Chuyên mục  


Theo báo cáo kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), An Khang có 326 nhà thuốc hoạt động vào cuối tháng 10, con số này giữ nguyên suốt ba tháng qua. Điều này cho thấy chuỗi này đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc.

So với đầu năm, chuỗi này đã đóng cửa 201 nhà thuốc, tương đương giảm 38%. Cao điểm cho đợt tinh gọn mạng lưới diễn ra trong tháng 7 khi họ giảm 94 điểm bán.

Trong cuộc họp nhà đầu tư hồi tháng trước, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi nhà thuốc An Khang - cho biết họ tái cấu trúc chuỗi nhà thuốc với hai giai đoạn. Trong bối cảnh chung của thị trường, trước hết công ty thu gọn mô hình để vận hành với chi phí thấp nhất. Đó là lý do thời gian qua chuỗi đóng hơn 200 cửa hàng.

Sau quá trình này, doanh thu trung bình mỗi điểm bán của An Khang tăng liên tục từ tháng 9. Lợi nhuận cũng cải thiện khi mức lỗ trong tháng 9 giảm một nửa so với thời điểm trước khi tái cấu trúc.

"Giai đoạn tinh gọn đã hoàn tất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ gia tăng doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc và giảm lỗ", lãnh đạo này khẳng định.

Một nhà thuốc An Khang tại TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Sang giai đoạn tiếp theo, MWG sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh. Ông Hiểu Em nói không loại trừ việc tìm cơ hội gia tăng nguồn lực từ bên ngoài cho chuỗi nhà thuốc về danh mục sản phẩm, chuyên môn dược sĩ hay vận hành hệ thống. Theo ông, điều này cần thiết khi dược phẩm là một ngành đặc thù.

Trước đó, MWG cũng nêu quan điểm bán lẻ dược phẩm có hai yếu tố then chốt cần cải thiện là tính sẵn sàng, đủ về lượng thuốc so với nhu cầu khách hàng và trình độ của dược sĩ. Đây là hai hướng chủ đạo để An Khang cải thiện trong thời gian tới.

Về dài hạn, chuỗi nhà thuốc này phải hướng tới điểm hòa vốn và có lời. Ban lãnh đạo ước tính An Khang sẽ hòa vốn cấp độ cửa hàng khi tích lũy đủ doanh thu trung bình mỗi điểm bán trên 550 triệu đồng một tháng. Nếu có thể "đem tiền về cho mẹ", chuỗi bán lẻ dược phẩm mới tính đến chuyện tăng tốc, mở rộng về sau.

9 tháng đầu năm, An Khang lỗ gần 321 tỷ đồng. Riêng quý III họ lỗ khoảng 148 tỷ do chi phí đóng cửa hàng tăng mạnh. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá MWG mạnh tay với chuỗi nhà thuốc như đã làm với Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Tuy nhiên VCBS dự báo An Khang ghi nhận biên lợi nhuận sau thuế năm nay ở mức âm 10%, dù cải thiện khoảng 5,5 điểm phần trăm so với năm ngoái.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo mức đóng góp doanh thu của An Khang vào MWG còn khiêm tốn, khoảng 2% giai đoạn 2024-2025. Nhóm phân tích này cho rằng chuỗi nhà thuốc có thể chưa mang lại lợi nhuận trong tương lai gần.

An Khang tiền thân là nhà thuốc Phúc An Khang, được MWG mua lại từ năm 2017. Thời gian qua, chuỗi bán lẻ này chưa ghi nhận lợi nhuận dương. Sau giai đoạn cao điểm của cuộc đua mở mới, họ lỗ lần lượt hơn 306 tỷ và gần 343 tỷ đồng trong 2022-2023. Nửa đầu năm nay, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc này vẫn âm hơn 172 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 834 tỷ đồng.

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài từng tham vọng mở tới 2.000 cửa hàng vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, họ ngừng mở nhà thuốc mới để điều chỉnh mô hình kinh doanh, trước khi tiến hành mở rộng mạng lưới.

Tất Đạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020