Chuyên mục  


Tiền sử gia đình có người mắc ung thư gan

Chị P (36 tuổi, là nhân viên văn phòng tại Bình Dương) đi khám do những triệu chứng đau bất thường ở thượng vị và cổ tay. Kết quả không ngờ chị được chẩn đoán mắc ung thư gan giai đoạn cuối.

Khi điều tra bệnh sử bác sĩ biết thêm chị P có mẹ đẻ đã mất do mắc ung thư gan trên nền virus viêm gan B. Chị P cũng biết mình mắc viêm gan B nên rất tuân thủ điều trị uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, từ tháng 5/2021, chị T đi khám có kết quả tốt nên chị chủ quan bỏ thuốc điều trị.

Khoảng 3 tuần gần đây, chị P xuất hiện đau âm ỉ vùng thượng vị, lan sang hạ sườn phải, người mệt mỏi, mặc dù ăn uống bình thường. Ngoài ra, chị P còn có thêm dấu hiệu sụt cân 2kg/tháng.

Quá lo lắng trước những bất thường của sức khỏe, chị được bạn bè khuyên đi khám. Kết quả bác sĩ chẩn đoán chị mắc ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) giai đoạn cuối, theo dõi di căn phổi.

Cầm kết quả trên tay, chị P rất ân hận vì đã không tuân thủ điều trị. Giá như chị duy trì uống thuốc và khám định kỳ đã không phải đối mặt với căn bệnh ung thư gan.

1690427403-3625005992402848021752304605708042287040614n-1690445097519-16904450983961861943909.jpeg

Đề phòng với những dấu hiệu của ung thư gan (Ảnh minh họa)

Kiểm soát viêm gan virus để phòng ngừa ung thư gan

TS.BS Ngô Chí Cương, nguyên bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), Trưởng chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, một người khi đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, đồng nghĩa với việc sẽ phải sống chung với virus lâu dài. Đối với trường hợp bệnh nhân P, bệnh nhân chưa sạch virus nên việc quản lý, theo dõi và điều trị là hành trình kiên trì, bền bỉ.

Việc dùng thuốc đặc trị viêm gan B có tác dụng ức chế virus HBV, qua đó làm giảm nguy cơ bệnh tiến triển dẫn tới xơ gan, ngăn ngừa viêm gan B lây truyền sang người khác, cũng như hạn chế các biến chứng cho bệnh nhân.

TS.BS Cương cho biết, thủ phạm gây ra ung thư gan hàng đầu trên thế giới và Việt Nam là virus viêm gan. Do vậy, những trường hợp phát hiện ra viêm gan virus cần phải theo dõi và khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm ở gan hay gặp. Loại virus này lây truyền chủ yếu qua 3 con đường chính gồm đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Do vậy, người bệnh cần chủ động phòng tránh bệnh bằng 3 lưu ý sau:

- Phòng tránh lây nhiễm bệnh

Từ mẹ sang con: Khi phụ nữ mang thai có virus viêm gan B nên thực hiện tiêm phòng vaccine viêm gan virus B cho trẻ ngay sau sinh và thực hiện tiêm các mũi tiếp theo theo phác đồ tiêm 0-1-6-18 tháng tuổi.

Qua quan hệ tình dục: Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, khi quan hệ có sử dụng bao cao su để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan từ bạn tình.

Phòng ngừa qua đường máu: Tuyệt đối không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, lược, bấm móng tay, bơm kim tiêm… với người khác để tránh bị lây nhiễm.

- Lưu ý về chế độ ăn uống và luyện tập: Người dân nên tránh thức uống có cồn như bia, rượu; Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh; Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe.

- Tầm soát sớm ung thư gan định kỳ: Bệnh viêm gan B diễn biến thầm lặng, ít biểu hiện ra ngoài nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân khi phát hiện bệnh thì đã ở cấp độ nặng.

TS Cương lưu ý, những người có tiền sử viêm gan virus B, C, nghiện rượu, đặc biệt bệnh nhân xơ gan do rượu, béo phì, nhiễm độc Aftatoxin... nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phát hiện sớm những tổn thương bất thường trong gan, gồm bộ 3 xét nghiệm: AFP, AFP-L3, DCP để phát hiện HCC giai đoạn sớm.

Ngoài ra cần lưu ý, người dân khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải... cần phải đi khám ngay. Khi có chẩn đoán xác định mắc bệnh, hoặc giai đoạn bệnh, người dân cần tuân thủ phác điều đồ điều trị của bác sĩ để quản lý sức khỏe lá gan tốt nhất.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020