Chuyên mục  


han-the-99d3-417e-9dd7-4f934a9a2eb4-read-only-1736178414579988381582.jpg

Khi test nhanh số chả tại cơ sở của ông Tý thì phát hiện có chứa hàn the - Ảnh: H.B.

Không riêng gì trường hợp trên, ở một số nơi đã có người phải hầu tòa vì hành vi tương tự.

Đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ từ cơ quan chức năng để răn đe, xử lý triệt để những hành vi xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Từng bị kiểm tra nhưng chưa phát hiện vi phạm

Ngày 27-12-2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Xu Tý - chủ cơ sở chuyên làm chả có chứa hàn the trên đường Nhơn Hòa 12 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) - đồng thời khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với vợ ông này. Cả hai bị điều tra hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất chả của ông Tý và phát hiện gần 1 tấn chả các loại (chả bò, chả heo, chả da heo, chả quết).

Khi test nhanh thì phát hiện số chả trên đều dương tính với hàn the (natri borat). Sau đó cơ quan công an tiến hành thu chín mẫu chả (chả heo, chả bò, chả da heo, chả quết) gửi cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng. Kết quả chín mẫu chả trên đều phát hiện hàn the.

Liên quan đến cơ sở trên, UBND quận Cẩm Lệ cho biết quận đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra định kỳ về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, tại thời điểm tháng 3-2024 kiểm tra cơ sở của ông Phạm Xu Tý chưa phát hiện vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở phát hiện vi phạm, UBND quận đã chỉ đạo Phòng tài chính - kế hoạch ban hành thông báo thu hồi giấy chứng nhận theo đúng quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp (hộ kinh doanh).

Trộn hàn the để làm gì?

Việc trộn hàn the vào giò, chả và phải chịu trách nhiệm hình sự như trên không phải là trường hợp cá biệt. Như mới đây TAND một huyện ở tỉnh Hà Nam đã xét xử bị cáo L.V.H. về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Vào ngày 9-4-2024, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến, kinh doanh giò chả của ông H..

Lực lượng chức năng phát hiện một bát nhựa đựng chất bột màu trắng không có tem nhãn mác. Ông H. khai chất này là hàn the được ông dùng để pha chế trong quá trình chế biến giò, chả.

Về hàng hóa tại thời điểm kiểm tra, số lượng thành phẩm gồm 97kg giò heo (đơn giá 100.000 đồng/kg), 5kg giò gà (đơn giá 65.000 đồng/kg), 4kg giò bò (đơn giá 180.000 đồng/kg), 3,4kg chả heo (đơn giá 70.000 đồng/kg). Tổng giá trị số hàng hóa là hơn 10,9 triệu đồng (đơn giá do chủ cơ sở cung cấp).

Đoàn kiểm tra tiến hành xét nghiệm nhanh 13 mẫu thành phẩm gồm 5 mẫu giò heo, 3 mẫu chả heo, 2 mẫu giò bò, 3 mẫu giò gà. Kết quả 13 mẫu đều dương tính với chất hàn the.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản theo quy định và xác định giá trị số hàng hóa vi phạm vượt quá thẩm quyền nên đã chuyển vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết theo thẩm quyền.

Cơ quan điều tra đã đề nghị Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh quốc gia kiểm nghiệm toàn bộ số giò, chả, chất bột màu trắng đã thu giữ của ông H. để xác định chất hàn the, khối lượng và hàm lượng hàn the có trong các mẫu giò chả.

Tại các phiếu kết quả kiểm nghiệm kết luận: 97 giò heo, 5 giò gà, 4 giò bò, 2 miếng chả heo đều có chất hàn the, hàm lượng hàn the từ 2.195mg/kg đến 4.935mg/kg; chất bột màu trắng có khối lượng 800g (tính cả vỏ hộp) là hàn the, hàm lượng 38,7g/100g.

Quá trình điều tra, ông H. khai nhận cơ sở kinh doanh của mình đăng ký ngành nghề kinh doanh là chế biến giò chả, đăng ký và hoạt động kinh doanh từ năm 2014. Hằng ngày ông H. đều đặt mua thịt heo, gà, bò để làm giò chả.

Sau khi thịt được mang đến, ông H. xay thịt, chuẩn bị các gia vị và hàn the, chia theo tỉ lệ nhất định và trộn cùng với thịt, sau đó đem đóng khuôn và mang đi luộc thành sản phẩm giò chả để bán cho khách.

Khi có đông khách đặt mua, ông H. nhờ người thân đến phụ giúp lọc thịt, xay thịt và luộc giò, còn việc chuẩn bị gia vị, hàn the, trộn thịt để làm giò chả do ông làm một mình.

Việc ông này sử dụng hàn the để chế biến các loại giò chả nhằm giúp giò chả giòn, thời gian bảo quản được lâu hơn.

Tại tòa, ông H. thành khẩn khai báo về hành vi của mình. Số hàn the ông H. đặt mua qua số điện thoại quảng cáo trên mạng và không biết người bán là ai.

Tòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng được pháp luật bảo vệ, gây mất an toàn trong sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Hành vi của bị cáo H. đã vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tư số 24/2019/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm.

Tòa tuyên bố bị cáo H. phạm tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và xử phạt bị cáo số tiền 60 triệu đồng...

Răn đe

Liên quan vụ án vi phạm quy định về an toàn thực phẩm ở Đà Nẵng, cơ quan tiến hành tố tụng tại TP này nhận định đây là vụ án nghiêm trọng xảy ra trong bối cảnh Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến, người dân đang mua sắm các loại thực phẩm để chuẩn bị đón Tết.

Khi cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng nêu trên thì các tầng lớp nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, vụ án được mọi người và dư luận xã hội quan tâm, theo dõi.

Việc xử lý vụ án nhằm mục đích răn đe đối với các đối tượng có hành vi tương tự, tạo điều kiện cho người dân yên tâm mua sắm trong dịp Tết.

Công an Đà Nẵng cho biết cơ quan chức năng cũng đã chỉ ra tác hại của hàn the đối với sức khỏe con người như hàn the có thể gây ngộ độc cấp tính cho người sử dụng với liều lượng thấp; với liều từ 5g trở lên sẽ gây ngộ độc cấp tính và có thể dẫn đến tử vong.

Hàn the cũng có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, suy nhược cơ thể... Khi ăn thực phẩm có chứa hàn the vào cơ thể thì hàn the khó bị đào thải sẽ gây ra các bệnh mãn tính.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020