Chuyên mục  


tram-cam-dad5-1830050-2read-only-1675350694601651125940.jpg

Phản ánh đến báo Tuổi Trẻ, bà H.T.Q. cho biết giữa năm 2014, bà ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty Decathlon Việt Nam, bà Q. được phân công làm nhân viên phát triển mẫu, đến thời điểm hiện tại mức lương của bà Q. là hơn 40 triệu đồng/tháng.

Theo bà Q., công việc diễn ra bình thường trong suốt thời gian gần bảy năm qua, cho đến khi bà mua sản phẩm của chính công ty và yêu cầu đổi trả thì xảy ra mâu thuẫn.

Đột ngột "ngồi không" cả năm

Bà Q. cho biết một ngày giữa năm 2021, bà đến một cửa hàng thuộc hệ thống của công ty để mua bao cát tập boxing. 

Tuy nhiên, sau vài ngày sử dụng thì bao cát này bị rách đường may, bà Q. phản ảnh lại với cửa hàng thì được trả lời phải chờ ba tháng sau mới có thể đổi sản phẩm khác. 

Sau đó, bà Q. đề nghị làm việc với quản lý cửa hàng thì sau đó cửa hàng đã giải quyết bằng cách đưa bà Q. sản phẩm mẫu đang trưng bày và viết cam kết đổi trả bảo hành sản phẩm.

"Cả hai bên đều thống nhất cách giải quyết một cách êm xuôi. Tuy nhiên, sau đó sự việc bảo hành sản phẩm này đã được cửa hàng báo cáo về ban lãnh đạo công ty với cáo buộc là tôi quấy rối tại cửa hàng sau khi biết tôi là nhân viên của công ty.

Công ty đã mở cuộc họp để làm rõ, kết quả là đại diện cửa hàng khẳng định việc vợ chồng tôi bảo hành sản phẩm là đúng nhưng là một nhân viên của công ty thì việc làm này của vợ chồng tôi là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, họ không có bất kỳ chứng cứ nào chứng minh tôi gây rối tại cửa hàng", bà Q. kể.

Cũng theo bà Q., sau sự việc trên thì đến khoảng tháng 11-2021, công ty trên đã yêu cầu bà ngừng tất cả công việc đang làm.

Kể từ ngày đó, công ty cũng không phân công công việc mới cho bà nhưng vẫn yêu cầu bà đến văn phòng hằng ngày ngồi một chỗ không làm gì. Công ty này cũng nhiều lần "gợi ý" bà Q. xin nghỉ việc.

"Công ty không phân công công việc cho tôi, cố tình để tôi ngồi một chỗ nhưng hằng tháng vẫn trả lương cho tôi là hành vi phân biệt đối xử trong lao động. Từ sự việc trên dẫn đến tôi bị trầm cảm nặng phải liên tục điều trị tại bệnh viện. 

Nếu không có sự động viên và hỗ trợ về mặt tinh thần của người thân thì có lẽ tôi đã tự tìm đến cái chết vì hành vi đối xử ngược đãi của ban lãnh đạo công ty".

Theo kết quả chẩn đoán từ bệnh viện thì bà Q. hiện bị stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng, loạn chức năng thần kinh, trầm cảm.

Chưa tìm được tiếng nói chung?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - phụ trách bộ phận nhân sự hành chính Công ty Decathlon Việt Nam, khẳng định việc tạm thời chưa bố trí công việc cho bà Q. là do định hướng kinh doanh của tập đoàn có sự thay đổi, dòng sản phẩm mà bà Q. phụ trách hiện không phát triển mới.

Bà Thảo khẳng định mối quan hệ giữa bà Q. với công ty như hiện nay không xuất phát từ việc bà Q. đổi trả sản phẩm mua của công ty. 

Về việc công ty "vận động" bà Q. xin nghỉ việc thì bà Thảo cho biết thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là một trong những phương án được cân nhắc tới nhưng đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

"Trong quá trình làm việc tại công ty thì chị Q. cũng nhận được một số nhắc nhở từ những người quản lý của chị ấy nhưng công ty chưa ban hành bất kỳ biên bản xử phạt nào hoặc kết luận chị vi phạm. 

Trường hợp này vẫn đang đàm phán, thương lượng nhưng đến giờ chưa đạt được thỏa thuận nào của hai bên, tuy nhiên trong thời gian ấy thì tất cả những quyền lợi của chị Q. theo quy định của pháp luật vẫn được đảm bảo đầy đủ", bà Thảo cho biết.

Ngày 2-2-2022, chị Q. cho biết sau khi Tuổi Trẻ làm việc với đại diện công ty thì chị được phân công công việc. “Họ phân công tôi làm giúp những việc lặt vặt cho nhiều nhóm khác nhau, nên tôi đề nghị công ty thỏa thuận dừng hợp đồng nhưng đến nay chưa đạt được thỏa thuận”, chị Q. cho hay.

Nhận định của luật sư

Nhận định về trường hợp trên, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng công ty đã có dấu hiệu vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng lao động.

Cụ thể, trong hợp đồng lao động của chị Q. có thể hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động là phải bảo đảm việc làm và thực hiện đầy đủ những điều đã cam kết với người lao động.

"Người lao động cũng không có nghĩa vụ phải tự tìm các nhóm khác để làm việc như chị Q. trình bày. Trường hợp này có sự phân biệt đối xử, không được bình đẳng giữa những người lao động với nhau.

Chị Q. được đào tạo, có chuyên môn, năng lực hành vi bình thường thì tại sao lại để "ngồi không" một năm qua. Tôi nghĩ công ty nên phân công lại công việc đúng như chuyên môn của chị Q. trước giờ", luật sư bày tỏ quan điểm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020