Thông tin được nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần thứ hai của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) trong vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh thành, ngày 18/12/2024.
A09 giữ nguyên đề nghị truy tố 12 bị can như hai lần trước. Trong đó, ông Hoàng Quốc Vượng, 62 tuổi, cựu chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cựu thứ trưởng Công Thương và ông Phương Hoàng Kim, cựu cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cùng 7 người bị cáo buộc tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ba bị can ở Cục Thuế tỉnh Bình Phước là ông Nguyễn Duy Khánh, cựu cục phó; Trần Văn Định, cựu trưởng phòng và Phạm Quang Vinh, cựu phó phòng, bị đề nghị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
=>> Danh sách 12 người bị đề nghị truy tố
Quá trình điều tra bổ sung lần hai này, A09 cho hay không xem xét, xử lý với 15 cán bộ tại Bộ Công Thương, 5 người tại Bộ Tư pháp, 7 người tại Văn phòng Chính phủ và một số cá nhân có liên quan khác.
Trong đó, A09 đã triệu tập, ghi lời ông Trần Tuấn Anh; nguyên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; cựu bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng nhiều cán bộ khác của Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp.
Ông Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Phong
Với ông Trần Tuấn Anh, A09 xác định với vai trò Bộ trưởng Công Thương giai đoạn 2016-2021 đã có 6 tờ trình, báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất ban hành Quyết định số 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13). Quyết định này bị xác định trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ về chính sách đặc thù tại tỉnh Ninh Thuận, trong đó có giá điện.
Tuy nhiên, khi ký các tờ trình, báo cáo này, ông Trần Tuấn Anh không biết việc cấp dưới Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115. Ngoài ra, kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện nguyên bộ trưởng có động cơ vụ lợi nên Cơ quan An ninh điều tra không xem xét xử lý hình sự ông Trần Tuấn Anh.
Với ông Trịnh Đình Dũng, A09 cho rằng cựu phó thủ tướng được Thủ tướng phân công chịu trách nhiệm xây dựng và ký ban hành Quyết định 13. Do tin tưởng vào kết quả xây dựng, thẩm định, thẩm tra dự thảo quyết định của Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nên khi ký ban hành, ông Dũng không biết có nội dung trái với Nghị quyết số 115.
Kết quả điều tra cũng cho thấy không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Dũng nhận tiền, lợi ích vật chất khác để tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Do đó, A09 không xem xét xử lý hình sự với ông Trịnh Đình Dũng.
Ông Trịnh Đình Dũng khi đương chức Phó thủ tướng. Ảnh: Anh Duy.
Theo kết luận điều tra, ông Mai Tiến Dũng, cựu bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, và 6 người tại Văn phòng Chính phủ có liên quan đến thẩm tra dự thảo quyết định 13. Tuy nhiên không có tài liệu, chứng cứ thể hiện những người này nhận tiền, lợi ích vật chất khác để làm trái quy định, tạo lợi ích không chính đáng cho các doanh nghiệp. Vì thế, A09 cho rằng không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do một số cá nhân bị tha hóa, biến chất trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một số bị can vì động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân khác làm trái quy định để tạo lợi ích không chính đáng cho doanh nghiệp.
Cựu thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và đồng phạm 'gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng'
Hồ sơ vụ án thể hiện, sau khi Thủ tướng ban hành Nghị quyết số 115, Bộ Công Thương lập tổ soạn dự thảo Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Khi dự thảo bị nhiều đơn vị liên quan có ý kiến, ông Hoàng Quốc Vượng gạch bỏ cụm từ "được Thủ tướng chấp thuận triển khai" trong dự thảo.
Điều này đồng nghĩa, bất cứ dự án điện mặt trời nào có tổng công suất 2.000 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, dù không được Thủ tướng chấp thuận, vẫn được hưởng giá ưu đãi 2.086 đồng/kWh.
Đến 31/8/2018, tại Ninh Thuận có tới 32 dự án điện mặt trời, tổng quy mô công suất 2.078 MW nhưng Bộ Công Thương lại báo cáo chỉ có 30 dự án, tổng công suất 1.927 MW.
Dự thảo dù chưa được Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, EVN có ý kiến nhưng tháng 6/2019, ông Vượng vẫn giữ nguyên các nội dung về giá điện ưu đãi.
Cựu thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Kết luận điều tra nêu, dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam của Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, từ năm 2017 đã xin bổ sung vào quy hoạch điện lưới tỉnh Ninh Thuận song không được chấp thuận. Tháng 10/2019, tỉnh tiếp tục báo cáo, nếu chấp thuận dự án Trung Nam - Thuận Nam sẽ vượt quá quy mô tại Nghị quyết 115. Tỉnh đề xuất cho dự án này vào quy hoạch để hưởng cơ chế bán điện giá ưu đãi. Ông Vượng tiếp nhận đề xuất này và đệ trình.
Tháng 1/2020, Dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam chính thức được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch điện.
Sau khi dự thảo do ông Vượng chỉnh nội dung được thông qua, trở thành Quyết định chính thức và vẫn giữ các nội dung mà ông Vượng đệ trình. Ninh Thuận chính thức được phê duyệt 30 dự án điện mặt trời theo giá ưu đãi.
Bộ Công an xác định, trong số này, dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải và Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam không đủ điều kiện nhưng được mua giá ưu đãi, kéo theo hai nhà máy khác lại không được chấp thuận dù đủ điều kiện.
Từ tháng 7/2020 đến 1/2023, EVN đã mua điện và thanh toán cho hai nhà máy điện mặt trời này hơn 3.300 tỷ đồng với giá ưu đãi, gây thiệt hại hơn 937 tỷ đồng, theo kết luận điều tra bổ sung của A09.
Về hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can gây ra, A09 xác định từ khi Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải được đưa vào vận hành thương mại ngày 6/7/2020, đến hết ngày 30/6/2024, EVN đã thanh toán tiền mua điện theo mức giá 9,35 UScents/kWh với tổng số tiền hơn 412 tỷ đồng. Tiền chênh lệch so với mức giá 7,09 UScents/kWh là hơn 99 tỷ đồng.
Với dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận, từ khi đưa vào vận hành ngày 1/10/2020 đến hết 30/9/2023, EVN đã thanh toán tiền mua điện theo giá 9,35 UScents/kWh với tổng số hơn 3.905 tỷ đồng. Do đó số tiền chênh lệch so với mức giá 7,09 UScents/kWh là 944 tỷ đồng.
Do đó, hành vi phạm tội của các bị can đã gây thiệt hại cho EVN hơn 1.043 tỷ đồng. Con số này có sự thay đổi khi hai lần kết luận trước đây, A09 cho rằng thiệt hại cho EVN là hơn 937 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty Mua bán điện. Ảnh: Bộ Công an
Cơ quan điều tra xác định để xảy ra sai phạm, ông Vượng vì động cơ vụ lợi mà tạo cơ chế cho Trung Nam - Thuận Nam, lợi dụng chức vụ quyền hạn, cố ý xin cơ chế giá ưu đãi cho dự án này. Ông còn "cố ý điều chỉnh câu chữ, thay đổi diện đối tượng được hưởng chính sách giá điện ưu đãi", không đúng Nghị quyết số 115.
Ông Kim bị cáo buộc cũng vì động cơ vụ lợi, tạo điều kiện không chính đáng để doanh nghiệp được bán điện giá ưu đãi.
Phạm Dự