Ông Phước bên tập phiếu chuyển đơn, báo phát ông gửi trong nhiều năm qua nhưng không nhận được trả lời - Ảnh: TUYẾT MAI
Mới đây qua báo chí, ông Nguyễn Hồng Phước (69 tuổi, quê Kiên Giang) mới biết được mình đã được đình chỉ bị can từ 23 năm trước.
Bị khởi tố và tạm giam, trở thành bị can bị cáo bất đắc dĩ sau một vụ án mạng nhưng đến nay ông Phước vẫn không được Viện KSND tỉnh Kiên Giang tống đạt quyết định đình chỉ bị can.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có buổi làm việc với đại diện Viện KSND tỉnh Kiên Giang để trao đổi về vụ việc.
Không thể giao quyết định đình chỉ vì đã quá hạn?!
Trả lời vì sao đã có quyết định đình chỉ bị can từ năm 2001 nhưng Viện KSND tỉnh Kiên Giang không giao cho ông Phước, ông Cao Văn Hoàng - trưởng phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, kinh tế Viện KSND tỉnh Kiên Giang - cho rằng những cán bộ thụ lý vụ việc này người đã nghỉ hưu, người đã nghỉ việc, người chuyển công tác nên không biết các cán bộ này đã tống đạt quyết định cho ông Phước hay chưa. Tuy nhiên khi kiểm tra hồ sơ thì trong hồ sơ không có biên bản tống đạt quyết định.
Còn về lý do ông Phước gửi đơn khiếu nại rất nhiều lần đến Viện KSND tỉnh Kiên Giang nhưng cơ quan này không trả lời, ông Hoàng nói mình mới nhận công tác nên cũng không biết.
Khi nhận được các văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Nội chính Tỉnh ủy chuyển đơn thì ông chỉ đạo cấp dưới phải trả lời.
Khi chúng tôi hỏi về việc sắp tới Viện KSND tỉnh Kiên Giang có giao quyết định đình chỉ bị can cho ông Phước không, ông Hoàng cho biết hiện nay không thể tống đạt quyết định đình chỉ cho ông Phước được vì đã quá hạn.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng nói rằng: "Không biết lúc trước anh em có tống đạt chưa nên mình cũng không dám tống đạt.
Người ký quyết định này là anh Nguyễn Văn Mích (phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang - PV) hiện nay đã hưu lâu lắm rồi, đâu thể phục hồi chữ ký này được, mà nếu như được thì cũng chỉ còn một bản chính thôi chứ đâu còn nhiều, con dấu này cũng đã đổi rồi. Chữ ký không còn, người không còn, dấu không còn, tôi đâu phục hồi được".
Phải khiếu nại mới trả lời đã đình chỉ, yêu cầu mới cho sao y?!
Phiếu chuyển đơn của Viện KSND tỉnh Kiên Giang sau khi nhận đơn của ông Phước - Ảnh: TUYẾT MAI
Đại diện Viện KSND tỉnh Kiên Giang cho biết Viện KSND tỉnh không có kế hoạch gì về việc giao quyết định đình chỉ hay thực hiện các thủ tục để khôi phục danh dự cho ông Phước.
Vị này cho rằng ông Phước phải khiếu nại thì mới xem xét được. "Nếu ông Phước khiếu nại thì tôi trả lời hồ sơ đã đình chỉ".
Tuy nhiên khi phóng viên hỏi rằng viện kiểm sát trả lời đã đình chỉ bị can nhưng trên thực tế ông Phước chưa nhận được quyết định đình chỉ thì căn cứ gì để khiếu nại?
Ông Cao Văn Hoàng cho rằng căn cứ để khiếu nại là hiện nay ông Phước đã biết ông đã được đình chỉ bị can.
Khi phóng viên cho biết các quyết định đình chỉ bị can (bản photo) và công văn Viện KSND tỉnh Kiên Giang trả lời cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang được cung cấp từ một nguồn khác và ông Phước chưa từng được tiếp cận các văn bản này một cách chính thống thì ông Hoàng cho rằng viện kiểm sát đã gửi công văn cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang thì Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm phải trả lời ông Phước.
Còn lý do vì sao ông Phước nhiều lần gửi đơn khiếu nại và kêu oan đến Viện KSND tỉnh Kiên Giang nhưng viện không trả lời thì ông Hoàng nói chưa nhận được đơn của ông Phước mà chủ yếu ông Phước gửi đơn "vòng vòng".
Trong khi đó theo tìm hiểu, ông Phước gửi đơn khiếu nại nhiều lần đến nhiều cơ quan như Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, TAND tỉnh Kiên Giang... và nhận về rất nhiều phiếu chuyển đơn của các cơ quan này chuyển đến Viện KSND tỉnh Kiên Giang.
Thậm chí trong đó có cả phiếu chuyển đơn của Viện KSND tỉnh Kiên Giang chuyển cho Công an tỉnh Kiên Giang và phiếu chuyển đơn của Viện KSND tỉnh Kiên Giang chuyển cho Phòng 2 của chính cơ quan này.
"Nếu ông Phước có yêu cầu thì cứ lên đây (đến trụ sở Viện KSND tỉnh Kiên Giang), chúng tôi sao y cho quyết định đó" - ông Hoàng nói.
Còn về căn cứ để Viện KSND tỉnh Kiên Giang ra quyết định đình chỉ bị can đối với ông Phước (vì hết thời hạn điều tra) thì ông Hoàng cho rằng nếu ông Phước khiếu nại thì sẽ xem xét lại quyết định đình chỉ hết thời hiệu hay không, và các bên có thẩm quyền sẽ đánh giá.
Gửi đơn nhưng nhiều cơ quan im lặng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Phước cho biết vì không am hiểu pháp luật nên ông chỉ biết gửi đơn và trông đợi phản hồi từ các cơ quan hữu quan mà không biết gì về trách nhiệm phản hồi của các cơ quan này.
Ông Phước khẳng định đã không dưới tám lần gửi đơn cho Viện KSND tỉnh Kiên Giang và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để kêu oan, mỗi lần như vậy đều có phiếu báo phát của bưu điện nhưng đến tận hôm nay vẫn chưa cơ quan nào trả lời việc ông đã được đình chỉ bị can từ năm 2001.
Dù nhận được công văn trả lời của Viện KSND tỉnh Kiên Giang về vụ án của ông Phước nhưng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng không trả lời cho ông, nên đến ngày 9-8-2024 ông vẫn gửi đơn cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và lần gần nhất ông gửi đơn cho Viện KSND tỉnh Kiên Giang là ngày 22-5-2024.
Bình luận về việc này, ThS Lưu Đức Quang (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) nói công chúng có quyền đặt câu hỏi về tính liên tục và chính danh của hoạt động thực thi công vụ, đặc biệt là hoạt động tư pháp vốn không thể bị phủ nhận trách nhiệm tống đạt các quyết định tố tụng cho đương sự bởi sự luân chuyển công tác, hưu trí của người tiến hành tố tụng.
Trách nhiệm công khai, minh bạch của các cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan tư pháp, vốn không thể đùn đẩy hoặc né tránh việc kết nối trực tiếp giữa người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng là bị cáo trong trường hợp này.
Không biết mình đã được đình chỉ bị can từ 23 năm trước
Ông Nguyễn Hồng Phước là nhân vật trong loạt bài "Những bị can bị lãng quên" đăng trên báo Tuổi Trẻ. Vào năm 1999, từ chuyện xích mích giữa con trẻ, ông Phước và con rể bị cáo buộc phạm tội cố ý gây thương tích khi đá vào nạn nhân khiến ông Nguyễn Văn Thu chết do xuất huyết nội.
Trong suốt quá trình tố tụng, ông Phước kêu oan. Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM hủy một phần liên quan ông Phước để điều tra lại. Sau đó ông Phước được TAND tỉnh Kiên Giang ra quyết định trả tự do.
Suốt 25 năm qua, ông Phước gửi nhiều đơn khiếu nại nhưng không được Viện Kiểm sát cũng như Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang trả lời.