có chút lo lắng, cùng với việc ông bà nội ngoại liên tục hối thúc nên sáng hôm sau chị chạy xe máy chở con tìm một "thầy lang" chuyên… "cào dại" cách nhà không xa.
Khi tới thì được biết "thầy" này đã qua đời. Nhiều người mách nước cho để hai mẹ con tìm tới một người phụ nữ tên V. ở gần chợ Lệ Trạch, TP Đà Nẵng cũng rất cao cao về tài "cào dại".
Khi nhìn vết tổn thương do bị chó cắn trên tay cháu T., "thầy lang" ở Đà Nẵng dùng một đồ vật cứng rồi chà xát nhiều lần. Sau đó dùng một hạt nhỏ giống như hạt đậu để dán lên vị trí vừa cào.
Khi thấy hạt không bám chặt vào vết thương, người này quả quyết với chị Ấn rằng "bệnh dại không lên, trong người cháu T. không có mầm bệnh dại".
"Tui trả công cho "thầy" 50 nghìn đồng rồi đưa con về. Cứ nghĩ thầy đã "cào" như thế mà không ra thì chắc con mình không sao.
Cháu về nhà cũng ăn uống, vui chơi, đi học bình thường. Nhưng tới giữa tháng 10 thì sốt cao, nôn ói, đưa thức ăn gì vào cháu cũng kêu đau rát ở cổ. Tôi đưa cháu tới viện thì được kết luận là cháu bị nhiễm bệnh dại. Tới 26-10 con tôi qua đời" - chị Ấn nói.
Nói với Tuổi Trẻ Online tại nhà riêng chiều 31-10, cả chị Ấn cùng nhiều người thân nói rằng lâu nay ở vùng nông thôn này nhiều người vẫn tìm tới "thầy lang cào dại" mỗi lúc bị chó cắn. Chi phí cũng rẻ hơn rất nhiều so với đi viện.
"Ai bị chó cắn thì tới "thầy" dùng một vật cứng để cào lên vết thương. Cào xong, nếu ép hạt lên mà không dính thì tức là không bị bệnh dại. Ngược lại nếu trong người có bệnh thì hạt sẽ bám chặt" - một người thân của chị Ấn nói.
Ông Hứa Tự Nam, ông ngoại của cháu T., nói khi cháu mình bị chó cắn gia đình cũng ngại đi viện, cháu T. cũng chậm nói, không được lanh lẹ nên cả nhà lo nếu tiêm vắc xin thì... sẽ khiến trí não cháu đã chậm lại chậm hơn.
Tuyệt đối không tin lời thầy lang để chữa bệnh dại
Trước đó ngày 29-10, Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, Quảng Nam nhận thông tin có một trường hợp bệnh dại là bé trai N.T.T. đã tử vong.
Theo lời kể của người nhà và nhà trường, cháu T. đi học tại Trường tiểu học Lê Tự Nhất Thống (khối Thanh Quýt 3, phường Điện Thắng Trung) thì bị chó hoang vào trường cắn ở cẳng tay vào chiều 13-9.
Trước đó sáng cùng ngày, con chó này có cắn anh L.T.T. (27 tuổi) nhà gần trường và anh đã tiêm huyết thanh, vắc xin phòng dại ngay.
Sau khi bị chó cắn, cháu T. được cô giáo trong trường rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối, sau đó báo cho phụ huynh và tư vấn đi chích ngừa để phòng bệnh dại.
Tuy nhiên, người nhà không dẫn bé đi tiêm phòng dại mà đưa đi chữa ở một thầy lang tên Vui, ở chợ Lệ Trạch, TP Đà Nẵng.
Theo Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, con chó cắn cháu T. là chó hoang không được xích nhốt, không rọ mõm, đã cắn ít nhất 2 người, tình trạng chó kích thích, chạy rông ngoài đường, mất tích sau khi cắn người.
Trung tâm y tế kiến nghị Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng dại cho số lượng đàn chó, mèo ở các xã, phường.
Yêu cầu các trạm y tế xã, phường tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống trước và sau phơi nhiễm cho người, động vật để người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Khi người bị phơi nhiễm tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.
Bác sĩ Lê Đỗ Mười Thương, Trường Cao Đẳng Y tế Quảng Nam (hiện là nghiên cứu sinh về giám sát bệnh dại tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), cho biết từ đầu năm đến nay cả nước có 74 ca tử vong vì bệnh dại ở người. Riêng tại Quảng Nam có 2 ca.
"Tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh dại là 100%. Biện pháp duy nhất để điều trị khi bị chó dại cắn là tiêm vắc xin hoặc huyết thanh càng sớm càng tốt. Tất cả các biện pháp điều trị khác bằng thuốc đông y hoặc tây y không giúp bệnh nhân tránh tử vong nếu đã lên cơn dại" - bác sĩ Mười Thương nói.