Mức án đối với ông Hải được TAND TP Cần Thơ tuyên trưa 26/8, sau 3 năm ông từng được tuyên không phạm tội.
Cùng tội danh, các bị cáo Trần Huy Liệu, cựu phó giám đốc Agribank Cần Thơ; Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (42 tuổi, cựu giám đốc Công ty TNHH MTV nông thủy sản Tây Nam) bị phạt 5 năm tù.
3 bị cáo còn lại là và Bùi Tuấn Anh (cựu trưởng phòng tín dụng Agribank Cần Thơ), Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt (cựu giám đốc, nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến) bị phạt tù bằng thời hạn tạm giam (từ 1 năm 2 tháng 13 ngày đến 1 năm 2 tháng 28 ngày). Đồng thời, bị cáo Nhân có trách nhiệm chính trong việc thanh toán cho Agribank Cần Thơ tổng số nợ trên 1.270 tỷ đồng (tính đến ngày 19/7); trong đó nợ gốc 534 tỷ đồng, lãi 737 tỷ đồng.
Theo HĐXX, quá trình khởi tố, điều tra vụ án đảm bảo quy định pháp luật; đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội của các bị cáo. Quá trình phạm tội của bị cáo diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài, đã được ngăn chặn từ tháng 6/2016. Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nguy hiểm, gây thiệt hại lớn cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động tín dụng, thị trường tiền tệ...
Trong đó, ông Hải với vai trò giám đốc Agribank Cần Thơ biết rõ Công ty Tây Nam không thuộc trường hợp được vay vốn theo chính sách ưu đãi, nhưng vì mục đích cá nhân và mong muốn tăng trưởng tín dụng đã làm không đúng nguyên tắc, trái quy định. Bị cáo đã tạo điều kiện nâng khống giá trị tài sản thế chấp cho Nhân vay tiền, sử dụng tiền vay không đúng mục đích, thậm chí gởi lại Agribank lấy lãi.
"Khi bị phát hiện, Hải đã cố tình che giấu, hợp thức hóa việc làm trái quy định. Việc làm của Hải đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Nhân mất khả năng thanh toán. Bị cáo Liệu vì mục đích cá nhân đã thông đồng, cấu kết cho Công ty Tây Nam vay vốn ưu đãi, sử dụng không đúng mục đích. Bị cáo Tuấn Anh có vai trò giúp sức", bản án nêu.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân có quan hệ với Agribank Cần Thơ, dù biết rõ công ty của mình không thuộc đối tượng hưởng chính sách vay vốn ưu đãi lãi suất nhưng đã cố tình trục lợi cá nhân. Nhân đã chủ động cấu kết cùng Hải, Liệu tìm mọi cách để được vay theo chính sách ưu đãi lãi suất. Chỉ đạo nhân viên lập khống chứng từ hợp thức hóa, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; sử dụng vốn vay không đúng mục đích... dẫn đến mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Agribank.
Tòa xác định, khi bị phát hiện, Nhân chỉ đạo nhân viên tiêu hủy tài liệu, khai báo khống; bản thân không thừa nhận hành vi phạm tội, có thái độ xem thường pháp luật...
Các bị cáo nghe HĐXX tuyên án, ngày 26/8. Ảnh: An Bình
Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKSND TP Cần Thơ cho rằng các bị cáo đã vi phạm quy định cho vay về quy trình, thủ tục hồ sơ, giải ngân... Các bị cáo cấu kết với nhau thực hiện việc cho vay khi chưa có tài sản đảm bảo; nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; cấu kết sử dụng tiền sai mục đích trước khi tiền giải ngân... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là thiệt hại cho ngân hàng 291 tỷ đồng. Hành vi này là phạm tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt tù các bị cáo: Hải 8-9 năm, Nhân 10-11 năm, Liệu 7-8 năm; Tuấn Anh 5-6 năm tù. VKS cũng đề nghị phạt tù bị cáo Thi bằng với thời gian tạm giam là 1 năm 2 tháng 13 ngày, phạt tù bị cáo Đạt bằng với thời gian tạm giam là 1 năm 2 tháng 28 ngày.
VKS đề nghị tòa buộc các bị cáo có liên quan trả các khoản vay theo nợ gốc và lãi cho ngân hàng theo quy định. Về các tài sản đảm bảo, VKS đề nghị sau khi xử lý thu hồi nợ mà còn lại thì tịch thu sung công quỹ, vì tiền do sai phạm mà có.
Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thanh Hải vẫn bảo lưu quan điểm, rằng việc cho vay với dự án của Công ty Tây Nam là đúng, thẩm định giá phù hợp giải ngân. Bị cáo thừa nhận có thiếu sót trong quy trình; không kiểm soát được nguồn vốn sau giải ngân, góp phần dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích, chứ bản thân không sai phạm trong việc này.
Bị cáo Trần Huy Liệu, cựu phó giám đốc Agribank Cần Thơ, cho rằng không cấu kết nâng khống giá trị tài sản. Các khoản vay có mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, có tài sản thế chấp đều đảm bảo. Bị cáo thừa nhận có thiếu sót trong quy trình thủ tục nhưng không tư lợi cá nhân.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân phủ nhận cáo trạng, cho rằng bản thân không phạm tội. "Dự án của chúng tôi hoàn toàn đủ điều kiện cho vay. Điều này được chính quyền địa phương (tỉnh Hậu Giang) công nhận, Agribank Việt Nam thẩm định rõ ràng, sau đó giao cho Agribank Cần Thơ thực hiện, đến nay phía ngân hàng chưa xác định thiệt hại", bị cáo nói
Đại diện Agribank Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định đến nay chưa ghi nhận thiệt hại. Phía ngân hàng cũng cho hay, hiện dư nợ các khoản vay từ phía Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân hơn 1.271 tỷ đồng; trong đó nợ gốc 534 tỷ đồng, lãi 737 tỷ đồng; yêu cầu giải tỏa kê biên để thu hồi nợ.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Hải không đồng ý với luận tội và đề nghị của VKS về tội danh, trách nhiệm dân sự của cựu giám đốc Agribank Cần Thơ "vì vụ án không có thiệt hại". Còn luật sư bào chữa cho Liệu cũng cho rằng bị cáo có hành vi sai phạm nhưng thiệt hại chưa xảy ra. Do vậy, hành vi của bị cáo không cấu thành tội phạm như truy tố của VKS.
Luật sư của bị cáo Nhân cho rằng 6 bị cáo không phải là đối tượng gây ra khoản tiền lãi phát sinh cao. Việc phát sinh lãi như vậy là do các bị cáo bị bắt, điều tra, cơ quan điều tra ra quyết định kê biên, phong tỏa tài sản nên các bên không thể giải quyết hợp đồng tín dụng. Vì thế không thể quy kết cho các bị cáo... phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền lãi... Tuy nhiên, vấn đề này không được HĐXX chấp nhận.
Cáo trạng mới nhất của VKSND TP Cần Thơ truy tố ông Lê Thanh Hải (60 tuổi); về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, theo Điều 179 Bộ luật Hình sự. Các bị cáo Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt (cựu giám đốc, nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến) bị truy tố cùng tội danh.
Theo hồ sơ, từ năm 2006 đến 2013, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân lập 7 công ty đăng ký ngành nghề khác nhau nhưng chỉ định nhân viên đứng tên để vay vốn Agribank Cần Thơ. Nhân trực tiếp điều hành mọi hoạt động của 7 công ty.
Năm 2012, ông Lê Thanh Hải và cấp dưới đã xét duyệt cho công ty của Nhân vay 289 tỷ đồng theo gói tín dụng ưu đãi (Quyết định 63/2010 của Chính phủ, với lãi suất hai năm đầu 0%, năm thứ 3 trở đi là giảm 50% mỗi năm). Được sự đồng ý của các lãnh đạo ngân hàng, Nhân dùng tòa nhà siêu thị Citimart Cần Thơ để thế chấp nhưng nâng khống giá trị từ 104 tỷ đồng lên 333 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bị cáo Nhân đã cùng Hải, Liệu và Tuấn Anh thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam.
Số tiền vay được, Nhân không sử dụng đúng vào mục đích "mua máy móc thiết bị" như hợp đồng mà đem gửi tiết kiệm ngược lại vào ngân hàng này gần 150 tỷ đồng. Nhân sử dụng tiền vay mua đất trên đường Nguyễn Trãi, tiêu xài cá nhân, trả nợ gốc, lãi các khoản vay... mất khả năng chi trả.
Ông Hải, Liệu, Tuấn Anh, Thi, Đạt, Nhân bị cáo buộc đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank Việt Nam, với thiệt hại hơn 291 tỷ đồng.Vụ án kéo dài nhiều năm với nhiều lần trả hồ sơ. Đầu năm 2022, TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm, ông Hải, Liệu và Nhân phủ nhận hành vi cùng nhau bàn bạc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo.
HĐXX khi đó đã tuyên các bị cáo không phạm tội do không xác định được thiệt hại của vụ án, không có căn cứ định tội.
Không đồng ý, VKSND TP Cần Thơ kháng nghị, cho rằng thiệt hại trong vụ án được xác định kể từ thời điểm tội phạm hoàn thành và được ngăn chặn vào tháng 6/2016.
Ngày 11/8/2022, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm; giao hồ sơ cho VKSND TP Cần Thơ tiếp tục truy tố ông Hải cùng các đồng phạm.
- Cựu giám đốc Agribank Cần Thơ nhận 'thiếu sót chứ không sai phạm’
An Bình