Chuyên mục  


Những ngày cuối năm, công việc của Nguyễn Ánh Hoa, 26 tuổi, bận rộn hơn. Vừa kinh doanh mỹ phẩm, vừa làm sale du lịch, Hoa phải sắp xếp và lên kế hoạch chính xác, không quên theo dõi sức khỏe. Khoảng thời gian này, Hoa cũng nhạy cảm hơn khi nhớ về cú sốc 14 năm trước.

"Tôi là bệnh nhân ung thư khi mới 12 tuổi", cô nói hôm 25/11.

Ngày 25 Tết năm 2010, Hoa bị sốt cao, "đến mức không thể tự ngồi dậy", phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Lúc này, căn bệnh ung thư máu đã len lỏi trong cơ thể. Từ một đứa bé năng động, khỏe mạnh, Hoa nằm bẹp dí sau những đợt truyền hóa chất. May mắn, quá trình điều trị của Hoa đi đúng phác đồ dự định, bác sĩ tuyên bố không còn tế bào ác tính vào cuối năm ngoái.

Ung thư như "bẻ lái" cuộc sống của cô gái theo ngả khác. 14 năm điều trị, người bệnh không thể tránh tình trạng hỗn loạn cả về thể chất, tinh thần và nỗi bất an tương lai.

"Từ khi bị bệnh, tôi hiểu chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào và luôn phải lắng nghe cơ thể để kịp thời nhập viện, tránh biến chứng", Hoa nói. Không còn cảm giác vô tư về cuộc sống là một trong những cảm xúc khó chấp nhận nhất, người phụ nữ chia sẻ thêm.

Tương tự, Hưng, 28 tuổi, ở Hà Nam, nhận tin bị ung thư dạ dày năm 2022, đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ bộ phận này và hóa trị. Các bác sĩ thông báo cơ thể anh không còn tế bào ung thư vào đầu năm ngoái, nhưng chàng trai không cảm nhận được niềm vui từ tin tốt này.

Sau phẫu thuật, anh mất cảm giác ăn uống ngon miệng, thường xuyên mệt mỏi, nôn ói, rơi vào tình trạng mất ngủ, nhớ nhớ quên quên. Hưng phải bỏ kỳ thi cao học, nghỉ việc, về quê sống cùng bố mẹ vì không có đủ kinh tế cũng như sức khỏe để "trụ" lại Hà Nội.

"Tôi thực sự bị suy sụp tinh thần, không tìm thấy hứng thú và niềm vui về cuộc sống như trước kia. Đặc biệt là cảm giác phải sống dựa vào bố mẹ già trong khi ở tuổi này bạn bè đã lập gia đình, có sự nghiệp, phụng dưỡng đấng sinh thành", Hưng nói, chia sẻ thêm hiện anh phải điều trị ngoại trú bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.

Bác sĩ Tỵ và kíp mổ đang phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Ước tính hơn 300.000 người Việt đang sống chung với bệnh ung thư. Số bệnh nhân có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2018 ghi nhận 165.000 bệnh nhân mới, năm 2020 con số này là 182.000, số tử vong 122.690 trường hợp. Ba loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là phổi, gan, dạ dày, đều là bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

Ung thư từng được coi là căn bệnh của tuổi già, nhưng ngày càng trẻ hóa. Nghiên cứu gần đây trên BMJ Oncology cho thấy các trường hợp mắc mới ở nhóm 15-40 tuổi tăng 79% trong ba thập kỷ qua. Hiện Việt Nam chưa có thống kê chính xác về số người trẻ mắc ung thư, song các bệnh viện ghi nhận nhóm này ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhờ các phương pháp điều trị ngày càng tiến bộ, thời gian sống của bệnh nhân cao, nhiều người khỏi bệnh hoàn toàn.

Dù vậy, Karen Knudsen, giám đốc điều hành của Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết các phương pháp điều trị có thể gây ra các tác dụng phụ, gồm các vấn đề về tim mạch, trí nhớ, rối loạn lo âu, trầm cảm... Mỗi cơn đau hoặc lần chụp mới có thể báo hiệu ung thư quay trở lại. Những người mắc ung thư khi còn nhỏ nguy cơ già nhanh hơn và chết sớm hơn những người không mắc.

Tương tự, Bác sĩ Ngô Văn Tỵ, Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định các bệnh nhân trẻ thường vật lộn với nỗi ám ảnh khối u tái phát, các phương pháp điều trị hóa chất, xạ trị gây tác dụng phụ, thậm chí "dao kéo có thể rút ngắn thời gian sống". Những người bệnh lớn tuổi, đang nghỉ hưu, có nhiều trải nghiệm cuộc sống, con cái đã trưởng thành, an toàn hơn về tài chính, do đó họ dễ dàng chấp nhận tin xấu hơn. Ngoài ra, họ có những người bạn đồng trang lứa mắc bệnh, làm vơi bớt cảm giác đơn độc.

Trong khi nhóm bệnh nhân ngoài 20, 30, 40 chưa ổn định tài chính, mang nhiều lo lắng về tình yêu, hẹn hò, tình dục, sự nghiệp, nuôi dạy con cái, trách nhiệm với bố mẹ già,...

Thực tế, các nghiên cứu thường bỏ qua bệnh nhân ở độ tuổi 20, 30 và 40, theo Alison Silberman, Giám đốc điều hành của Stupid Cancer, nhóm hỗ trợ dành cho người mắc ung thư trẻ tuổi ở Mỹ. Vì còn nhiều điều cần trải nghiệm, nhu cầu "sống" của họ lớn và phức tạp hơn. Tuy nhiên, cộng đồng y khoa chưa chú ý đến chất lượng cuộc sống người bệnh sau điều trị. Tiến sĩ Silberman cho rằng mối quan tâm về giáo dục, tài chính, xã hội của họ thường bị bỏ qua, rơi vào "vùng xám" của các cuộc thảo luận y khoa. Điều này khiến người bệnh ở thế bị động.

"Các câu hỏi đặt ra quá muộn. Nhiều người thắc mắc về khả năng sinh sản sau điều trị, cách duy trì mối quan hệ xã hội hay tiếp tục đi học, làm thế nào để lập khoản chi sau chữa bệnh hoặc thích nghi với công việc trở lại. Các chuyên gia cần nghĩ đến những việc này sớm hơn", tiến sĩ Silberman nói.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K khuyên người trẻ sau khỏi ung thư luôn giữ tinh thần lạc quan, làm việc phù hợp thể trạng, sức khỏe, dành thời gian cho gia đình hoặc công việc ưa thích.

Không nên quá lo lắng, dẫn dến bỏ bê bản thân. Nếu bị căng thẳng quá mức, bạn có thể tìm các chuyên gia tâm lý để được trị liệu bằng những kỹ thuật như chấp nhận và cam kết, giúp buông bỏ sợ hãi, tập trung vào hiện tại.

Sau biến cố bệnh tật, bệnh nhân ung thư cần được động viên và cung cấp thông tin điều trị đúng đắn, từ đó vực dậy và sống một cuộc đời tốt đẹp, ý nghĩa hơn.

Ánh Hoa luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ để truyền cảm hứng tích cực đến mọi người. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần đây, khi đến bệnh viện tái khám, Hoa không còn lo sợ khi nhìn dòng chữ "Khoa Ung Bướu". Thay vào đó, cô lạc quan, cười nhiều hơn với quan điểm "Sống chết có số, phía trước là tương lai, phía sau là gia đình".

Cô xây dựng lẽ sống mới cho mình bằng cách tham gia các chương trình cộng đồng của những tổ chức chống ung thư uy tín để học hỏi và lắng nghe cách đồng bệnh vượt qua cuộc chiến. Nhờ đó, Hoa nhận ra khát vọng sống tiếp của bệnh nhân rất mãnh liệt. Hoa đi du lịch nhiều hơn, chấp nhận "vết sẹo" của mình. Cô làm nhiều nghề, mở rộng quan hệ để tự tin hơn, không trách cuộc đời bất công với mình nữa.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020