Trả lời:
Ăn một bữa một ngày được nhiều người áp dụng để giảm cân và cải thiện sức khỏe, còn gọi là phương pháp nhịn ăn gián đoạn (OMAD).
Với phương pháp nhịn ăn gián đoạn thông thường, người thực hiện chỉ ăn trong một khoảng thời gian cụ thể, thường từ 8 đến 10 giờ mỗi ngày. Trong thời gian còn lại, họ sẽ không tiêu thụ bất kỳ thực phẩm và đồ uống nào có chứa calo. Một phương pháp phổ biến của nhịn ăn gián đoạn là mô hình 16/8, trong đó bạn nhịn ăn trong 16 giờ và ăn trong 8 giờ.
Còn OMAD là cách khá cực đoan, có thể gây nhiều hậu quả.
Nếu chỉ ăn một bữa trong ngày có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, do thời gian nhịn ăn quá dài nên dễ cảm thấy đói. Bữa ăn tiếp theo nếu không kiểm soát được cảm giác thèm ăn dẫn đến ăn quá nhiều, tạo ra quá trình tiết axit dạ dày bất thường, ảnh hưởng đến nhu động đường tiêu hóa. Tình trạng này gây tổn thương nghiêm trọng cho dạ dày, làm giảm khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, thậm chí gây suy dinh dưỡng, thiếu máu.
Ngoài ra, ăn một bữa một ngày cũng làm giảm khối lượng và chức năng cơ. Việc bổ sung không đủ vitamin D và canxi trong thời gian dài sẽ làm giảm sức mạnh của xương. Mặt khác, khi nhịn ăn trong nhiều giờ liên tục có thể khiến lượng đường trong máu xuống mức quá thấp, dẫn đến hạ đường huyết, khó tập trung làm việc, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, đối với những người lao động chân tay, trí óc... nếu không được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ dễ dẫn đến suy nhược, ảnh hưởng công việc và chất lượng cuộc sống.
Tốt nhất vẫn nên ăn 3 bữa/ngày, có thể chia nhỏ các bữa ăn, sử dụng những nhóm thực phẩm đa dạng, cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất.
Với người muốn giảm cân, cần kết hợp ăn uống và tập luyện lâu dài. Bên cạnh đó, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chứa chất béo không bão hòa.
Để an toàn, trong vòng một tháng chỉ nên giảm 5 - 10% cân nặng.
Ảnh minh họa: Bùi Thủy
PGS.TS Nguyễn Thị LâmNguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia