Chuyên mục  


Ngày 30/9, phiên tòa xét xử giai đoạn hai vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và người có quyền, nghĩa vụ liên quan về các tài sản kê biên trong vụ án.

Trong phạm vi vụ án đang xét xử, cơ quan điều tra đã thu giữ 224 tỷ đồng của bà Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán tại Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.

Các cơ quan tố tụng cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, vốn góp (liên quan đến bà Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được nhờ đứng tên) tại nhiều tập đoàn, công ty với tổng giá trị quy đổi là khoảng 12.313 tỷ đồng; kê biên 9 bất động sản của bà Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Trần Quỳnh

Trả lời HĐXX về các tài sản, cổ phần đang bị kê biên thuộc sở hữu của cá nhân, gia đình, tập đoàn hoặc nhờ người khác đứng tên, bà Lan phần lớn đề nghị HĐXX cho giải tỏa kê biên, giao cho "anh em bên ngoài, người nhà" đứng ra rao bán và cam kết toàn bộ tiền sẽ được dùng vào việc khắc phục hậu quả vụ án. Một số tài sản khác là kỷ niệm của gia đình, thuộc sở hữu hợp pháp của người khác, bà xin tòa trả lại cho họ.

Cụ thể, đối với 18% cổ phần vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành, bà Lan cho biết đã góp vốn vào liên doanh từ năm 2011 để "lấy lãi cho con cháu". Nguồn tiền có từ trước khi hợp nhất ngân hàng SCB nên không liên quan đến SCB. Liên doanh này là chủ đầu tư của tòa tháp Vietcombank Tower Saigon - một trong những tòa nhà cao nhất và có vị trí đắc địa khu trung tâm quận 1.

Bà Lan khai bản thân và Vạn Thịnh Phát đã giao 18% cổ phần cho Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP HCM (Setra) nắm giữ. Trước đó, phía bà và Vietcombank có thỏa thuận chuyển nhượng số cổ phần này cho Vietcombank với giá khoảng 920 tỷ đồng. Do số cổ phần này nằm trong liên doanh với tài sản nhà nước nên cần phải đấu giá, "ai mua được giá cao thì bán".

Bị cáo xin tòa giải tỏa kê biên cao ốc, để cho người nhà đứng ra xử lý, lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án, chứ "việc kê biên hiện nay không có ý nghĩa gì".

Được thẩm vấn trước đó, đại diện liên doanh và Vietcombank xác nhận bà Lan thông qua Công ty Setra sở hữu 18% cổ phần tại tòa cao ốc. Phía Vietcombank đề nghị tòa huỷ bỏ lệnh kê biên, cho phép ngân hàng nhận chuyển nhượng số cổ phần nói trên và hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đồng thời đề nghị hướng dẫn các thủ tục để Vietcombank chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản của cơ quan điều tra, cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xử lý tài sản.

Còn đại diện Setra đề nghị, nếu việc chuyển nhượng theo thỏa thuận trên được hoàn tất thì cho công ty nhận 20% giá trị chuyển nhượng để thực hiện nghĩa vụ thuế.

Tòa tháp Vietcombank Tower với quy mô 35 tầng có 18% vốn góp của bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Minh Trí

Đối với 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (hơn 4.580 tỷ đồng), bà Lan cho biết bà và tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên. Ngọc Viễn Đông là doanh nghiệp được thành lập để dự kiến triển khai dự án khu phức hợp Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, nằm trên khu đất của Cảng Sài Gòn trải dài ven sông và mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, quận 4.

Theo bà Lan, phần vốn góp trên là của gia đình, không liên quan đến SCB, Vạn Thịnh Phát. Dự án này được bắt đầu từ "rất lâu", đã bồi thường gần xong, nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thực hiện. Trong số cổ phần bà sở hữu có khoảng 200 triệu USD của nước ngoài.

"Nếu dự án này tiếp tục làm thì phần chênh lệch cũng không nhỏ, có giá trị mấy chục nghìn tỷ. Phần nào của nước ngoài thì trả cho họ, phần còn lại bị cáo tình nguyện dùng cho mục đích khắc phục hậu quả hoặc sử dụng làm các công trình phúc lợi xã hội", bà Lan nói và cũng xin tòa giải tỏa kê biên để "các anh em bên ngoài xử lý", cam kết không dùng vào mục đích cá nhân.

Tương tự, bà Lan đề nghị tòa giải tỏa kê biên 73,5% vốn góp tại Công ty cổ phần Đầu tư Hợp Thành 1 do bà Lan và Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty cổ phần Bông Sen đứng tên sở hữu. Đây là công ty sở hữu 70% vốn của Công ty cổ phần Daeha - doanh nghiệp sở hữu khách sạn Daewoo Hà Nội.

Trả lời tòa liên quan đến việc sở hữu 82% cổ phần tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam, bà Lan xác nhận đã giao cho 5 cá nhân và 2 công ty thuộc tập đoàn đứng tên. Công ty này ban đầu có 100% cổ phần của nước ngoài, bà sau đó đã mua lại và hiện đồng ý giao cho SCB bán số cổ phần này để khắc phục hậu quả. Đối với những người sở hữu cổ phần không liên quan đến bà, thì trả lại cho họ.

Đại diện Công ty FWD cho biết, khoảng tháng 3/2022 đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Việc chuyển nhượng đã thực hiện nhưng chưa hoàn thiện giấy tờ thủ tục thì xảy ra vụ án Vạn Thịnh Phát, nên trên giấy phép vẫn là các cổ đông cũ đứng tên.

Phía doanh nghiệp đề xuất tòa 2 phương án xử lý tài sản: trường hợp Bộ Tài chính công nhận danh sách cổ đông mới thì tòa triệu tập cổ đông cũ phối hợp để hoàn thiện hồ sơ pháp lý; nếu Bộ Tài chính không đồng ý thì đề nghị công ty cũ hoàn lại số tiền đã nhận để có nguồn tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Bà Lan sau đó cũng có ý kiến bổ sung, đồng ý với phương án của đại diện công ty này đưa ra.

Đối với 1,4 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (1.400 tỷ đồng), bà Lan đề nghị "cứ giữ lấy ngày nào bán được thì đem đi khắc phục". "Nguồn gốc số cổ phần này là từ năm 2003. Lúc đó những anh em chứng khoán Tân Việt khó khăn, kiếm người chuyển nhượng nên bị cáo mua lại và nhờ người đứng tên. Hiện bị cáo không biết sở hữu bao nhiêu %", bà Lan nói.

Bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bà Lan) tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần

Riêng đối với 100% cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư thương mại Hòa Thuận Phát; 77,89% cổ phần Công ty Đông Dược Nam, bà Lan cho rằng giá trị không đáng kể, do gia đình lập ra để thực hiện các hoạt động từ thiện không thu lời. Do đó, bà đề nghị tòa gỡ lệnh kê biên để gia đình bà giữ làm kỷ niệm.

Trong đó, Công ty Hòa Thuận Phát có nguồn gốc là xưởng đóng tàu của gia tộc. Mẹ bị cáo đã giao cho gia đình Trương Huệ Vân quản lý.

Trả lời tòa về vấn đề này, bị cáo Vân cho biết cổ phần trong công ty do bà nội bán vàng cho các cháu nội. Do đó, cô xin tòa cho nhận lại để sau này có cơ hội quay về phát triển công ty.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn một số người liên quan, trong đó có đại diện Vạn Thịnh Phát liên quan đến các tài sản kê biên.

Trước đó, TAND TP HCM đã hoàn tất thẩm vấn bà Lan và 33 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ); Rửa tiền (445.768 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD).

Quá trình thẩm vấn bà Lan nhiều lần nói "tôn trọng cáo buộc của cơ quan điều tra", song đề nghị HĐXX và VKS xem xét nguyên nhân, bối cảnh của hành vi phạm tội. Bà nhận toàn bộ trách nhiệm về hậu quả xảy ra. Các bị cáo khác cũng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm nêu trong cáo trạng

Hải Duyên

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020