Chuyên mục  


Chiều 23/12, phiên xử ông Nguyễn Chiến Thắng, 67 tuổi, cùng các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ sở ngành tỉnh Khánh Hoà về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tiếp tục với phần xét hỏi.

Ông Thắng bị cáo buộc là người đứng đầu UBND tỉnh khi chỉ đạo thực hiện hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) dự án công trình Trường Chính trị (khu đất rộng hơn 7.300 m2 trên đường Trần Hưng Đạo, trung tâm Nha Trang) đã có sai phạm. Bị cáo đã chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu; không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà ký hợp đồng BT với Công ty Cổ phần Thanh Yến; cấp giấy chứng nhận đầu tư không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nha Trang...

Nhà chức trách cho rằng hành vi của ông Thắng là tiền đề cho toàn bộ các sai phạm khác trong vụ án, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 60 tỷ đồng.

Cựu chủ tịch Nguyễn Chiến Thắng tại tòa, ngày 23/12. Ảnh: Bùi Toàn

Trả lời HĐXX, ông Thắng cho rằng khi ký phê duyệt dự án đã căn cứ đầy đủ các văn bản pháp luật; khi quyết định chỉ định thầu, giao dự án, cấp giấy phép đầu tư cũng có ý kiến đóng góp của các sở, ngành.

"Đối chiếu với các căn cứ pháp luật thời điểm đó thì bị cáo thấy bản thân không làm sai", ông nói. Tuy nhiên, theo bị cáo, đây chỉ là góc nhìn của bản thân, những vấn đề này vẫn phải chờ cơ quan chức năng kết luận. Nếu HĐXX cho rằng ông có tội thì xem xét việc gia đình đã nộp 300 triệu đồng để khắc phục là tình tiết giảm nhẹ.

Về việc giao dự án cho Công ty Cổ phần Thanh Yến, ông Thắng giải thích, lúc đầu đã thông báo mời thầu trên cơ quan báo chí. Thời điểm đó Công ty Hoàn Cầu Khánh Hòa (đã chuyển nhượng hợp đồng cho Công ty Cổ phần Thanh Yến vào năm 2015) và Công ty TNHH Đông Đô nộp hồ sơ. Bị cáo chọn Công ty Hoàn Cầu Khánh Hoà vì thấy có năng lực, thực hiện tốt nhiều dự án ở xã Phước Đồng, Nha Trang, còn Công ty Đông Đô chưa làm dự án nào.

"Tôi thấy Trường Chính trị xây dựng từ năm 1965, sau một thời gian dài đã xuống cấp nặng nề nên phải xây dựng lại. Vì thấy cấp bách nên tôi chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề nghị của bộ, ngành và địa phương", ông Thắng nói, thêm rằng việc này cũng áp dụng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, HĐXX khẳng định, văn bản của Thủ tướng yêu cầu thực hiện dự án BT theo Nghị định 108 của Chính Phủ ngày 27/11/2009. Theo đó, dự án xây Trường Chính Trị không thuộc trường hợp cấp bách.

Giải thích về việc giao dự án khu đất thuộc Trường Chính trị cho doanh nghiệp xây dựng dù "không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của Nha Trang", ông Thắng thừa nhận tháng 6/2015 khi ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Thanh Yến làm khu phức hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở chung cư (đã đổi tên là Gold Coast) thì khu đất trên là đất giáo dục - tức trái với quy hoạch sử dụng đất TP Nha Trang. Tuy nhiên, cựu chủ tịch cho rằng, theo quy hoạch chung TP Nha Trang đã được phê duyệt vào tháng 9/2012 thì khu đất Trường Chính trị "sẽ là trung tâm đa năng", không còn là trụ sở cơ quan nữa.

"Thời điểm cấp giấy phép đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của TP Nha Trang nhưng sau này sẽ phù hợp. Bằng chứng là năm 2019, toàn bộ khu đất trường chính trị đã chuyển toàn bộ thành đất ở", ông Thắng trình bày.

HĐXX phân tích, bị cáo đã sai khi thực hiện "quy trình ngược" - giao dự án, cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp rồi mới thực hiện động tác bổ sung quy hoạch mục đích sử dụng đất ở khu đất rộng hơn 7.300 m2 đó.

Ông Đào Công Thiên tỏ ra mệt mỏi tại phiên xử chiều 23/12. Ảnh: Bùi Toàn

Tòa xét hỏi ông Đào Công Thiên, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh. Ông này bị cáo buộc ký ban hành các quyết định giao, cho thuê, phê duyệt giá đất và bán tài sản trên đất trái pháp luật.

Khai với HĐXX, bị cáo Thiên nói lúc đó không phát hiện hợp đồng BT trái pháp luật, nếu biết sẽ không bao giờ ký các quyết định giao đất.

Toà yêu ông Thiên lý giải về việc toàn bộ khu đất số 1 Trần Hưng Đạo là đất thương mại dịch vụ nhưng lúc bị cáo ký quyết định giao đất lại có 4.440 m2 đất ở đô thị. Ông Thiên vừa trình bày được vài câu bỗng dưng nghẹn ngào, tỏ rõ mệt mỏi.

Thấy sức khỏe cựu phó chủ tịch tỉnh bất ổn, HĐXX dừng phiên toà, ngày mai tiếp tục làm việc.

Trong ngày đầu diễn ra phiên tòa, bị cáo Lê Đức Vinh (cựu chủ tịch Khánh Hoà thứ 2) và một nguyên lãnh đạo sở có đơn xin xét xử vắng mặt.

Hồi tháng 4, ông Thắng bị phạt 5 năm 6 tháng tù, ông Vinh và Thiên lĩnh 4 năm 6 tháng tù về sai phạm khi thực hiện dự án sinh thái Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung, phá vỡ quy hoạch trên núi Chín Khúc.

Bùi Toàn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020