Nhiều người dân sau khi ăn bánh mì ở tiệm Cô Ba tại Vũng Tàu đầu tuần phải nhập viện điều trị - Ảnh: TTXVN
Bất cứ thời điểm nào trong ngày, một ổ bánh mì nóng giòn kẹp thịt... cũng làm no bụng từ anh công nhân, lái xe, sinh viên, nhân viên văn phòng đến giám đốc.
Nhưng làm gì để mọi người thưởng thức món ăn khoái khẩu này không phải lo sợ bị ngộ độc?
Nguy cơ ngộ độc do bảo quản kém
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng với các thức ăn nhanh, trong đó nhất là bánh mì, nguy cơ ngộ độc từ vỏ bánh mì có thành phần tinh bột là rất ít, khi hư hỏng sẽ chỉ bị mốc, rất dễ phát hiện.
Vì vậy nguy cơ ngộ độc lớn nhất chính là nhân bánh mì như giò lụa, pa tê, heo quay, thịt gà..., đây là những loại protein rất dễ bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc nếu không được bảo quản đúng cách.
Mức độ hư hỏng, nhiễm khuẩn càng nhiều thì nguy cơ ngộ độc nặng càng lớn, có thể gây tử vong cho người ăn.
Theo PGS Duy Thịnh, với nhiều cơ sở chế biến thực phẩm có quy mô lớn phải có sự chuẩn bị nguyên liệu nhiều, khi đó chỉ cần để ngoài trời quá lâu, không đảm bảo nhiệt độ hoặc môi trường không vệ sinh sạch sẽ nhiễm khuẩn ngay.
Ngay cả bảo quản bằng ngăn mát tủ lạnh cũng chỉ hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn chứ không ngăn được ngộ độc.
Bên cạnh đó, mặc dù nguyên liệu nhân bánh mì đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng những khay bày bán lưu trữ không được vệ sinh thường xuyên cũng chính là nguyên nhân nhiễm vi sinh vật dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Còn ThS Bùi Thị Duyên - phó chủ nhiệm phụ trách khoa dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 175 - phân tích nhân bánh mì, trong đó đặc biệt là pa tê, dễ bị hỏng nếu không được bảo quản trong điều kiện lạnh đúng quy định (0-4°C).
Khi để lâu ở nhiệt độ phòng hoặc chế biến, đóng gói không đảm bảo, pa tê có thể nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum hoặc vi khuẩn gây ngộ độc khác.
Tiếp đến là nhân thịt, chả, xúc xích, nếu không được nấu chín kỹ hoặc để ngoài không khí quá lâu có thể bị nhiễm vi khuẩn như Salmonella, Listeria hoặc E. coli. Với nhân trứng và sốt nếu không được chế biến kỹ hoặc bảo quản đúng cách dễ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Bên cạnh đó rau sống có thể nhiễm khuẩn E. coli, Shigella hoặc vi khuẩn đường ruột khác nếu không rửa sạch hoặc ngâm qua nước muối.
Vì vậy, theo bác sĩ Duyên, khi khâu chế biến và vệ sinh không sạch sẽ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao, dẫn đến ngộ độc cấp tính gây nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội, sốt cao.
Đừng để đau bụng mới lo bảo quản
Để đảm bảo an toàn khi ăn thức ăn nhanh như bánh mì, xôi và đồ ăn đường phố, bác sĩ Duyên khuyến cáo người dân nên chọn mua tại các địa điểm uy tín, nơi có thực phẩm được đóng gói hoặc chế biến tại chỗ một cách sạch sẽ.
Cần kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi ăn, đảm bảo không có mùi lạ, màu sắc bất thường hay dấu hiệu ôi thiu. Tránh ăn thực phẩm để lâu ở nhiệt độ phòng và nhớ rửa sạch rau sống bằng nước muối.
Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở kinh doanh thực phẩm quy mô lớn (trên 1.000 suất ăn) bắt buộc phải lưu mẫu thực phẩm trong 24 - 48 giờ sau khi chế biến. Việc này giúp xác định nguyên nhân và độc tố khi xảy ra ngộ độc, đồng thời kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo PGS Duy Thịnh, để đảm bảo an toàn thực phẩm tại hàng quán, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra các điểm kinh doanh để có đánh giá chung, hạn chế thấp nhất những hàng quán vỉa hè. Tốt nhất nên bố trí thành khu vực buôn bán riêng biệt để dễ quản lý và thẩm định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong khi đó đại diện một trạm y tế trên địa bàn TP.HCM thì cho rằng khi kiểm tra các cơ sở buôn bán thực phẩm cần có sự phối hợp của nhiều đơn vị, các ban, ngành nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, kiểm tra nhiều lần gây phiền hà cho cơ sở.
Lãnh đạo địa phương nắm các cơ sở kinh doanh trên địa bàn mình để tránh bị bỏ sót, đảm bảo an toàn thực phẩm, sức khỏe của người dân.
Có dấu hiệu ngộ độc, đến ngay cơ sở y tế gần nhất
Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM), cần đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu ngộ độc thức ăn như: sốt trên 38,5oC, bụng chướng, ói liên tục, tiêu chảy nhiều lần, tê tay chân hoặc không uống được.
Đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, người trên 60 tuổi và người có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mãn tính cần được khám càng sớm càng tốt.