Sau một vài cuộc điện thoại đặt hẹn, chọn địa điểm, cuộc gặp gỡ của tôi và Thanh Lam được ấn định tại chính căn biệt thự nhìn ra Hồ Tây của chị, nơi có rất nhiều chậu hồng đang bung nở rực rỡ. Trong gian phòng khách thoang thoảng mùi trầm với những món đồ nhuốm dấu vết thời gian, nữ diva của làng nhạc Việt xuất hiện trong chiếc váy mang màu sắc chị yêu.
Nhìn Lam trong chiếc váy đỏ, rực rỡ nhưng an tĩnh và ăn nhập hoàn toàn với không gian, quả thực chẳng thấy dữ dội đâu cả, chỉ thấy dịu dàng mà thôi. Vậy đấy! Một Thanh Lam dữ dội khi hát, một Thanh Lam trút cạn mình trên sân khấu cũng chính là một Thanh Lam rất đỗi đàn bà, rất đỗi dịu dàng và giản đơn giữa sự phức tạp của cuộc đời.
Người ta có thể không mến Thanh Lam nhưng chắc chắn người ta không thể nào phủ nhận giọng hát nội lực mà chị sở hữu. Không biết đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc trò chuyện để "giải mã" giọng hát của Thanh Lam.
Đi hát từ năm 10 tuổi và trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp, Thanh Lam sớm định hình được cá tính, con đường âm nhạc của mình để rồi biến nó thành chất riêng chẳng lẫn lộn với ai. Thành thật mà nói, âm nhạc của nữ Diva không hề đại chúng. Hay nói đúng hơn, âm nhạc của Thanh Lam như chén rượu ngon, thoạt đầu cay nồng nhưng đã qua được hớp đầu để uống tiếp thì rất dễ phải lòng chất men vương vấn ấy.
Có người nói rằng "Thanh Lam đã già khi còn quá trẻ". Bởi từ những năm ở tuổi 20, người ta đã chẳng tìm thấy một Thanh Lam non nớt trên sân khấu nữa mà thay vào đó là giọng hát trưởng thành, bản lĩnh và từng trải. Mỗi lần lên sân khấu, Thanh Lam luôn là người đàn bà đầy nhiệt huyết, mỗi ca khúc của chị như trút cạn tất cả tình yêu, nỗi nhớ, sự ngọt ngào hạnh phúc hay đau đớn. Kỳ lạ hơn, bao nhiêu năm trôi qua, chị vẫn giữ được cho mình cái sự nhiệt huyết và cháy bỏng như ngày đôi mươi.
Nhận xét về chính bản thân mình, Thanh Lam thành thật nói: "Chị ở trên sân khấu là người bay bổng và bốc lửa. Chị nghĩ đó là ngọn lửa luôn luôn phải chế ngự". Nhưng đấy là trên sân khấu, còn ngoài đời thực, nữ Diva lại khao khát 2 chữ "tĩnh tại" và "bình yên" - những thứ giản đơn mà phải trải qua nhiều năm thăng trầm, chị mới tự mình đúc kết lại.
Bản thân chị thừa nhận rằng kể từ sau khi cha qua đời vào năm 2014, cái nhìn của chị về cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi. Lúc chị nhắc về ba, đôi mắt sâu thăm thẳm như hồ nước mùa thu ấy lại có phần rưng rưng.
"Khi chị nhìn thấy ba ốm, và những ngày ba phải đối diện với chứng bệnh Alzheimer, chị cũng thấy rõ sự vô thường của cuộc sống. Cuộc sống này, chúng ta luôn phải gắn liền với sự sinh ra và mất đi, không ai có thể tránh khỏi. Chính vì thế, khi chứng kiến những ngày tháng cuối đời của ba, chị càng cảm thấy quý giá hơn những tháng ngày được làm người. Quý giá hơn những buổi sáng mai nhận thấy ta vẫn còn được hít thở và được chào ngày mới với những ước mơ dù to lớn hay nhỏ nhoi", Thanh Lam chia sẻ.
Sau khi đã trải qua những tháng ngày sôi nổi, vội vã Thanh Lam nhận ra rằng đã đến lúc mình nên sống chậm lại, bình tĩnh cảm nhận từng ngày, từng giờ, từ sự nảy mầm của chồi non, sự rụng rơi của lá vàng về cội hay thậm chí cả sự bình yên của tình yêu.
Sự biến chuyển ấy được nữ Diva mang luôn vào âm nhạc: Vẫn nồng nàn, đắm say nhưng đằm và sâu lắng hơn. Điều này thể hiện càng rõ ràng hơn trong album "Nơi gặp gỡ tình yêu", vốn ra đời trong khoảng thời gian Thanh Lam đã chậm lại sau nhiều những va đập và mất mát.
Thanh Lam có thể trải qua nhiều mối tình, có say đắm, có cuồng nhiệt, có điên dại mà yêu, đau đớn mà quên hoặc chỉ thoảng qua trong cuộc đời như cơn gió chiều. Nhưng có một mối tình mà Thanh Lam dành hơn nửa cuộc đời mình để nhìn vào và trân quý. Đó là tình yêu của cha và mẹ trong khói lửa chiến tranh, cũng chính là niềm cảm hứng để chị làm nên "Nơi gặp gỡ tình yêu".
Đi qua những sự chống chếnh và cả những nỗi cô đơn, chị thật thà tâm sự, mình ước ao một cuộc tình bền lâu. "Chị lớn lên và nhìn thấy tình yêu của ba mẹ, chị hiểu đó là sự hy sinh của 2 con người. Trong tình yêu không phải là những điều ta có được mà còn cả là sự hy sinh về nhau. Bản thân chị cũng ước ao một cuộc tình như vậy".
Độc lập, cá tính trong âm nhạc là thế, nhưng trong tình yêu, Thanh Lam lại rất đỗi đàn bà. Nữ Diva không ngại thừa nhận rằng: "Phụ nữ luôn cần có đàn ông bên cạnh". Với chị, điều này chẳng liên quan gì tới sự yếu đuối hay mạnh mẽ bởi vốn dĩ đó là lẽ tự nhiên.
"Đàn ông và đàn bà là âm dương, mà âm dương thì phải cần nhau chứ. Đó là sự cần nhau tự nhiên chứ không phải cần lý trí soi xét xem tôi cần anh hay anh cần tôi. Điều đó giúp cho chúng ta cân bằng cuộc sống. Nếu mình có một người đàn ông trong vai người anh, một người bạn hay lúc cần nữa là một người tri kỷ thì hạnh phúc lắm chứ. Tất nhiên, nếu nói theo hướng tích cực thì chúng ta cũng phải tập sống một mình. Chị cũng vậy, như những người phụ nữ khác. Nếu chúng ta có một người đàn ông thực sự là một đấng trượng phu đó là điều đáng quý".
Trong buổi trò chuyện, thi thoảng Thanh Lam lơ đãng đưa tay trêu đùa chú mèo nhỏ và mỉm cười hạnh phúc. Người ta nói rằng, người phụ nữ hạnh phúc sẽ là người phụ nữ đẹp nhất. Vì hạnh phúc nên họ luôn nở nụ cười, đôi môi tự khắc sẽ thắm, đôi gò má sẽ tự ửng hồng và đôi mắt sẽ long lanh. Và Thanh Lam cũng đang ở trong những khoảnh khắc đẹp nhất của cuộc đời mình.
Vẫn luôn dùng tác phẩm để nói chuyện với người hâm mộ, dùng giọng hát giao tiếp với khán giả nhưng lần này Thanh Lam lại quyết định công khai người đàn ông của mình - bác sĩ Bùi Tiến Hùng. Mặc dù chị nhắn nhủ rằng: "Mình nói về nhạc thôi, chị ngại nói chuyện yêu đương lắm" nhưng khi nhắc đến anh, người ta vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc khó có thể giấu nơi đáy mắt người đàn bà từng trải.
Người đàn bà đẹp thú thật mọi việc đến với chị hết sức tự nhiên, chẳng hề có sự sắp đặt:"Chị chẳng tính toán gì trong chuyện tình cảm. Ví dụ mình gặp một người mà mình có thiện cảm, có cùng giá trị sống thì trước tiên có thể làm bạn với nhau".
Gặp nhau ở độ tuổi ngoài 50, tình yêu của họ không phải là tình yêu sét đánh, mà đó là sự bồi đắp lâu dài bắt đầu từ sự cảm mến, quý trọng. Anh bắt đầu cảm mến chị từ giọng hát, chị bắt đầu thiện cảm với anh vì sự hiểu biết và tài năng. Rồi họ yêu nhau như thế.
Đi qua những cuộc tình, đi qua những xúc cảm của hạnh phúc lẫn đau đớn, Thanh Lam nhận ra rằng hãy cho tình yêu một bầu không khí tự nhiên nhất để nó mạnh mẽ lớn lên. Có lẽ vì thế, tình yêu của chị ở tuổi 50 chẳng dữ dội như như lửa, cũng chẳng phiêu diêu bay bổng như khí hay lãng mạn sâu lắng như nước. Nó bình yên, êm ả như cơn gió mát lành buổi sớm mai mà ai cũng khao khát được hít đầy khoang phổi.
Chị yêu những buổi chiều bình yên bên mâm cơm cùng anh, chị yêu những khoảnh khắc trò chuyện với bạn trai về cuộc đời, yêu những giây phút bên nhau nhìn chú mèo con đùa nghịch, yêu hơn những sáng mai được nhìn thấy người mình yêu thương. Hóa ra, đi qua những cuộc tình dữ dội, đi qua những sóng gió, người ta lại chỉ thèm những giây phút giản đơn đến như vậy.
Bước vào độ tuổi 50, chị chẳng có nhiều suy nghĩ về chuyện kết hôn như nhiều người giục giã. Dẫu anh mong muốn gắn bó với chị đến hết cuộc đời, chị lại không đặt nặng quá nhiều về những vấn đề đó. Bởi với chị, cứ bên nhau, cứ yêu nhau, cứ truyền cho nhau những nguồn năng lượng tích cực để bản thân tốt hơn mỗi ngày, còn chuyện tương lai thì để ngày mai trả lời.
Trong căn phòng khách nằm lặng lẽ bên Hồ Tây một chiều hè oi nóng ấy, cái cách anh chị ở bên nhau, cách chị nhẹ giọng "dạ thưa, vâng ạ" khi người thương cất tiếng gọi "Lam ơi", tựa như có cơn gió mát rượi thổi qua tâm hồn. Chẳng còn hình ảnh một người Thanh Lam dữ dội trên sân khấu, ở đây, chỉ đơn giản là một người đàn bà đang yêu và được yêu mà thôi!