Chuyên mục  


Ngày 8/1, TAND tỉnh Thái Bình tiếp tục xét hỏi các bị cáo, trong đó có Vương (49 tuổi, cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước) bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Vương khai quen ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do thường đi họp chung. Tháng 7/2019, Vương được ông Nguyễn Thanh Toàn liên hệ nhờ tác động, xin cho dự án Khu dân cư dịch vụ tại thành phố Hạ Long (Dự án 36 ha) của Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hạ Long - đã bị thu hồi do chậm tiến độ, được tiếp tục thực hiện. Vương thấy "rất bức xúc vì đất có mà không được thực hiện dự án", nên đồng ý giúp đỡ và bảo ông Toàn về nói với doanh nghiệp làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng.

Thời điểm đó Vương đang là chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, trong nhiệm vụ không có chức năng cấp phép dự án. "Nhưng với vai trò là một cử tri, một Đảng viên hiểu biết pháp luật, tôi đã trực tiếp đến gặp để trình bày câu chuyện với ông Nhưỡng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Không chỉ tôi, mà bất kỳ Đảng viên nào cũng đều có trách nhiệm và tinh thần hướng dẫn như vậy", Vương khai với HĐXX.

Bị cáo Nguyễn Văn Vương (trái) tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa

Trả lời chủ tọa về lý do "nhờ bị cáo Nhưỡng mà không phải Đại biểu Quốc hội khác", Vương cho rằng vì chơi thân với ông Nhưỡng, khi trình bày các tâm tư thì ông này đồng ý ngay.

Theo Vương, lúc gặp ông Nhưỡng, bị cáo tự nhận đây là dự án của mình bởi thực chất "không sớm thì muộn" thì cũng mua lại. Thấy Vương tâm huyết, ông Nhưỡng đã hai lần chuyển đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh và sau mỗi lần thực hiện đều báo lại cho Vương biết.

Tuy nhiên, dù nhận được các văn bản kiến nghị của ông Nhưỡng, tỉnh Quảng Ninh vẫn không đồng ý cho Công ty Hạ Long tiếp tục làm dự án. Để tạo sức ép đến các cấp có thẩm quyền, ông Nhưỡng đã giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân, theo cáo trạng.

Ông Vân sau đó gửi 4 văn bản đến các cấp có thẩm quyền, kiến nghị để Công ty Hạ Long được làm tiếp dự án.

Tặng 2 đại biểu Quốc hội 'đất lấn chiếm'

Nhận lời giúp đỡ doanh nghiệp xin lại dự án, Vương ra giá 7 tỷ đồng và yêu cầu đưa trước 4 tỷ đồng để "đi quan hệ tác động". Tại tòa, cựu chuyên viên cho rằng nhận 3,3 tỷ đồng là dạng vay mượn và đã viết giấy vay của ông Toàn "chứ không phải lấy của Hạ Long".

Tuy nhiên, lời khai này của Vương bị mâu thuẫn, khi cho rằng nếu lấy tiền để đưa thì ông Nhưỡng, Vân sẽ không nhận vì hai anh em chơi thân với nhau. Bởi thế, để hai ông có động lực giúp đỡ, Vương tặng ông Nhưỡng lô đất gần 491 m2, ông Vân lô 406 m2 tại xã Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội.

Về nguồn gốc đất, Vương cho biết hai lô này nằm trong khu đất có diện tích hơn 3.000 m2 do một người bạn tự cải tạo để sử dụng, không có sổ đỏ. Vương sau đó thỏa thuận sẽ đứng ra làm thủ tục cấp sổ để hưởng 3 lô, người bạn nhận 4 lô.

Theo bị cáo, ông Nhưỡng không đòi hỏi nhưng rất nhiệt tình chuyển đơn. Hơn nữa, nhà ông Nhưỡng lại trong ngõ nhỏ, ôtô không vào được nên Vương muốn tặng đất mặt hồ cho rộng rãi. Đây là "suất ngoại giao", hai đại biểu Quốc hội phải tự nộp tiền thuế, tiền sử dụng đất.

"Sau đó ông Nhưỡng và ông Vân đã đưa tên con để tôi điền vào hồ sơ trích lục đất. Lúc đó tôi đã không nói sự thật cho ông Nhưỡng và ông Vân biết đây là hai lô đất bất hợp pháp, do lấn chiếm mà có. Tôi thừa nhận lừa dối anh Nhưỡng và anh Vân khi hứa tặng mảnh đất lấn chiếm, không thể được cấp phép, trái pháp luật", Vương khai.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (hàng đầu) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Xuân Hoa

Trình bày sau đó, ông Nhưỡng nói đã bị Vương lừa dối về nguồn gốc lô đất. Mặt khác, ông không nhận theo "suất ngoại giao" mà Vương cho ông đứng tên để cùng tham gia làm thủ tục cấp sổ. Nếu được, ông sau đó phải tự nộp các loại tiền liên quan.

Căn cứ theo bảng giá đất thổ cư do UBND Hà Nội quy định, VKS cáo buộc lô đất 491 m2 ông Nhưỡng nhận và lô đất 406 m2 ông Vân nhận đều có trị giá 1,5 tỷ đồng.

Về nguồn gốc hai mảnh đất Vương đã "tặng" hai bị cáo, HĐXX cho rằng trước đó người này đã không khai với cơ quan điều tra, nên đây là tình tiết mới và sẽ cân nhắc, xem xét.

'Hứa hão' cho mỗi Đại biểu Quốc hội một lô đất 1.000 m2

Theo cáo buộc của VKS, ngoài yêu cầu chi 7 tỷ đồng, Vương còn đòi Công ty Hạ Long trích 10% đất Dự án 36 ha cho mình và được Giám đốc Nguyễn Công Hoan đồng ý. Vương sau đó hứa hẹn chia cho ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người 1.000 m2 trong số này.

Tuy nhiên, trả lời tại tòa, Vương nói: "Tôi không hề có ý đồ kiếm 10% của dự án và 7 tỷ đồng, bởi nó rất nhỏ. Mục tiêu của tôi là mua lại toàn bộ dự án đó nên mới hứa cho mỗi đại biểu 1.000 m2 đất để cảm ơn vì đã chuyển đơn".

Tham gia xét hỏi, đại diện VKS chất vấn: "Bị cáo nghĩ gì khi không phải đất của mình mà vẫn hứa cho bị cáo Nhưỡng và Vân?". Vương đáp: "Biết là vậy nhưng cứ hứa, được thì được, không được thì thôi".

Theo cơ quan tố tụng, với diện tích đất tại dự án, định giá 1,95 triệu đồng/m2, nếu "phi vụ" nhờ vả thành công, Vương sẽ hưởng diện tích đất trị giá 26 tỷ đồng, ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người 1.000 m2 trị giá 1,95 tỷ đồng.

Quá trình điều tra nhà chức trách không truy cứu trách nhiệm hình sự với vợ chồng Giám đốc Công ty Hạ Long vì cho rằng họ "không biết Vương nhờ vả can thiệp thế nào".

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Trong vụ án đang xét xử, ông Nhưỡng bị truy tố tội Cưỡng đoạt tài sản Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Vân và Vương cùng bị cáo buộc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Hai giang hồ Phạm Minh Cường và Vũ Đăng Phương bị cáo buộc tội Cưỡng đoạt tài sản.

Phạm Dự - Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020