Chuyên mục  


Ngày 23/7, sau khi biết tin những kẻ sát hại con trai mình bị kết án tử hình, bố mẹ của Zulfarhan Osman Zulkarnain quỳ trước cửa tòa án, vừa khóc vừa không ngừng dập đầu. Trên người họ mặc chiếc áo phông in dòng chữ tiếng Anh "Công lý cho Zulfarhan" và "Nói không với bắt nạt".

Bố mẹ Zulfarhan xúc động khi biết những kẻ giết con mình bị kết án tử hình. Ảnh: Bernama

Tháng 5/2017, Zulfarhan, học viên hải quân 21 tuổi của Đại học Quốc phòng Malaysia (UPNM), bị các bạn học tra tấn dẫn đến tử vong. Năm 2021, Tòa án cấp cao Kuala Lumpur kết tội ngộ sát với sáu thủ phạm chính, tuyên phạt 18 năm tù. Tuy nhiên bố mẹ Zulfarhan kháng cáo, yêu cầu án tử hình.

Kể từ khi khởi tố, vụ án bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như dịch bệnh Covid-19, phải đến ngày 23/7/2024, Tòa phúc thẩm Putrajaya mới đưa ra phán quyết. Tòa phúc thẩm đã lật lại bản án ngộ sát trước đó và kết án sáu bị cáo về tội giết người, tuyên tử hình.

Suốt bảy năm kể từ khi vụ việc xảy ra, bố mẹ của sáu thủ phạm chưa bao giờ xin lỗi bố mẹ Zulfarhan, dù thường xuyên gặp tại tòa án.

Cuộc bạo lực được che đậy trong ký túc xá

Ngày 21/5/2017, Zulfarhan tuyệt vọng kêu cứu trong phòng 410, ký túc xá Đại học Quốc phòng Malaysia. Nam sinh bị cáo buộc ăn trộm máy tính xách tay của một bạn học, sau đó bị tra tấn vì một mực phủ nhận.

Để buộc Zulfarhan thừa nhận hành vi trộm cắp, nhóm này không ngừng gia tăng mức độ ngược đãi. Khoảng 20-30 học sinh tham gia vụ bạo lực kéo dài suốt hai ngày.

Theo hồ sơ tòa án, bố của một kẻ bắt nạt tự nhận là phù thủy, sử dụng đồ vật để làm phép, sau đó nói nhận được "chỉ dẫn từ thần linh" rằng kẻ trộm laptop là Zulfarhan, nhiều sinh viên tin vào điều hoang đường này.

Muhammad Aiman Aufa, bạn của Zulfarhan, khai trước tòa rằng vào ngày 22/5/2017, anh ta nhìn thấy Zulfarhan nằm trên giường trong ký túc xá, toàn thân đầy vết phồng rộp và đốm đen. Vì bôi thuốc khi tỉnh táo quá đau đớn, Zulfarhan xin người khác đợi đến khi mình ngủ say rồi hẵng bôi thuốc.

Sau khi biết Zulfarhan bị tra tấn, Aufa lén đặt hai bức thư nặc danh trong khu vực văn phòng của các quản lý cấp cao ở trường đại học, cố gắng cho họ biết chuyện gì đã xảy ra với Zulfarhan. Bức thư có nội dung: "Nếu còn nhân tính, hãy đột kích phòng 410, nơi đó có người cần được cấp cứu".

Đáng tiếc, hai bức thư nặc danh này không những không được quản lý nhà trường coi trọng mà còn bị phơi bày trong các hội nhóm của trường. Sau khi biết được sự việc, nhóm bắt nạt nhanh chóng chuyển Zulfarhan ra khỏi phòng 410. Aufa không dám tiếp tục hành động vì lo sợ bị bắt nạt như Zulfarhan.

Trước tòa, Aufa cảm thấy tự trách vì không thể cứu bạn: "Nếu biết cậu ấy sẽ chết, tôi nhất định sẽ đưa cậu ấy đến bệnh viện".

Bác sĩ Azfar Hussin tiết lộ rằng Zulfarhan đã đến phòng khám hai lần cùng với Azamuddin và những người khác trước khi chết. Không biết nội tình nên ông từng hiểu nhầm kẻ bắt nạt là bạn của nạn nhân.

Lần đầu tiên nhìn thấy Zulfarhan, Hussin bị sốc vì tình trạng vết thương, khuyên đến bệnh viện lớn để điều trị. Khi đó, bác sĩ đã viết giấy chuyển viện cho Zulfarhan nhưng bị kẻ bắt nạt từ chối. Những người này nói dối rằng Zulfarhan bị thương do một vụ nổ trong quá trình huấn luyện ở doanh trại.

Bốn ngày sau, vào 31/5/2017, nhóm Azamuddin lại đưa Zulfarhan đến phòng khám của Hussin. Lúc này, vết thương của Zulfarhan đã trở nên nghiêm trọng hơn, trông yếu ớt, mệt mỏi và mất nước. Bác sĩ một lần nữa yêu cầu chuyển Zulfarhan đến bệnh viện lớn, nhưng kẻ bắt nạt và cả chính Zulfarhan đều không nghe theo lời khuyên.

Nỗi lo lắng của Hussin nhanh chóng trở thành sự thật. Một ngày sau khi rời phòng khám, Zulfarhan gục ngã trong ký túc xá. Lúc này, nhóm Azamuddin cuối cùng cũng chịu đưa nạn nhân đến bệnh viện, nhưng đã quá muộn.

Những kẻ tự xưng là bạn

Sau khi khám nghiệm tử thi, bác sĩ pháp y Salmah Arshad phát hiện Zulfarhan có 90 vết thương trên cơ thể, trong đó có 29 vết bỏng độ 3, diện tích bỏng tới 80% cơ thể, bộ phận sinh dục cũng bị bỏng nặng, ngoài ra còn có vết bầm tím và gãy xương nghiêm trọng. Những vết thương này chủ yếu do bàn ủi, móc treo quần áo, thắt lưng gây ra.

Arshad tiết lộ rằng với vết thương nghiêm trọng như vậy, Zulfarhan có thể không thoát khỏi cái chết ngay cả khi được đưa đến bệnh viện sớm.

Cảnh sát nhận định cái chết của Zulfarhan là một vụ giết người và nhanh chóng bắt giữ 36 sinh viên có liên quan. Do tính chất tàn bạo của vụ án, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khi đó tuyên bố: "Tất cả hung thủ sẽ không được dung thứ".

Cảnh sát thu giữ chiếc bàn ủi hơi nước được sử dụng để tra tấn Zulfarhan. Ảnh: Bernama

Trong số sáu bị cáo bị phán tử hình, năm người thừa nhận đã dùng bàn ủi với Zulfarhan, trong khi một người khác bị buộc tội xúi giục và chỉ thị năm người khác thực hiện hành vi ngược đãi. Trong số họ, một số tự nhận là bạn của Zulfarhan.

Thủ phạm chính, Muhammad Afif Najmudin, thừa nhận hai lần đặt bàn ủi nóng vào đùi nạn nhân. Anh ta khai rằng vốn có mối quan hệ tốt với Zulfarhan, không có ý định khiến bạn tử vong.

Một thủ phạm khác là Muhammad Azamuddin cũng cho biết có mối quan hệ thân thiết với Zulfarhan. Khi được hỏi "nếu là bạn bè, tại sao lại tham gia tra tấn nạn nhân", Azamuddin tự bào chữa rằng ban đầu chỉ muốn cảnh cáo Zulfarhan, "không ngờ hành vi của tôi sẽ gây tổn thương cho cậu ấy, bởi lúc đó trên cơ thể Zulfarhan không có vết thương nào cả".

Tại tòa, Azamuddin công khai xin lỗi bố mẹ Zulfarhan. Anh ta tuyên bố đã ở bên Zulfarhan trong ngày cuối đời, từng giúp nạn nhân bôi thuốc. Theo Azamuddin, Zulfarhan bày tỏ nhớ bố mẹ nhưng không dám liên lạc vì sợ họ lo lắng.

Bác sĩ Hussin, cũng là nhân chứng, đã hai lần đề nghị đưa Zulfarhan đến bệnh viện điều trị, nhưng hành vi của ông chỉ giới hạn trong phạm vi chức trách và không thực hiện được các biện pháp can thiệp sâu hơn.

Bố mẹ Zulfarhan cũng cảm thấy tội lỗi vì cái chết bi thảm của con trai. Người bố cho biết Zulfarhan đã nói với gia đình về việc bị các bạn đánh hội đồng ở trường, nhưng ông không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Người mẹ kể lại rằng khi nói chuyện điện thoại với con trai, bà cảm giác con có gì đó kỳ lạ nhưng không hỏi han nhiều.

Bản án phúc thẩm gây tranh cãi

Sau phán quyết của Tòa phúc thẩm Putrajaya, Ủy ban Nhân quyền Malaysia (SUHAKAM) và Tổ chức chống hình phạt tử hình và tra tấn Malaysia (MADPET) lập tức lên tiếng phản đối.

Charles Hector, phát ngôn viên của MADPET, kêu gọi giảm án tử hình thành tù dài hạn. Ông nêu lý do: "Kể từ năm 2018, chính phủ Malaysia đã hứa đình chỉ thi hành án tử hình cho đến khi chính thức bãi bỏ". Ủy ban Nhân quyền Malaysia cho biết cần đề cao cải tạo mới có thể biến những người phạm tội trở nên có trách nhiệm và có ích với xã hội.

Trái lại, Quỹ phòng chống tội phạm Malaysia (MCPF) cho rằng bản án tử hình là thích đáng và công bằng. Phó chủ tịch Ayub Yaakob cho biết tra tấn người khác đến chết là hành vi đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức của nhân loại, đặc biệt khi được thực hiện bởi những người có học thức.

Trước những tranh cãi, Thẩm phán Tòa phúc thẩm Hadhariah Syed Ismail bày tỏ án tử hình là hợp lý khi xét đến tính tàn ác của sáu bị cáo.

Tuy nhiên, phán quyết này không phải là cuối cùng. Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, luật sư của sáu bị cáo đã tuyên bố sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Liên bang Malaysia.

Các bị cáo trong vụ tra tấn Zulfarhan bị áp giải đến tòa. Ảnh: Ảnh: Bernama

Vấn nạn bạo lực học đường

Vụ án Zulfarhan chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong nạn bắt nạt, bạo lực học đường. Ngày 9/6/2017, nam sinh tên Naveen bị nhiều bạn học đánh đập, dùng dụng cụ châm lửa đốt lưng, làm tổn thương vùng kín. Hành vi tra tấn này khiến Naveen bị chết não, tử vong sau sáu ngày nằm viện.

Những sự việc tồi tệ tương tự liên tục xảy ra. Hồi tháng 3, tại một trường cấp hai ở Sarawak, một nam sinh 13 tuổi bị đàn anh bắt lột trần trong ký túc xá rồi dùng thanh sắt đánh. Tháng 6, một nữ sinh 13 tuổi ở Kerian bị hai đàn chị 15 tuổi thay nhau tát trong nhà vệ sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Malaysia, tổng cộng 4.994 vụ bắt nạt học đường được ghi nhận ở nước này vào năm 2023, so với 3.887 vụ vào năm 2022, cho thấy xu hướng gia tăng đáng kể.

Theo Tổ chức Phòng chống Tội phạm Malaysia, có nhiều hình thức bắt nạt khác nhau trong các trường học, trong đó có nhiều vụ bạo lực thể chất dẫn đến thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong.

Theo Zou Shengjian, bác sĩ tâm thần tại Bệnh viện Đa khoa Teluk Intan ở Perak, hành vi bắt nạt đa phần bắt nguồn từ yếu tố tâm lý và thường liên quan chặt chẽ đến hoàn cảnh gia đình của kẻ bắt nạt. "Kẻ bắt nạt không còn cha mẹ hay bị cha mẹ bỏ bê sẽ lớn lên trong môi trường thiếu sự kiểm soát hoặc giáo dục đúng đắn", ông Zou cho biết.

Để đối phó với tình trạng bắt nạt học đường ngày càng gia tăng, Bộ Giáo dục Malaysia có kế hoạch tăng số lượng giáo viên hướng dẫn và tư vấn trong trường học. Tháng 9/2023, Bộ Giáo dục Malaysia ban hành "Hướng dẫn quản lý bắt nạt và quấy rối tình dục trong trường học", nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để giải quyết toàn diện vấn đề, bắt nạt phải được coi là một hành vi phạm tội và ban hành luật để trừng trị.

Tuệ Anh (Theo ifengweekly)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020