Chiều 7/11, HĐXX chuyển qua phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan, đại diện SCB để làm rõ các nội dung kháng cáo liên quan đến phần trách nhiệm dân sự.
Trả lời thẩm vấn, bà Lan cho biết vẫn giữ yêu cầu xin lại một số tài sản như: biệt thự cổ số 110 Võ Văn Tần; nhà số 78 Nguyễn Huệ, quận 1; tòa nhà 19-25 Nguyễn Huệ - đều do mẹ bà mua cho cháu ngoại Chu Duyệt Phấn (con gái bà Lan); trụ sở Vạn Thịnh Phát trên đường Trần Hưng Đạo.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng xin lại nhà đất 24 Lê Lợi, quận 1 và 21-21A Trần Cao Vân, quận 3, do cháu gái Trương Huệ Vân đứng tên. Đây cũng là tài sản mẹ bà mua cho chị em Vân. Tuy nhiên, HĐXX cho biết, hai tài sản này đang được thế chấp cho khoản vay của Công ty Tường Việt.
Đối với chiếc du thuyền và 19 ôtô bà Lan xin lại, theo tòa, các tài sản này cũng đang được dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Công ty Lavifood.
Ngoài các tài sản nói trên, bà Lan lần đầu đề cập đến việc năm 2021 đã nộp 5.000 tỷ đồng vào SCB để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp chứng nhận. Nay bà xin tòa xem xét trả lại cho các cổ đông, bà sẽ dùng số tiền trên để khắc phục hậu quả vụ án.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng
SCB không đồng ý giao tài sản cho hàng loạt doanh nghiệp
Đại diện SCB xác nhận ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục để tăng vốn điều lệ nhưng chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận, song khoản tiền 5.000 tỷ đồng đã hòa vào dòng tiền chung của SCB.
HĐXX sau đó yêu cầu đại diện SCB về xem xét lại về việc sử dụng số tiền này như thế nào để trình bày sau.
Liên quan đến kháng cáo của mình, đại diện SCB đề nghị HĐXX xem xét buộc bà Lan phải bồi thường số tiền lãi cho 1.284 khoản vay tính đến ngày hoàn thành nghĩa vụ bồi thường.
SCB cũng đề nghị tòa phúc thẩm công nhận các giao dịch của SCB với nhóm Công ty Hồng Phát; Công ty cổ phần T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh (công ty của Chúa đảo Tuần Châu); Công ty Phương Trang. SCB không đồng ý giao lại 13 quyền sử dụng đất cho Công ty Hồng Phát; 3 bất động sản cho Phương Trang; giữ lại các bất động sản của công ty thuộc nhóm Tuần Châu.
Đồng thời, SCB đề nghị tòa xem xét trong 1.121 mã tài sản bàn giao cho ngân hàng này quản lý theo các hợp đồng thế chấp, trong đó có 14 tài sản chồng lấn với các cá nhân khác. Ví dụ như nhà đất số 24 Lê Lợi đang dùng làm tài sản bảo lãnh cho khoản vay của Công ty Tường việt.
Theo SCB, nghĩa vụ bồi thường 673.000 tỷ đồng của bà Lan cũng như việc giao SCB xử lý 1.121 mã tài sản là hai nghĩa vụ độc lập. SCB lo ngại quá trình thi hành án, số tiền thu giữ của bà Lan không đủ bồi thường thì cơ quan thi hành án sẽ cấn trừ vào 1.121 mã tài sản.
Lúc này, chủ tọa đặt vấn đề, việc xác định nghĩa vụ bồi thường 673.000 tỷ đồng của bà Lan với việc kê biên các mã tài sản là hai nghĩa vụ độc lập - có nghĩa bị cáo Lan phải bồi thường 2 lần. Đại diện SCB nói "không phải vậy" nhưng vẫn bảo lưu quan điểm kháng cáo và chấp nhận với quyết định của HĐXX.
Bị cáo Trương Huệ Vân tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng
Trả lời HĐXX về các kháng cáo của SCB, bà Lan nói không đồng ý. Theo bà Lan việc tiếp tục tính lãi đến khi thi hành xong nghĩa vụ là không đúng quy định của pháp luật.
Giải thích về mối quan hệ với nhóm các công ty nói trên, bà Lan cho biết do bối cảnh của các bên, bà có cho những công ty này mượn số tiền hàng nghìn tỷ đồng và mượn lại các bất động sản để đưa vào SCB tái cơ cấu. Do đó, nếu họ trả số tiền vay thì SCB phải có nghĩa vụ hoàn trả các bất động sản.
"Tôi đồng ý với phán quyết của tòa buộc họ trả lại tiền cho tôi và SCB phải trả lại tài sản. Khi họ nộp tiền rồi thì phải trả cho người ta chứ. Tôi đã hy sinh rất nhiều cho SCB nên SCB phải suy nghĩ sâu xa rằng tiền đó tôi có nhận lại thì cũng dùng để khắc phục hậu quả cho SCB chứ lấy cho ai đâu", bà Lan nói.
Trương Huệ Vân xin lại căn nhà được bà nội tặng
Liên quan đến căn nhà số 24 Lê Lợi xin nhận lại, Trương Huệ Vân cho biết đây là tài sản bà nội tặng cho bị cáo và anh trai. Lý do bị cáo dùng thế chấp cho Công ty Tường Việt vì trước đây người của SCB liên hệ, nói cần tài sản thế chấp cho khoản vay. Bị cáo sau đó thuyết phục anh trai cho SCB mượn, sau này mới biết là đảm bảo cho Tường Việt vay.
"Bị cáo xin tòa bóc tách tài sản của bị cáo khỏi nghĩa vụ của cô Lan để khi Công ty Tường Việt thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ các khoản vay bị cáo có cơ hội được nhận lại tài sản. Cả nhà đất 21A Trần Cao Vân, quận 3, cũng vậy", Huệ Vân nói.
HĐXX cho biết, sẽ tiếp tục hỏi các bị cáo và các bên liên quan để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án vào phiên tòa ngày mai.
Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB. Sau khi cấn trừ đi một số khoản vay được tất toán trong quá trình xét xử, bà Lan còn phải bồi thường cho SCB 673.000 tỷ đồng
Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụngvà tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Hải Duyên