Từ lâu, hình thức yêu qua mạng đã dần trở nên phổ biến. Nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm "chân ái" bên ngoài nhưng lại may mắn tìm được tình yêu của đời mình trên mạng. Cuộc sống ngày càng hối hả, mọi người dành nhiều thời gian online hơn. Chính vì vậy nên các ứng dụng hẹn hò càng được ưa chuộng và một trong những "chiếc app" giúp kết nối các cặp đôi với nhau nổi tiếng chính là Tinder, chỉ cần vài cú "quẹt" đã tìm được người yêu. Yêu đương đơn giản thế này hỏi sao người ta lại không thích Tinder?
Thế nhưng, yêu qua mạng cũng gặp rất nhiều rủi ro và phổ biến nhất là nạn lừa đảo vì ai dám chắc thông tin trên profile là sự thật 100%. Nhiều người tìm được tình yêu nhờ Tinder nhưng cũng có không ít cô gái, chàng trai ôm nỗi cay đắng vì bị "tình ảo" lừa đảo. Đó cũng là câu chuyện thật trong bộ phim tài liệu "The Tinder Swindler" vừa lên sóng Netflix và nhanh chóng gây xôn xao mạng xã hội.
Một trong những nữ chính trong vụ lừa đảo trên là Cecilie Fjellhoy, 29 tuổi, người gốc Na Uy nhưng sinh sống tại London, Anh. Trong lúc dùng Tinder vào năm 2018, cô nàng đã vô tình "quẹt" trúng một đối tượng được cho là người thừa kế của tỷ phú kim cương tên Simon Leviev và vui mừng nghĩ đó là bạch mã hoàng tử của mình. Thế nhưng, Leviev thực tế là một cơn ác mộng đối với Fjellhoy vì sau đó, hắn đã lừa mất của cô số tiền 250.000 USD (5,6 tỷ đồng).
Ngoài Fjellhoy, 2 nạn nhân khác của Leviev là Pernilla Sjoholm, giám đốc marketing người Thụy Điển và Ayleen Charlotte, một tín đồ thời trang gốc Hà Lan.
"Tôi đã rung rinh khi nhìn ảnh đại diện của Leviev vì anh ta sở hữu diện mạo đúng gu tôi" - Fjellhoy nói trong phim tài liệu.
Fjellhoy đã bị "đổ" bởi vẻ bảnh bao và hào nhoáng của Leviev.
Fjellhoy hối hận vì đã nhìn nhầm người.
Trong bức ảnh ấy, Leviev xuất hiện chỉn chu trong bộ vest thanh lịch, ngồi trên bãi biển nhấp ngụm cocktail. Sự sang chảnh ấy đã khiến Fjellhoy không mảy may nghi ngờ gì mà tin Leviev chính là "Hoàng tử kim cương".
Để thêm phần chắc chắn, Fjellhoy gõ tên "Simon Leviev" trên thanh tìm kiếm của Google và thật ra kết quả trả về một vị tỷ phú, ông trùm kim cương người Nga - Israel, Lev Leviev, hay còn được gọi là "vua kim cương". Fjellhoy ngây thơ tin rằng đó chính là bố của Simon vì cả hai cùng họ Leviev mà không biết rằng 2 người chẳng có quan hệ gì với nhau. Ông Lev không hề có con trai tên Simon.
"Anh ta như thể đến từ một thế giới hoàn toàn khác biệt so với tôi và điều đó khiến tôi nghĩ rằng sẽ rất tuyệt nếu được gặp một người như thế ngoài đời" - Fjellhoy nói.
Tình yêu với "Hoàng tử kim cương"
Sau vài lần hẹn hò, bao gồm đi du ngoạn bằng chuyên cơ cùng nhau, Leviev đã đề nghị Fjellhoy làm bạn gái của mình và thậm chí còn gọi cô là "vợ tương lai". Tuy nhiên, vì tính chất công phải việc thường xuyên di chuyển đó đây của Leviev nên phần lớn mối quan hệ của họ đều diễn ra thông qua tin nhắn và cuộc gọi. Leviev nói với Fjellhoy rằng công việc của anh ta khá nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều kẻ thù không xác định.
Leviev lấy đó làm lý do anh ta không thể sử dụng thẻ tín dụng vì sẽ bị kẻ thù theo dõi và nhờ Fjellhoy cho mượn chiếc thẻ ngân hàng của cô để dùng tạm trong 2 tuần.
"Tôi là bạn gái của anh ấy nên chuyện giúp đỡ lẫn nhau là hiển nhiên" - Fjellhoy nói. Bản thân cô gái trẻ cũng không có lý do gì để nghi ngờ Leviev vì trong những buổi hẹn hò xa xỉ trước, anh ta đều là người trả tiền. Fjellhoy tin chắc một tỷ phú như Leviev sẽ không bao giờ lừa mình. Thế là trong vòng 1 tháng, Fjellhoy đã cho bạn trai mượn khoảng 100.000 USD (2,2 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Trong lúc Fjellhoy nghĩ mình đang giúp đỡ bạn trai đầu tư cho sự nghiệp riêng thì thực tế, Leviev đang dùng số tiền ấy để nhắm đến một mục tiêu mới trên Tinder là Sjoholm.
Sjoholm trở thành nạn nhân tiếp theo của Leviev sau Fjellhoy.
Không lâu sau, Fjellhoy cho bạn trai vay tổng cộng 250.000 USD trước khi nhận được một tấm séc 500.000 USD (hơn 11 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) từ Leviev nhưng đáng tiếc, đó chỉ là một tờ giấy vô giá trị. Quá bối rối, Fjellhoy đã gọi cho ngân hàng và tìm đến 2 công ty nhờ hỗ trợ. Fjellhoy kể rằng sau khi nhìn thấy ảnh của Leviev, họ nhìn nhau và nói: "Chính là gã đó".
"Họ bảo rằng hắn ta là một kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, mọi thứ đều là giả dối. Leviev chẳng phải là hoàng tử kim cương hay con trai của tỷ phú gì cả. Người đàn ông tôi yêu không hề tồn tại, hắn ngụy tạo mọi thứ. Thật khủng khiếp. Tôi không hiểu làm thế nào mà con người có thể làm ra chuyện tồi tệ thế này" - Fjellhoy nói trong đau đớn.
Nạn nhân chìm ngập trong nợ nần và ý định tự tử
Sau đó, Fjellhoy trở về thủ đô Oslo, Na Uy, để sống với mẹ. Cú sốc bị "tình ảo" lừa và gánh trên vai món nợ quá lớn khiến cô gái trẻ rơi vào khủng hoảng tinh thần, nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử, phải tìm đến bệnh viện tâm thần để nhờ giúp đỡ. Trong lúc đó, Fjellhoy liên hệ với ngân hàng để tìm hiểu thêm thông tin về kẻ lừa đảo. Tên thật của hắn là Shimon Hayut, từng bị bắt vào năm 2015 vì lừa tiền của 3 phụ nữ Phần Lan.
"Tôi phải ngăn hắn ta lại" - Fjellhoy nói. Thế là cô nàng tìm đến một trang báo Na Uy Verdens Gang và gửi cho phóng viên ở đó một tài liệu 400 trang ghi lại những đoạn tin nhắn của cô và tên Hayut.
Nhờ vào thông tin của Fjellhoy, cánh nhà báo đã tìm được mẹ của Hayut tại Israel. Bà cho biết 2 mẹ con mình đã không liên lạc được với nhau suốt nhiều năm. Cảnh sát Israel xác nhận Hayut là người gốc Israel từng bỏ trốn vào năm 2011 trong lúc chờ tòa đưa ra án phạt cho hành vi lừa đảo, cướp bóc. Hắn từng ngồi tù ở Phần Lan từ năm 2015 - 2017 vì tội lừa đảo nhiều người phụ nữ. Sau khi mãn hạn tù, Hayut bị trả về quê nhà Israel.
Với một chiếc hộ chiếu giả, Hayut lẩn trốn lần nữa và tìm những "con mồi" mới, đó là Fjellhoy, Sjoholm và Charlotte, dùng tiền lừa đảo để cung phụng cuộc sống xa hoa của hắn. Bộ phim tài liệu cho rằng Hayut đã lừa được số tiền lên đến 10 triệu USD (227 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) từ ít nhất hàng chục nạn nhân, hoặc có thể nhiều hơn.
Nói trong phim tài liệu, nhà báo điều tra vụ việc cho biết họ đã nhận được liên lạc từ rất nhiều nạn nhân của Hayut đến từ khắp nơi trên thế giới. Cảnh sát tại ít nhất 7 quốc gia đã nhận báo cáo liên quan đến tên này.
Tuy nhiên, vì Hayut sử dụng thẻ tín dụng của người khác để du ngoạn nên rất khó để xác định vị trí chính xác của hắn. Thêm nữa, các nạn nhân sống rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau, mỗi vụ án được xác định là nhỏ lẻ nên phía cảnh sát từng địa phương không thể dồn hết tiềm lực để điều tra.
Nhưng nhờ vào thông tin do Fjellhoy, Sjoholm và Charlotte cung cấp, Interpol đã bắt được Hayut tại Hy Lạp vào năm 2019. Hắn bị kết án 15 tháng tù giam cho hành vi lừa đảo tại Israel. Thế nhưng, đến tháng 5/2020, Hayut được trả tự do sớm vì lo ngại bùng phát Covid-19 ở nhà tù.
Hiện tại, kẻ lừa đảo - Hayut, có thể trở lại cuộc sống bình thường tại Israel nhưng Fjellhoy cùng các nạn nhân khác của hắn vẫn bị "trói chân" bởi nợ nần, làm việc cật lực để ngoi lên khỏi vũng bùn mà họ đã bị Hayut đẩy vào.
"Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là đưa mọi chuyện ra ánh sáng. Một khi thế giới đã biết được mặt mũi và danh tính của Hayut thì hắn sẽ không thể lừa thêm bất kỳ ai nữa" - Sjoholm nói trong phim tài liệu.
(Nguồn: NY Post)
https://afamily.vn/quet-tinder-trung-hoang-tu-kim-cuong-co-gai-tuong-doi-doi-cho-den-khi-nhan-to-sec-hon-11-ty-dong-lanh-hau-qua-be-bang-chi-muon-tu-tu-20220209153603545.chn