Chuyên mục  


HĐXX nói về những nội dung đòi "thanh khoản" của CDC Đà Nẵng với Công ty Việt Á

Ngày 25-8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên xử sơ thẩm Tôn Thất Thạnh, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng và 2 thuộc cấp Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Trưởng Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) và Lê Thị Kim Chi (nhân viên Khoa Xét nghiệm CDC Đà Nẵng) về tội "Tham ô tài sản".

Theo cáo trạng công bố tại tòa, bị cáo Thạnh phạm tội thuộc các tình tiết tăng nặng là "phạm tội có tổ chức", "phạm tội nhiều lần" (từ 2 lần trở lên) và "lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi".

z46340168808412e9d284eeda5cc0bf1a206a5391e43ac-16929288245901232515415.jpg

Bị cáo Tôn Thất Thạnh bị cáo buộc tội "tham ô tài sản", với 3 tình tiết tăng nặng gồm "phạm tội có tổ chức", "phạm tội nhiều lần", "lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi"

Tại tòa, Tôn Thất Thạnh cho rằng 2 tình tiết tăng nặng là "phạm tội có tổ chức", "phạm tội nhiều lần" là chưa chính xác.

Theo bị cáo, cáo buộc "phạm tội có tổ chức" là không phù hợp bởi bị cáo không gặp gỡ, không bàn bạc, thống nhất với Phan Quốc Việt (Công ty Việt Á) cũng như không bàn bạc với các thuộc cấp là lấy số sinh phẩm, kít dôi dư bán lại cho Việt Á. "Chỉ là giữa lãnh đạo và nhân viên, xin cho thế thôi chứ không có tổ chức gì", bị cáo Thạnh lý giải.

Tiếp đó, khi HĐXX yêu cầu bị cáo xác nhận, có hay không tin nhắn trao đổi giữa bị cáo Thạnh và Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt: "Gần Tết rồi, thanh khoản thế này thế kia? -Tết bận quá, đang tập trung chống dịch ở Hải Dương nên anh thư thả cho bên em một chút…", thì bị cáo Thạnh một mực phủ định.

dsc06031-222-16929428367181384484557.jpg

Bị cáo Thạnh cho rằng 2 cáo buộc làm tình tiết tăng nặng là chưa chính xác

"Cuối năm 2020, đầu năm 2021, bị cáo không nhớ rõ, Nhàn đến gặp bị cáo và trình bày trong quá trình pha chế có dư ra một số kit, sinh phẩm và xin nhượng lại số dư này cho Việt Á. Mục đích là để lấy tiền bồi dưỡng cho anh em làm xét nghiệm vì chống dịch rất vất vả, mà chế độ bồi dưỡng của Nhà nước thì lại thấp" - bị cáo Thạnh trình bày.

Nói về cáo buộc "phạm tội nhiều lần", bị cáo Thạnh trình bày: "Bị cáo không trao đổi với Phan Quốc Việt về chuyện nhượng lại phần dôi dư. Bị cáo chỉ thống nhất một lần theo đề xuất của Nhàn. Bị cáo cũng không chỉ đạo cấp dưới để ngoài sổ sách số tiền Việt Á chuyển về. Bị cáo không biết được số tiền là bao nhiêu".

  • Cựu Giám đốc CDC Đà Nẵng cùng thuộc cấp hầu tòa

  • NÓNG: Phát hiện dấu hiệu tội phạm trong 33 gói thầu của CDC Đà Nẵng

Tuy nhiên, khi HĐXX cho rằng tiền bán sinh phẩm, hàng hóa, vật tư là ngoài sổ sách, có nghĩa khi tiền về sẽ vào túi riêng, không nhập vào tài khoản Trung tâm CDC. Như vậy, khi bỏ túi riêng thì việc các bị cáo sử dụng tiền như thế nào là việc của các bị cáo.

"Có thể có chia cho anh em vài đồng, có thể bỏ túi riêng" - HĐXX nhận định.

Lúc này, bị cáo Thạnh im lặng. Sau đó, bị cáo Thạnh thừa nhận việc truy tố tội tham ô là đúng.

Theo cáo trạng, từ năm 2020, Khoa Xét nghiệm được Trung tâm CDC Đà Nẵng cấp phát các loại hóa chất, sinh phẩm để sử dụng phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19.

Trong các năm 2020 và 2021, Trung tâm CDC Đà Nẵng ký kết 16 hợp đồng mua sắm với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á, do Phan Quốc Việt làm Giám đốc), tổng cộng 81.350 kit tách chiết thủ công và 410.000 kit tách chiết tự động.

Ngoài việc ký kết hợp đồng mua kit xét nghiệm, Trung tâm CDC Đà Nẵng còn nhận được tài trợ của các đơn vị khác.

Quá trình điều chế, sử dụng các loại hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19, Nguyễn Thị Thanh Nhàn phát hiện sẽ có dư ra một số lượng nhất định.

Từ đó, Nhàn báo cho Tôn Thất Thạnh biết và xin chủ trương không báo cáo số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư dư ra trên hệ thống sổ sách của Trung tâm CDC Đà Nẵng mà bán cho Công ty Việt Á để lấy tiền sử dụng cá nhân và được ông Thạnh thống nhất.

Khoảng cuối năm 2020, khi Phan Quốc Việt đến Đà Nẵng để hỗ trợ xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19, ông Thạnh và Nhàn gặp trao đổi về việc muốn bán lại một số loại hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 này và được đồng ý.

Sau đó, Nhàn chỉ đạo Lê Thị Kim Chi chỉ báo cáo tiêu hao theo quy cách đóng gói của nhà sản xuất, không báo cáo đúng thực tế số lượng sinh phẩm, hóa chất tồn kho, sau đó giao bán lại cho Công ty Việt Á.

Cụ thể, từ ngày 30-1-2021 đến ngày 6-4-2022, tổng số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế mà các bị cáo chiếm đoạt của Trung tâm CDC Đà Nẵng gồm: 21.000 kit tách chiết tự động nhãn hiệu iVAaDNA/RNA Extraction Kit aM; 10.000 kít tách chiết thủ công nhãn hiệu iVAaRNA Extraction Kit P; 18.050 tube rỗng 1,5 ml nằm trong bộ sinh phẩm tách chiết thủ công của Công ty Việt Á; 19.000 tube rỗng 1,5 ml của hãng SPL Hàn Quốc; 37.500 tube rỗng 1,5 ml của hãng QSP Mỹ; 2.400 kít xét nghiệm PCR COVID-19 nhãn hiệu LightPower IVASARS-CoV-2; 7.584 kit Standard TM M nCoV Real-Time Detection.

Tổng giá trị tài sản mà các bị cáo chiếm đoạt hơn 5,2 tỉ đồng.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020