Chuyên mục  


Tại hội thảo khoa học chiều 9/2, Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh (Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Công an) cho biết, dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng để trình Quốc hội thời gian tới.

Theo ông Ngọc Anh, hoạt động của các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gắn bó rất chặt chẽ với nhân dân, "đôi khi tác động trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân". Do đó không thể duy trì hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật như trước đây, chủ yếu là văn bản của Chính phủ, Bộ Công an... "Nhu cầu xây dựng luật này rất cấp thiết trong tình hình hiện nay", ông nói.

Dự luật quy định lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở gồm công an xã bán chuyên trách (đã hoàn thành nhiệm vụ theo pháp lệnh công an xã năm 2008, hiện được giữ lại để tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở); bảo vệ dân phố; dân phòng (đội trưởng, đội phó); tổng số lượng khoảng 300.000 người.

Dự thảo luật đi theo hướng sắp xếp, kiện toàn 3 nhóm nêu trên, không làm tăng số lượng và tăng chi ngân sách nhà nước.

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh (Ban nghiên cứu giúp việc Bộ trưởng Công an) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hiếu Duy

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, hỗ trợ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn...

"Hiện khoảng 50.000 công an chính quy đã được điều động về hơn 8.300 xã. Lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo", tướng Ngọc Anh nhấn mạnh.

Phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung; Thiếu tướng Tráng A Tủa, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, và nhiều đại biểu tham luận tại hội thảo đồng tình xây dựng dự án Luật.

Ông Rah Lan Chung nói, thực tiễn cho thấy các vụ việc phức tạp thường phát sinh hoặc có nguồn gốc từ địa bàn cơ sở. Việc phát hiện, giải quyết kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chủ động ngăn ngừa các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia "từ sớm, từ xa". Vì vậy, cần phải tổ chức, quản lý, chỉ đạo lực lượng quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ngay ở địa bàn cơ sở.

Với chỉ tiêu mỗi xã 5 công an chính quy, ông Chung cho rằng chưa đủ nên cần củng cố, sử dụng có hiệu quả lực lượng an ninh cơ sở, nhất là địa bàn an ninh phức tạp, đông dân cư.

TS Nguyễn Trọng Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức (Ban Tổ chức Trung ương) nêu vấn đề mô hình tự quản là hành động tự nguyện, tự giác của cộng đồng nên không nên đặt nặng kinh phí, nguồn ngân sách của nhà nước. "Nếu không xử lý khéo léo mối quan hệ này thì vô hình trung có thể triệt tiêu hình thức tự quản ở cơ sở đang phát triển và chuyển biến tốt", ông nói.

TS Nguyễn Trọng Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương góp ý cho dự án luật. Ảnh: Hiếu Duy

Ngoài ra, kết luận của Trung ương là mỗi thôn, tổ dân phố và tương đương có một số chức danh không quá ba người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân gắn với đẩy mạnh thực hiện các hình thức tự quản. Mọi nguồn lực đều hữu hạn, do vậy các cơ quan cần đánh giá thật kỹ các tác động của chính sách đề xuất, đặc biệt là nhóm thụ hưởng.

Dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020). Do nhiều đại biểu nêu ý kiến chưa cần thiết xây dựng Luật này, Quốc hội đã tổ chức biểu quyết, sau đó Thường vụ Quốc hội chuyển về Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, hoàn chỉnh.

Hoàng Thùy

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020