Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập năm 2007 với vốn đăng ký 80 triệu đồng. Việt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Tháng 4/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Trước khi sản xuất thành công bộ kit này, Việt Á cũng được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit xét nghiệm khác.
Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, hoạt động của Việt Á có xu hướng giảm dần khi doanh thu từ 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2020, năm được cấp phép kit test, gấp hơn 6 lần năm 2019.
Về quá trình ra đời của bộ kit này, năm 2020 Học viện Quân y đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19. Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm nghiên cứu từ những ngày đầu. Việc chuyển giao kit gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất để cùng nhau thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch. Việt Á cũng được Hội đồng tư vấn lựa chọn là đối tác nghiên cứu phát triển sản phẩm bởi đơn vị này có năng lực sản xuất kit test.
Khi chào hàng sản phẩm "hàng Việt Nam" của mình, Việt từng nói chi phí sản xuất bộ kit đã được tài trợ nên giá 400.000-600.000 đồng/test. Việt nêu quan điểm: "Doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho chính người dân của mình, vậy tại sao phải tăng giá lên cắt cổ người dân".
Nhưng thực tế lại khác, một năm sau đó, nhiều doanh nghiệp, người dân phản ánh về việc loạn giá kit và chi phí xét nghiệm. Việt Á, một trong 3-4 đơn vị sản xuất kit trong nước, bị đưa vào "tầm ngắm" khi có những nghi ngờ "thổi giá".
Bị can Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an
Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đồng loạt khám xét 16 địa điểm ở 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Long An và Cần Thơ. Cảnh sát triệu tập, ghi lời khai trên 30 người liên quan.
7 ngày sau, C03 khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị liên quan và khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt cùng ba thuộc cấp và ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương).
Kết quả điều tra ban đầu xác định, quá trình kinh doanh kit test Covid-19 do Việt Á sản xuất, Việt cùng các thuộc cấp đã "lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test để kinh doanh". Hơn nữa, kit test Covid-19 là sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn nên Việt đã chủ động cung ứng trước thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố để sử dụng.
Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân là các công ty liên danh, công ty con để lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Việc này làm giá sản phẩm của Việt Á cao hơn nhiều so với thực tế, định giá ở mức 470.000 đồng/kit. Hành này bị đánh giá là "nâng khống giá", vi phạm quy định về đấu thầu.
Ngoài ra, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế với số lượng lớn và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Việt đã thỏa thuận chi số tiền lớn cho lãnh đạo nhiều đơn vị mua hàng.
C03 cáo buộc thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng với CDC Hải Dương, Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng. Khi thực hiện gói thầu, hai bên đã có hành vi thông đồng, thổi giá, đưa nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ,... nên vi phạm điều 89 Luật Đấu thầu 2013.
Sau khi vụ án được khởi tố, nhiều lãnh đạo CDC đang bị cơ quan điều tra triệu tập.
Xét nghiệm nhanh Covid-19 ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Đại diện một CDC cho VnExpress biết việc mua sắm thiết bị của từng CDC sẽ do UBND tỉnh và Sở Y tế của tỉnh đó quyết định và đưa ra phương án tối ưu nhất. Tuy nhiên vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đấu thầu bởi đây là "mua sắm sử dụng vốn nhà nước". Các gói thầu mua sắm thiết bị là kit test thường rất lớn nên đa số phải đấu thầu chứ không thể tự mua sắm.
Hơn nữa, việc mua kit test thuộc tình huống khẩn cấp đó là dịch bệnh nên các CDC được quyền chỉ định thầu rút gọn chứ không phải tổ chức đấu thầu như quy định. Luật Đấu thầu tạo điều kiện thông thoáng cho mua sắm thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh nhưng không có quy định nào cho phép nhận tiền lót tay khi tổ chức đấu thầu.
Phạm Dự