Phiên tòa vụ án đăng kiểm đã đến tuần xét xử - Ảnh: HỮU HẠNH
Ngày 9-8, phiên tòa xét xử vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác tiếp tục phần tranh luận đối với nhóm bị cáo ở trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam).
Phần lớn các luật sư thống nhất với viện kiểm sát về tội danh truy tố, nhưng cho rằng mức hình phạt mà viện kiểm sát đề nghị là quá nghiêm khắc.
"Lãnh đạo trung tâm đăng kiểm rất áp lực về chỉ tiêu"
Bào chữa cho bị cáo Trần Anh Tú (phó giám đốc phụ trách Trung tâm 50-05V), luật sư Trần Thị Ngân Hà cho rằng bối cảnh trong giai đoạn khởi tố vụ án, hầu hết các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là khối V đang phải chịu sự cạnh tranh và chi phí để vận hành các trung tâm đăng kiểm rất lớn.
Thực tế ngành đăng kiểm trong giai đoạn trên còn nhiều bất ổn, còn tồn tại nhiều vấn đề vi phạm mang tính hệ thống.
Sau khi nhận thức được hành vi phạm tội, bị cáo đã có đơn xin tự thú và tự nguyện nộp đơn xin nộp tiền thu lợi bất chính.
Đồng thời trong suốt quá trình điều tra, bị cáo đã rất tích cực hợp tác cung cấp thông tin tài liệu, lời khai để cán bộ điều tra làm sáng tỏ vụ án.
"Thưa hội đồng xét xử, hiện tại đăng kiểm là một nghề dịch vụ công, chứ không phải hành chính công. Do vậy các đơn vị nhà nước quản lý cũng chịu sự cạnh tranh chung.
Không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị cho là không hoàn thành nhiệm vụ, nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào.
Để làm được điều đó, các lãnh đạo trung tâm luôn yêu cầu đăng kiểm phục vụ tốt khách hàng, chứ không bao giờ gây khó khăn để khách hàng bỏ đi. Chu kỳ kiểm định chỉ 6 tháng, nếu gây khó khăn, khách bỏ đi và sẽ không quay lại đăng kiểm cho kỳ đăng kiểm tiếp theo", luật sư trình bày lời bào chữa.
Bị cáo xin xem xét lại số tiền chịu trách nhiệm hình sự
Còn luật sư Hoàng Thị Kiều (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Toàn - trưởng chuyền 2 chi nhánh Hồng Hà) cho rằng theo lời khai tại tòa, tại cơ quan điều tra, bị cáo cũng khai rõ là xe có những lỗi nhỏ hư hỏng như đèn lệch, đèn đạt tiêu chuẩn,… bị cáo chỉnh, sửa chữa lại cho xe đủ điều kiện thì xe mới kiểm định đạt, sau đó chủ xe mới gửi tiền cảm ơn. Không như quy kết là bỏ qua lỗi để kiểm định đạt.
Luật sư cho rằng việc nhận tội của một số bị cáo có thể là sự nhầm lẫn. Bản thân bị cáo cũng không ý thức được giữa việc mình có nhận tiền để giúp sửa xe, sửa những lỗi nhỏ, rồi được nhận tiền bồi dưỡng, cảm ơn.
"Việc nhận 100.000 - 200.000 đồng/xe rất khó để xác định là tiền bồi dưỡng, tiền bo hay là tiền hối lộ. Ở đây là do cộng dồn theo cả quá trình làm việc đăng kiểm của đăng kiểm viên, của cả một chuyền, trung tâm đăng kiểm, nên mới có con số như quy kết như vậy", luật sư nói
Tự bào chữa, nhiều bị cáo tại phiên tòa hôm nay cũng đề nghị đánh giá lại vai trò của mình, xem xét lại số tiền hưởng lợi, số tiền mà các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự, cũng như đề nghị hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng.