Chuyên mục  


Ngày 26/4, BS.CK2 Nguyễn Đỗ Nhân, Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân vào viện hôn mê, nhiều vết thương khắp người, mạch nhanh, huyết áp tụt sâu. Bác sĩ ghi nhận tổn thương não, cột sống cổ, dập phổi nặng, nứt vỡ khung chậu. Ngoài ra, bệnh nhân còn lóc da ngầm diện rộng, dập gan, vỡ thận.

"Bệnh nhân sốc trụy mạch, sốc đa thương khi vào cấp cứu, gần như không còn hy vọng cứu chữa, tiên lượng tử vong", bác sĩ Nhân nói.

TS.BS Nguyễn Duy Tân, Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, cho biết với nỗ lực "còn nước còn tát", các bác sĩ báo động đỏ, huy động nhiều chuyên khoa, vừa hồi sức tích cực, vừa phẫu thuật cấp cứu. Kíp mổ dẫn lưu màng phổi khoảng 1.500 ml máu. Chấn thương vùng chậu khiến bệnh nhân mất khoảng 2.000 ml máu. Bác sĩ còn ghi nhận khoảng 800 ml máu từ chấn thương gan, thận. Ê kíp còn dẫn lưu khoảng 1.500 ml máu từ vùng lóc da ngầm kéo dài từ bụng xuống đùi, chân.

Theo bác sĩ Nhân, với đa chấn thương nặng nề, kíp điều trị không thể tiên lượng được tình hình. Nhiều lo ngại đặt ra như tình trạng chảy máu có cầm được không, lượng máu mất quá lớn nếu bù vào quá nhiều liệu có gây rối loạn đông máu. Bên cạnh đó, bệnh nhân dập khổi nặng, việc kiểm soát hô hấp đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải bảo vệ phổi thật tốt trong thời gian đầu. Ngoài ra, người bệnh hôn mê, chấn thương sọ não, đứng trước nguy cơ tổn thương não không thể hồi phục.

"Tất cả chấn thương đều dẫn vào nguy kịch nên những ngày đầu chúng tôi chỉ nỗ lực điều trị giằng co, không dám trông mong gì, không đánh giá được khả năng hồi phục", bác sĩ Nhân nói.

Đến ngày thứ ba, kíp điều trị bắt đầu "có tia hy vọng xoay chuyển tình thế", bởi kiểm soát được lượng máu chảy và tình trạng dập phổi, dẫn lưu được lượng máu lớn ra ngoài để không gây chèn ép tim và phổi. May mắn, bệnh nhân vỡ khung chậu không di lệch, cầm máu tốt, đáp ứng tốt với dịch bù, não không tổn thương quá nặng nề...

Bác sĩ Nhân trò chuyện khi bệnh nhân đến tái khám, ngày 26/4. Ảnh: Lê Phương

Bệnh nhân từng bước hồi phục tốt. Bên cạnh giữ được tính mạng cô gái, điều khiến các y bác sĩ hạnh phúc là cứu được phần da bị lóc. Bởi, tổn thương lóc da ngầm thường dễ gây chết toàn bộ da, đòi hỏi phải ghép da hoặc để lại sẹo lớn. Trường hợp này, da có hy vọng hồi phục trở lại như ban đầu, không phải ghép da, "rất có ý nghĩa với một thiếu nữ".

Từ chỗ không đi được, sau gần hai tháng điều trị, nữ sinh đã có thể đi lại chậm rãi, không cần đến nạng hỗ trợ. Cô cũng đang nỗ lực ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp đến.

"Lúc đầu vào viện bác sĩ khuyên người nhà chuẩn bị tinh thần, tôi ngã quỵ, may mắn con đã vượt qua được. Tôi chỉ có một đứa con", mẹ bệnh nhân nói.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020