Ông Bế Thành Lò đứng bên căn nhà của người con trai, bị hư hỏng nặng sau vụ pháo tự chế phát nổ - Ảnh: HÀ QUÂN
Những ngày cuối tháng 12 trời nắng hanh, ông Bế Thành Lò (70 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Đồng Mận, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, Bắc Giang) trùm chiếc mũ len cũ kỹ lên đầu, tay cầm cuộn dây lạt buộc lại tấm bạt bị bung, ngăn gió lạnh thổi thốc vào căn nhà của vợ chồng con trai.
Tan hoang sau tiếng pháo nổ
Ngôi nhà cấp bốn xiêu vẹo, hai bức tường gạch trơ trọi cùng mái fibro xi măng đổ sập sau "tai họa pháo nổ" được che chắn, "vá" tạm bằng những tấm bạt, cây tre.
Bên góc trái phòng khách, hai cháu nội lần lượt 7 và 3 tuổi của ông Lò ngồi co ro trên chiếc giường kê tạm, cạnh bên chiếc bàn gỗ đặt di ảnh người cha của hai cháu là anh B.V.C. (33 tuổi), khói hương bay nghi ngút.
Anh C. tử vong khi làm pháo nổ tự chế hơn 1 tháng trước.
Ông Lò kể vợ chồng sinh được 7 người con, C. là con út. Anh C. được cha mẹ xây dựng gia đình sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự về.
Vợ chồng anh quanh năm chăn nuôi, trồng trọt kiếm sống qua ngày, đêm về quây quần cùng hai con trong ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa vườn vải thiều bạt ngàn.
Bàn tay đan chặt khi nhớ lại buổi tối kinh hoàng 13-11-2024, ông kể khoảng 19h30, khi ông cùng vợ vừa ăn cơm tối xong, ngồi xem ti vi thì nghe tiếng nổ lớn rền vang. Hai vợ chồng ông hoảng hốt chạy ra ngoài xem thì thấy phía bên nhà con trai út đông người xúm lại, hô hoán "nổ rồi, nhà sập rồi".
Đêm đen, ông bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Một nửa ngôi nhà đổ sập, lửa bùng cháy dữ dội, thi thể người con trai không nguyên vẹn cùng xác pháo nổ vương vãi trên đống đổ nát. Ông cùng người thân chỉ biết gào khóc trong đau đớn, tuyệt vọng.
Toàn bộ tài sản trong nhà kho, phòng khách gồm bàn ghế, tivi, xe máy bị cháy rụi, hư hỏng hoàn toàn. Thời điểm xảy ra vụ nổ, cả 4 thành viên trong gia đình anh C. đều ở nhà, song vợ và 2 con may mắn thoát nạn.
Công an khám nghiệp hiện trường vụ nổ - Ảnh: Công an cung cấp
Ở gần nhà con trai, nhưng ông Lò nói rằng không hề hay biết chuyện anh C. mua nguyên liệu thuốc pháo, vỏ pháo, ngòi nổ về chế tạo pháo hoa nổ, pháo nổ tại nhà.
"Nếu biết thì tôi đã quyết liệt can ngăn để không xảy ra tai họa đau lòng như ngày hôm nay", ông Lò đưa tay gạt nước mắt, nói.
Cũng theo ông, hoàn cảnh gia đình anh C. vốn khó khăn, nay cơ cực hơn vì anh ra đi để lại hai con nhỏ, một mình vợ phải gánh gồng nuôi con.
Thương con dâu, ông cùng vợ hằng ngày vẫn thay nhau sang trông nhà và các cháu để người con dâu chạy vạy ngược xuôi làm thêm "kiếm đồng ra đồng vào".
"Làm pháo tự chế nguy hiểm lắm. Đôi khi tiếng pháo vui thành nỗi đau vĩnh biệt. Mong rằng những ai đã đang và có ý định làm pháo tự chế như con trai tôi thì hãy từ bỏ, để không lâm vào cảnh ngộ như gia đình tôi", ông Lò giãi bày và nói "ngôi nhà đổ nát rồi sẽ được chính quyền, người thân giúp xây lại, song nỗi đau pháo nổ gây ra sẽ ám ảnh ông đến hết cuộc đời".
Pháo nổ để lại nỗi đau kéo dài cho người thân
Ngôi nhà cấp bốn xiêu vẹo, cùng mái bị đổ sập sau vụ tai nạn do pháo nổ gây ra được “vá” tạm bằng những tấm bạt, cây tre - Ảnh: HÀ QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết hậu quả của những vụ tai nạn do pháo nổ rất thương tâm, không chỉ gây tổn hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của nạn nhân mà còn để lại nỗi đau kéo dài về tinh thần cho người thân.
Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Bắc Giang đánh giá thời gian qua, tại một số huyện trên địa bàn tỉnh hoạt động chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển pháo trái phép diễn biến phức tạp. Trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn do pháo, làm 2 người chết, 13 người bị thương.
Về nguyên nhân Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang xác định chủ yếu do người dân (đa phần là người trẻ tuổi) mua thuốc pháo, học cách chế tạo pháo trên mạng. Sau đó, họ tự cuốn thành quả pháo để sử dụng, khi chế tạo và đốt pháo dẫn đến tai nạn.
Nói về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý pháo nổ, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng do công tác tuyên truyền, chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh tội phạm vi phạm về pháo chưa thực sự quyết liệt.
"Đặc biệt nhận thức của một bộ phận nhân dân về quy định pháp luật liên quan đến pháo còn hạn chế. Từ đó, công tác vận động thu hồi pháo còn gặp khó khăn. Một số ít thanh thiếu niên đua đòi, học cách chế tạo, sử dụng pháo", đại diện Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Bắc Giang thông tin.
Cán bộ Công an huyện Lục Nam và Công an xã Vô Tranh (Bắc Giang) đến động viên, thăm hỏi gia đình nạn nhân tử vong trong vụ nổ pháo - Ảnh: HÀ QUÂN
Bên cạnh đó, các đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng tính năng ẩn danh trên không gian mạng và sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Facebook, Zalo... để quảng cáo rao bán, hướng dẫn cách chế tạo pháo trái phép.
Khi giao hàng các nghi phạm sử dụng dịch vụ chuyển phát giao hàng tiết kiệm với hình thức thu tiền hộ - COD (dịch vụ phổ biến, ít chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, thuận tiện trong giao dịch).
Các nghi phạm sử dụng nhiều tên, số điện thoại không chính chủ để gửi hàng và khi đóng gói sẽ kê khai thành các mặt hàng được phép vận chuyển tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.
Công an tỉnh Bắc Giang cho biết trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, rà soát người có biểu hiện phạm tội, vi phạm pháp luật về pháo để có biện pháp tuyên truyền, vận động, xử lý phù hợp.
Người vi phạm thường chọn chỗ kín đáo để chế tạo pháo
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thiếu tướng Phùng Đức Thắng, phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết những năm gần đây tình trạng làm pháo tự chế xuất hiện tương đối nhiều.
Việc chế tạo pháo tập trung chủ yếu vào lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, "đây là lứa tuổi hay tò mò, mua hóa chất, thuốc nổ trên mạng về tự chế".
Những năm qua, trước và sau dịp Tết, Bộ Công an cũng đã dự báo tình hình, nguy cơ về pháo nổ nên đã quyết liệt chỉ đạo công an các địa phương tuyên truyền, rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan pháo nổ.
"Các em nhỏ tò mò hay các đối tượng thấy giá trị pháo bán kiếm lời cao thường chọn những chỗ kín đáo trong nhà, buồng, nơi vắng người qua lại để chế tạo pháo nên lực lượng chức năng, người thân khó phát hiện, ngăn chặn", thiếu tướng Thắng nói.