Chuyên mục  


Chiều 9/12, TAND TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện  (36 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba) cùng 22 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.

Trong phiên tòa buổi sáng, HĐXX đã xét hỏi nhóm bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan, cho rằng mình hành vi của mình là đúng pháp luật, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Ảnh: Hữu Khoa).

Bước vào buổi làm việc buổi chiều, HĐXX dành thời gian xét hỏi nhóm bị cáo có hành vi Rửa tiền và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hồ sơ vụ án thể hiện, ngày 19/4/2018, Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Nguyễn Thái Luyện) yêu cầu Nguyễn Thái Lực đứng tên mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Thủ Đức, đăng ký số điện thoại của Lực để nhận thông tin tài khoản. 

Ngày 21/11/2018, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) chỉ đạo Lĩnh nộp tiền vào tài khoản của Lực. Mai chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm số tiền 50 tỷ đồng, kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng chi nhánh Thủ Đức. Toàn bộ số tiền trên do khách hàng thanh toán tiền mua đất của Công ty Alibaba.

Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên. Thắng đã ủy quyền sử dụng sổ trên cho Lực.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Hai căn nhà trên cùng đứng tên Lực. Còn lại 13 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm.

Bị cáo Nguyễn Thái Lực (Ảnh: Hữu Khoa).

Ngày 18/9/2019, khi cơ quan cảnh sát điều tra tổ chức thi hành lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở công ty Alibaba và chi nhánh thì Mai và Thắng có chứng kiến còn Lực đến trụ sở công ty nhưng chỉ đứng ngoài cửa chứ không vào. Cả 3 người biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm nêu trên có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng sau đó rút ra đưa Mai. 

Tại cơ quan điều tra, Mai khai đã sử dụng số tiền này vào việc cá nhân và trả tiền vay bên ngoài, đến nay cơ quan cảnh sát điều tra chưa thu hồi được.

Ngoài ra, Mai khai được Luyện phân công quản lý bộ phận kế toán, giám sát và điều hành mọi hoạt động thu chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Aibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện thì Mai mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.

Nguồn tiền thu của Công ty Alibaba được chi chủ yếu cho việc trả lương, hoa hồng cho nhân viên, mua đất, trả tiền  thuê mặt bằng kinh doanh, trả lãi định kỳ cho khách.

Tại tòa, bị cáo Mai cho rằng cơ quan công tố cáo buộc mình tội Rửa tiền là không đúng.

"Tại thời đó, có người đòi nợ và bị cáo không muốn dây dưa về khoản nợ này nên đã yêu cầu Thắng, Lực rút số tiền 13 tỷ đồng để trả nợ. Bị cáo không rửa tiền, tẩu tán tài sản", bị cáo Mai trả lời tại tòa.

Việc sử dụng 13 tỷ đồng thì Mai khai mình đưa ra ngân hàng trả cho 1 người bạn số tiền 2 tỷ đồng và số còn lại là trả cho một người khác. Khi được hỏi về nhân thân 2 người nhận số tiền trên thì bị cáo Mai từ chối trả lời.

Khi được hỏi về nhận thức thì bị cáo Mai cho rằng đây là khoản nợ thì phải trả và mình không chiếm đoạt, sử dụng.

Quá trình khám xét, cơ quan điều tra có thu giữ 1 lá thư bị cáo Mai gửi cho Nguyễn Thái Luyện trong có nội dung: "Nếu sau này anh có bị bắt". Lý giải về việc trên thì Mai nói: "Hai vợ chồng có bàn bạc nếu sau này Luyện bị bắt thì Mai sẽ bán các tài sản để trả tiền cho khách hàng". 

Còn bị cáo Lực cho rằng cơ quan tố tụng truy tố mình về tội Rửa tiền là oan sai. Anh ta cho rằng ngày công an khám xét trụ sở công ty Alibaba thì đang ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Khi được hỏi về nguồn gốc số tiền 13 tỷ đồng trên thì Lực khai mình không biết và không liên quan. 

Phiên tòa tiếp tục xét hỏi những người liên quan.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020