TAND quận 8 (TP HCM) mới thông báo trả lại đơn kiện vụ tranh chấp lối đi chung giữa bà Mai Thị Kim Loan (ngụ phường 2, quận 8) với ông Lê Thành Long. Mâu thuẫn nảy sinh từ năm 2019 vì một lối đi chung rộng 0,6 m.
Không tìm ra nơi phân giải?
Nhà bà Loan và nhà ông Long ở cạnh nhau. Trong đơn kiện, bà Loan trình bày giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 căn nhà đều thể hiện lối đi chung duy nhất rộng 0,6 m. Muốn vào nhà, gia đình bà Loan buộc phải sử dụng lối đi chung này, có đoạn ngang qua nhà ông Long. Nhiều năm qua, ông Long cho rằng gia đình bà Loan dắt xe máy va chạm làm hư hỏng góc tường. Do đó, ông Long xây cổng, đặt nhiều vật dụng trên lối đi chung khiến gia đình bà Loan rất khó khăn khi đi lại.
Tại địa phương, tháng 7-2019, UBND phường 2 từng tiến hành hòa giải nhưng không thành. Đến giữa tháng 5-2021, địa phương tiếp tục mời hai bên lên. Biên bản hòa giải xác nhận ông Long vắng mặt.
Quá trình giải quyết vụ việc, Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM Chi nhánh quận 8 cũng có công văn phúc đáp UBND phường. Qua kiểm tra cơ sở dữ liệu và đối chiếu hồ sơ lưu, cơ quan này khẳng định việc tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 8.
Tháng 11-2021, UBND phường 2 kết luận địa phương đã hòa giải không thành. Không tiếp tục nhận đơn phản ánh của bà Loan, UBND phường hướng dẫn bà Loan lập thủ tục khởi kiện tại TAND quận 8.
Đệ đơn kiện, bà Loan đề nghị tòa án buộc ông Long tháo dỡ cổng cũng như những vật dụng khác gây cản trở lối đi chung. Sau khi xem xét, thẩm phán phụ trách giải quyết sự việc hướng dẫn người khởi kiện sửa đổi, bổ sung nhiều tài liệu, chứng cứ. Đến lúc bà Loan nộp thêm một số tài liệu, TAND quận 8 vẫn trả lại đơn.
Hình ảnh thực tế lối đi chung của nhà bà Loan cùng ông Long. (Ảnh chụp từ hồ sơ)
Bên nào cũng có lý
Về lý do trả đơn, thẩm phán phụ trách giải quyết vụ việc nhận thấy đơn kiện thuộc trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn kiện theo yêu cầu thẩm phán. Bởi thẩm phán từng hướng dẫn người khởi kiện sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó bà Loan cần cung cấp chứng cứ chứng minh yêu cầu giải quyết tranh chấp về đất đai theo nội dung đơn kiện đã thực hiện theo thủ tục hòa giải cơ sở.
Cùng đó, thẩm phán yêu cầu bổ sung bản vẽ hiện trạng vị trí, các hạng mục buộc ông Long tháo dỡ nhằm trả lại không gian lối đi hợp pháp theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Những yêu cầu trên, bà Loan chưa đáp ứng đúng.
Về phía mình, bà Loan khẳng định đã thực hiện như chỉ dẫn từ tòa án. Ở vấn đề hòa giải cơ sở, bà nộp tòa án bản sao (không có chứng thực) các văn bản thể hiện quá trình hòa giải, xử lý sự việc tại địa phương. "UBND phường không cung cấp bản chính mà chỉ tạo điều kiện giúp tôi photocopy nên tôi không thể có bản chính hoặc bản sao chứng thực nộp tòa án" - bà Loan trần tình.
Với lý do không có bản vẽ hiện trạng vị trí cũng như mọi hạng mục, bà Loan giải thích do hai bên đang tranh chấp nên ông Long không cho gia đình bà đo vẽ. Tuy nhiên, bà có nộp bản vẽ sơ đồ nhà đất in từ cổng thông tin điện tử về quy hoạch trên địa bàn quận 8 cũng như nhiều hình ảnh những vị trí bà Loan mong muốn tòa án buộc hàng xóm tháo dỡ nhằm trả lại hiện trạng lối đi chung.
Cần linh động để phù hợp thực tế
Nêu quan điểm, thạc sĩ - luật gia Đặng Văn Thanh phân tích trong hạn 30 ngày (kể từ ngày nhận thông báo từ tòa án), người khởi kiện phải có văn bản sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Nếu không, tòa án có quyền trả lại đơn kiện. Trường hợp không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì người khởi kiện cho biết rõ lý do.
"Ở vụ việc trên, người dân có giải thích một số tài liệu, chứng cứ bổ sung không thể theo yêu cầu. Tôi nghĩ rằng cơ quan pháp luật cần linh động cân nhắc chấp nhận dựa trên tình trạng tranh chấp thực tế để giải quyết tranh chấp" - luật gia Đặng Văn Thanh nói.