Chuyên mục  


Chiều 17/1, các luật sư và bị cáo tiếp tục phần bào chữa sau khi VKS công bố luận tội và mức án đề nghị. Cựu Bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vắng mặt từ sáng.

Ông Dũng và bà Trần Bích Ngọc, cựu Vụ trưởng Vụ I Văn phòng Chính phủ, cùng bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sáng nay, VKS đề nghị TAND Hà Nội tuyên ông Dũng 24-30 tháng tù cho hưởng án treo, bà Ngọc bằng thời hạn tạm giam (từ 10/8/2023 đến 31/10/2024). Cả hai hiện được tại ngoại, tạm hoãn xuất cảnh.

>>Mức án VKS đề nghị cho các bị cáo

Ông Mai Tiến Dũng đội mũ, đeo khẩu trang được người thân dìu, che chắn rời tòa. Ảnh: Phạm Dự

Ông Dũng bị cáo buộc nhận 200 triệu đồng của đại gia Nguyễn Cao Trí, giúp chuyển đơn kiến nghị của công ty ông này đến Thanh tra Chính phủ; xin xem xét lại Kết luận thanh tra dự án Sài Gòn Đại Ninh, khi đó bị kiến nghị thu hồi do chậm tiến độ.

Bào chữa cho ông Mai Tiến Dũng chiều nay, luật sư Trần Nam Long nói việc ông Dũng bút phê chuyển đơn, xuất phát đầu tiên từ sự quý mến trân trọng những đóng góp lớn của ông Trí trong quá trình hỗ trợ chống Covid-19, đồng thời mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn chung, với tinh thần "Xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân". Việc bút phê ngay lên đơn của ông Trí, xuất phát từ thiện cảm, trân trọng, trên tinh thần quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp.

Về số tiền 200 triệu đồng ông Dũng nhận của Trí, luật sư Long cho rằng hôm đó đôi bên nói rất nhiều chuyện, và việc chuyển đơn kiến nghị chỉ là một trong số đó.

"Trí để lại một phong bì dán kín nói chung chung "có chút quà gửi anh' rồi ra về ngay... Ông Dũng đã "từ chối ngay" nhưng Trí vẫn để trên bàn "lẫn nhiều hồ sơ tài liệu và nhanh chóng rời văn phòng", luật sư nói và cho hay thân chủ khi đó bận họp gấp, không mở phong bì, "không biết bên trong có 200 triệu đồng". Trình bày những điều này song luật sư cho rằng không nhằm phủ nhận hay biện minh cho sai lầm của thân chủ.

Theo luật sư, khi bút phê đơn, ông Dũng không biết rằng sẽ bị lợi dụng để phạm luật, bởi đây là hoạt động hành chính bình thường. "Thân chủ tôi hoàn toàn không biết mục đích thật sự của việc này là để giúp dự án không bị thu hồi, giúp một số người hưởng lợi", luật sư phân trần.

Do đó, luật sư cho rằng "ông Dũng chỉ là chi tiết nhỏ", còn việc không thu hồi dự án trải qua nhiều cấp, nhiều khâu, liên quan nhiều ban ngành đơn vị. Việc chuyển đơn của ông Dũng thực ra không nhiều ý nghĩa vì Thanh tra Chính phủ có thể tự nhận đơn và xử lý mà không cần Văn phòng Chính phủ chuyển đơn.

Đại deienj VKSND Hà Nội thực hiện quyền công tố tại tòa. Ảnh: Danh Lam

Luật sư Long khẳng định, vai trò của thân chủ "hết sức mờ nhạt, hạn chế không có ý nghĩa đáng kể; chỉ tạo cớ cho các bị cáo khác phạm tội". Do đó, theo luật sư, việc quy kết hành vi của ông Dũng tới toàn bộ hậu quả vụ án, "không có tính thuyết phục cao".

"Theo tôi chỉ có thể coi hành vi của thân chủ tôi gây thiệt hại về mặt uy tín lòng dân với Đảng, Nhà nước, không gây thiệt hại tài sản", luật sư kết luận và đồng thời xin tòa tuyên thân chủ mức án nhẹ hơn đề nghị của VKS.

Trái với quan điểm của luật sư Long rằng ông Dũng phạm tội mờ nhạt, hạn chế, VKS quy kết trong cáo trạng rằng việc ông Trí đề xuất, sau đó được đồng ý chuyển đơn... "là tiền đề cho hàng loạt sai phạm" để dự án sau đó được gia hạn, giãn tiến độ trái pháp luật.

Ông Dũng hôm qua khẳng định thừa nhận hành vi là sai, xin nhận trách nhiệm song "không mặc cả hay thỏa thuận gì" và 200 triệu đồng do ông Trí "tự cho".

Mang tiền hối lộ đi làm từ thiện

Đại gia Nguyễn Cao Trí bị VKS đề nghị 3-4 năm tù về tội Đưa hối lộ cho các bị cáo nguyên là cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp tục được tòa bố trí ghế mềm, cho ngồi để tự bào chữa do chấn thương, ông Trí nhắc lại tâm huyết với dự án tại quê hương, nghiêm túc vượt khó khăn, sinh tử để mong được hoàn thành dự án. Trong khi nôn nóng tháo gỡ khó khăn, ông có vi phạm, xin nhận trách nhiệm và phải "trả giá" nhưng đến nay vẫn luôn thiết tha được làm tiếp.

Ngoài các nguyện vọng về tài sản kê biên và phần trách nhiệm dân sự, ông Trí nói muốn "kiến nghị" về các quy định hệ thống luật pháp, đặc biệt là bất động sản. Theo ông Trí, đây là lĩnh vực vô cùng phức tạp, "thậm chí không biết cái nào đúng cái nào sai, rất nhiều quy định chồng chéo. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dự án bị kéo dài 5-10 năm hay 20 năm".

Nhắc lại nhiều lần từ "đau đớn", ông Trí nói ân hận và xin giảm án cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu chủ tịch tỉnh Trần Văn Hiệp, những người hết sức trăn trở cho địa phương.

"Tôi vẫn nhớ câu anh Hiệp nói khi gặp: 'Thôi em cầm chỗ này (tiền) về em cho chỗ bảo trợ bệnh viện giùm anh. Nhưng tôi cũng quá bận, nên bảo anh cầm dùm em", ông Trí nhớ lại.

Ông Hiệp là người bị truy tố nhận hối lộ nhiều nhất vụ án với 4,2 tỷ đồng, chỉ sau cựu phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, 10 tỷ đồng (đã chết). Sáng nay, ông Hiệp bị VKS đề nghị mức án cao nhất vụ án, 7-8 năm tù.

Ông Trần Văn Hiệp, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhận án đề nghị cáo nhất trong 8 người. Ảnh: Danh Lam

Ông Hiệp trước đó khai phạm tội trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, không thể dừng lại được, không muốn đổ lỗi cho người đã chết bởi như vậy là vô đạo đức, trái lương tâm" nhưng trước hết phải nhắc đến Thanh tra Chính phủ. Cụ thể là ông Minh, đã hối thúc rất nhiều khiến ông rơi vào guồng xoáy.

"Ngoài anh Minh còn có người gợi ý, gửi gắm Nguyễn Cao Trí. Với cương vị, trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, nếu không chấp hành thì rất khó cho tôi", ông Hiệp phân trần.

Về 4,2 tỷ đồng nhận hối lộ, ông Hiệp khẳng định đều dùng vào mục đích từ thiện. Nguyện vọng của ông, là được hiến xác nếu chết khi thi hành án tù. Luật sư của ông xin giảm nhẹ cho thân chủ vì án tù 7-8 năm là quá lâu, gây "tốn ngân sách Nhà nước".

Luật sư của ông Trí không tranh luận tội danh, xin HĐXX xét hoàn cảnh, động cơ mua lại dự án, chỉ do thân chủ thấy dự án lớn, có ý nghĩa với quê hương.

Dự án chậm đầu tư, theo luật sư ngoài nguyên nhân khách quan là các quy định pháp luật phức tạp, chồng chéo, còn do chủ đầu tư cũ năng lực chưa tốt, nợ tiền nghĩa vụ sử dụng đất, có hơn 200 tỷ đồng cũng không trả được. Ông Trí thấy vậy, tự tin mình có khả năng thay thế họ làm tiếp dự án và đầu tư.

Trước khi có kết luận thanh tra sửa đổi, cho giãn tiến độ, công ty ông Trí đã nộp hết các khoản phí còn nợ của chủ đầu tư cũ, sẵn sàng ký hợp đồng mua lại dự án với giá 7.000 tỷ mà chưa biết nguồn thu của mình có được không.

Thứ hai, luật sư cho rằng sai phạm của Trí liên quan tình cảnh chung của thị trường bất động sản, khi nguồn cung khan hiếm, dự án ít, nhiều hàng rào khó tháo gỡ làm chậm tiến độ, không thể gia hạn.

Phiên tòa đang tiếp tục làm việc.

Phạm Dự - Thanh Lam

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020