Phòng xét xử số 3 của TAND Hà Nội ngày 18/5 có hai người đàn ông khóc vì nạn nhân. Một người hối hận vì giết vợ trong cơn nóng giận, người còn lại đau đớn vì không thể khuyên ngăn con gái rời cuộc hôn nhân nhiều đau khổ.
Bản án xác định, Vũ Thanh Hùng, 38 tuổi và chị Nguyễn Thị Thu Hà, cùng trú thị xã Sơn Tây, kết hôn năm 2018, có ba con. Do mâu thuẫn, chị Hà nhiều lần yêu cầu ly hôn song Hùng không chấp nhận.
Khoảng 10h ngày 16/2/2021, thấy con khóc khi chơi với nhau, Hùng tới phân giải. Chị Hà cho rằng Hùng chỉ yêu thương con thứ hai, không yêu thương con lớn nên vợ chồng cự cãi. Trong lúc to tiếng, chị đòi ly hôn, nói sẽ mang con lớn, con út về nhà mẹ đẻ.
Sau bữa cơm trưa, Hùng vào bếp cầm dao chém vợ đang bế con út, 8 tháng tuổi, nói: "Đã biết tội của mày chưa?". Chị Hà đặt con xuống giường bỏ chạy. Dù con gái lớn 7 tuổi và người hàng xóm vào can ngăn, Hùng vẫn truy đuổi vợ và đoạt mạng.
Vũ Thanh Hùng tại phiên tòa sáng 18/5. Ảnh: Danh Lam
Trước bục khai báo, Hùng thừa nhận sát hại vợ trong cơn nóng giận, song không nhớ đã đâm bao nhiêu nhát dao, chỉ biết "rất nhiều".
"Bị cáo đã ba đời vợ, tại sao không một người nào có thể ở với mình? Lúc nóng giận bị cáo có nghĩ đến ngày ba đứa trẻ bơ vơ vì mẹ chết, bố vướng tù tội không?", Chủ toạ nghiêm khắc hỏi. Hùng chỉ khoanh tay, cúi mặt.
Hành vi của Hùng bị công tố viên nhận định "côn đồ, dã man, vô cùng nghiêm trọng, xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt không đáng có", đề nghị tuyên tử hình.
Nghe bản luận tội, ông Nguyễn Minh Châu, bố đẻ chị Hà, đại diện cho bị hại khóc, xin giảm án cho con rể. "Nghĩ đến con gái, tôi đau đớn không sống nổi. Hôm nay nhìn thấy kẻ đã hại con, tôi chỉ muốn băm vằm, lấy máu trả nợ máu. Nhưng xin toà thương ba cháu nhỏ, mẹ chúng đã chết, xin nương tay để bố con có ngày đoàn tụ", ông bố 70 tuổi nghẹn lời, kéo tay áo lau nước mắt.
Lời cầu xin của người cha không đủ để con rể ông được pháp luật tha thứ. Hùng bình tĩnh đón nhận bản án tử hình, quay về phía bố vợ, chắp tay nói nhanh lời xin lỗi trước khi bước lên xe trở về trại giam.
Đi phía sau, ông Châu cũng vội vàng rời tòa án về căn nhà gác cũ kỹ đầu khu tập thể Lê Lai, thị xã Sơn Tây, cách chừng 50 km. Nơi đây ba đứa cháu ngoại của ông đang nheo nhóc thiếu người chăm. Vợ và con trai nằm liệt giường, cũng đang đợi ông về nấu cơm, cho ăn, bón thuốc.
Một tuần sau phiên tòa, giữa bốn bức tường đã mọc rêu, bừa bộn xoong nồi, đồ chơi, bỉm tã, xe lăn cùng những lọ thuốc, ông Châu nói với VnEpxress cái chết của con gái không phải là biến cố duy nhất dội xuống mái nhà mình.
Năm 2015, cuộc hôn nhân đầu tiên của chị Hà đổ vỡ. Không lâu sau, con trai cả sinh năm 1982 và vợ ông Châu cùng đổ bệnh nên bị tai biến, không thể tự chủ việc ăn uống, vệ sinh, mất dần khả năng đi lại, nói chuyện.
Nghề mổ gà thuê không đủ nuôi nổi gia đình, ông Châu dặn con gái ở nhà vừa làm phụ may, vừa chăm anh, chăm mẹ. Ông về Hà Nội xin làm bảo vệ toàn thời gian cho một toà nhà ở trung tâm, 3-4 tháng mới về nhà một lần.
Công việc cả ngày quanh quẩn dưới hầm để xe, niềm vui và chỗ dựa tinh thần duy nhất của ông là những cuộc trò chuyện với con gái khi hết ca làm việc. Ông không có điện thoại thông minh, thi thoảng chỉ nhờ điện thoại của người khác hai cha con gửi ảnh cho nhau.
Nhưng biến cố của năm 2015 chưa dừng lại, khi chị Hà sinh con gái đầu lòng vào tháng 8. Cha của đứa bé là Hùng - người hai đời vợ và có tiếng "không ngoan", hay bài bạc.
Chính khoảng thời gian con chào đời, Hùng đang điều trị 4 tháng tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I, với chẩn đoán "rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác".
Trở về sau đợt điều trị, chị Hà và Hùng chung sống tại nhà của Hùng. Sợ con gái thêm một lần nữa sa chân vào cuộc hôn nhân đau khổ, ông bao lần khuyên nghĩ lại nhưng bất thành. "Nó bảo: Bố kệ con, sau này có đau khổ gì, con tự chịu'", ông kể.
Năm 2018, Hùng và Hà đăng ký kết hôn, sinh thêm một con gái. Sau cuộc hôn nhân không thuận lòng cha mẹ, những cuộc trò chuyện ríu rít như xưa của hai bố con thưa dần.
Khi giao tiếp thấy Hùng "khéo ăn nói", luôn thể hiện cuộc sống ấm êm nhưng ông vẫn luôn canh cánh nỗi lo về hạnh phúc của con gái. Và khi Hà mang bầu lần thứ ba, những bất hạnh dần trở nên không thể giấu giếm.
Ông Châu kể đầu năm 2020, có lần sang thăm, thấy con gái nằm co trong góc nhà, đầu chụp kín mũ, mắt đeo kính râm, khắp người thâm tím, xước sát. Bị bố gặng hỏi, Hà chỉ oà khóc, nói chẳng may bị ngã. Nhưng càng cuối thai kỳ, ông nhận ra, những vết thương trên người con càng nhiều.
Từ đó, ông không còn hỏi con lý do mà khuyên ly hôn để không chuốc thêm đau khổ cho mấy mẹ con. "Hà vẫn phản ứng như lần đầu tiên tôi khuyên không nên cưới Hùng", ông kể.
Chiều mùng 5 Tết Tân Sửu, tức 16/2/2021, ông Châu nhận được điện thoại của một người họ hàng bảo "về gấp, nhà có chuyện", song nhất định không nói xảy chuyện gì. Ông lo lắng nghĩ rằng vợ hoặc con trai bệnh không qua khỏi. Nhưng khi biết tin con gái bị con rể sát hại, ông nói đã khuỵu xuống như có một nhát dao đâm vào lồng ngực.
"Suốt đường về, tôi chỉ muốn đâm vào cái ôtô nào đó mà chết quách đi", ông Châu giọng lạc đi khi nhắc lại những ký ức đau buồn.
Ông Châu vừa dứt lời kể bỗng đứa cháu 2 tuổi chạy sà vào lòng, như kéo trở về thực tại. Ông bình tĩnh lại, ôm bé vào lòng dỗ dành, bón nốt cho mấy thìa cháo đang ăn dở.
Ông Châu và cháu ngoại. Ảnh: Danh Lam
Chị Hà mất khi chưa kịp cai sữa con út. Sống với ông ngoại từ đó đến nay, cậu bé ngày cũng như đêm, chỉ bám chặt ông. Thiếu yêu thương từ nhỏ, ông Châu bảo, có lẽ vì thế mà thấy ai, dù là người lạ, thằng bé cũng sà vào vuốt mặt vuốt má, đòi ôm.
Thương anh già yếu, một mình chăm hai người liệt, ba đứa trẻ, em của bà Châu, sống cùng ngõ, nhận đón hai đứa cháu gái lớn về chăm đỡ.
Ông Châu bảo "sợ phải sống tiếp" vì nỗi buồn thương con gái không ngày nào không hành hạ tâm trí. Nhưng ông cũng sợ chết do vợ, con trai, các cháu sẽ không có người chăm. "Động lực sống của tôi, giờ chỉ có thế", ông chia sẻ.
* Tên nạn nhân đã thay đổi
Hải Thư