Chuyên mục  


Thỏa thuận được ấn định hôm 22/4 được coi là sự kết thúc tốt đẹp cho cả người tiêu dùng và danh tiếng tập đoàn, sau gần 3 năm kiện tụng đầy tốn kém.

CPAP (Continuous Positive Airway Pressure) là thiết bị trợ thở dành cho người mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc trẻ em có hệ hô hấp chưa hoàn thiện.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2015, khách hàng bắt đầu phản ánh với Philips về việc các bọt trong thiết bị này, dùng để giảm âm thanh và độ rung có nguy cơ vỡ ra và đọng lại trong đường thở của bệnh nhân.

Cuộc điều tra của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược (FDA) kết luận, khi bọt vỡ, các hóa chất khi hít hoặc nuốt phải, "có thể phân hủy và/hoặc phát ra các hóa chất độc hại, có khả năng dẫn đến các tác động độc hại và gây ung thư cũng như các tác hại đáng kể khác cho người sử dụng thiết bị".

Máy thở Philips Respironics OmniLab Advanced+, một trong một số mẫu máy thở được công ty thu hồi vào năm 2021. Ảnh: NYT

Năm 2022, FDA gửi thư tới Philips yêu cầu tập đoàn có động thái giải quyết, nhấn mạnh rằng khách hàng đã khiếu nại từ năm 2015 nhưng doanh nghiệp không phản hồi.

Philips sau đó đã thừa nhận trong trường hợp xấu nhất, việc tiếp xúc với hóa chất này ở mức độ cao có thể gây ra các tác động độc hại và gây ung thư, cũng như kích ứng đường hô hấp, mắt, mũi và da, buồn nôn hoặc nôn, phản ứng quá mẫn, chóng mặt và đau đầu.

Mùa hè năm 2021, hơn 15 triệu máy CPAP của Philips bị thu hồi toàn cầu và chính thức cấm lưu hành tại Mỹ. Theo thông báo thu hồi của Philips, các thiết bị CPAP được bán từ năm 2008 đến năm 2021 tại Mỹ dưới nhãn hiệu Philips Respironics.

Vụ kiện tập thể của hơn 58.000 khách hàng được đệ trình cùng năm. Dù chấp nhận trả khoản dàn xếp khổng lồ, tập đoàn này "không thừa nhận bất kỳ lỗi hay trách nhiệm pháp lý nào hoặc bất kỳ thương tích nào gây ra do thiết bị này gây ra", công ty cho biết khi công bố thỏa thuận hòa giải kiện tụng, hôm 22/4.

Công ty cho biết một phần của việc giải quyết sẽ được bảo hiểm chi trả. Họ cũng có kế hoạch tiếp tục sản xuất CPAP, sau khi thống nhất lại các tiêu chuẩn về thiết bị y tế của FDA đề ra.

Luật sư của các nguyên đơn cho hay hài lòng vì đạt thỏa thuận, quan trọng hơn là sức khỏe người tiêu dùng được bảo vệ.

Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn khiến người bệnh không nhận đủ oxy khi ngủ, đặc trưng bởi những cơn ngừng thở kéo dài và ngáy to. Tình trạng này khiến các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra và chặn đường thở trong khi ngủ. Nếu không được điều trị, nó có thể làm tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Theo Hội đồng Quốc gia về Người cao tuổi, ước tính 33 triệu người Mỹ dựa vào CPAP để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, trong đó có cả Tổng thống Biden, theo thông tin từ Nhà Trắng, tháng 6/2023.

Philips là tập đoàn đa quốc gia của Hà Lan với lịch sử 133 năm, trước đây là một trong những công ty điện tử lớn nhất thế giới, nhưng hiện đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ y tế. Tập đoàn có khoảng 80.000 nhân viên tại 100 quốc gia, doanh thu hằng năm hơn 19 tỷ USD.

Hải Thư (Theo NYT, WP, NPR)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020