Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo sáng 31-1 - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đây là thông tin do PGS Phạm Văn Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ tại Hội thảo điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024, do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 31-10 và 1-11.
Loại ung thư nào người Việt mắc nhiều nhất?
Ông Bình cho hay theo số liệu thống kê năm 2022, tại Việt Nam ước tính có 180.480 trường hợp mới mắc ung thư và 120.184 trường hợp tử vong do ung thư.
Số ca ung thư mắc mới ở nam giới là hơn 95.300 ca, trong đó 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày; nữ giới có 85.100 ca mắc mới, phổ biến nhất là ung thư vú, phổi, trực tràng.
"Trong đó có khoảng 71.300 người tử vong do ung thư là nam giới, với 3 loại ung thư có số ca tử vong cao nhất là ung thư gan, phổi, dạ dày. Ở nữ giới, số ca tử vong là khoảng 48.800 ca, phổ biến nhất là vú, phổi, gan.
Việt Nam có tỉ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 20/47 quốc gia châu Á", ông Bình cho hay.
Cũng theo ông Bình, mạng lưới và chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam được các bộ, ngành, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Từ năm 2009, Bộ Y tế đã ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư giai đoạn 2009 - 2020.
Đến nay, Việt Nam có 11 bệnh viện chuyên ung bướu tại 9 tỉnh/thành phố; 23 trung tâm, viện ung bướu tại 13 tỉnh/thành phố, 78 khoa ung bướu tại 61 tỉnh/thành phố. Còn 2 tỉnh thành chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân về phòng chống ung thư, khám sàng lọc phát hiện sớm và các dấu hiệu sớm của bệnh
Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ; Thúc đẩy các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ung bướu, đặc biệt là các công nghệ chẩn đoán sớm, điều trị cá thể hóa và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc ung thư.
Khuyến khích các nhà khoa học tham gia nghiên cứu các mô hình phòng chống ung thư phù hợp với điều kiện và tình hình bệnh tật tại Việt Nam.
Chiến lược phòng chống ung thư ở Việt Nam
Theo chiến lược kiểm soát và phòng chống ung thư tại Việt Nam, mục tiêu đến năm 2025 việc tuyên truyền, hướng dẫn phát hiện sớm ung thư phải được thực hiện từ trạm y tế.
Trong đó, chiến lược đặt ra mục tiêu có 90% trạm y tế, đơn vị liên quan thực hiện truyền thông phát hiện sớm bệnh ung thư. 80% người từ 40 tuổi trở lên được truyền thông, hướng dẫn phát hiện sớm bệnh ung thư.
Đồng thời, đối với 3 loại ung thư phổ biến nhất là ung thư vú, cổ tử cung, trực tràng phải có ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được tầm soát kịp thời. Mục tiêu ít nhất 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Đồng thời nâng cao năng lực y tế cơ sở trong việc chẩn đoán, phát hiện ung thư sớm.
Ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, cũng cho rằng hiện nay việc tầm soát, điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, các thuốc mới, phương pháp điều trị mới đã được cập nhật thường xuyên.
Tuy nhiên, chi phí điều trị bằng các phương pháp mới, kỹ thuật mới cao, hạn chế sự tiếp cận của người bệnh.
Ông nhấn mạnh hội thảo với sự tham gia của hơn 1.300 chuyên gia trong và ngoài nước là cơ hội để kết nối các chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau cập nhật những kiến thức mới nhất về điều trị đa mô thức. Góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành điều trị ung thư để đóng góp phần nhiều hơn nữa trong công tác kiểm soát ung thư.