Đau là một loại tự bảo vệ của cơ thể, đồng thời nó cũng là một tín hiệu mà sức khỏe gửi đến cho chúng ta. Cảm giác đau bất thường là dấu hiệu của bệnh tim, bệnh tiểu đường và thậm chí là bệnh ung thư. Nếu như cơn đau ngày càng nghiêm trọng, hay tái phát và kéo dài thì bạn nên đến bệnh viện khám để kịp thời tìm ra nguyên nhân và không bỏ sót những tín hiệu sớm của bệnh ung thư.
Tại sao ung thư lại gây ra đau đớn?
Trên thực tế, ở giai đoạn tiền ung thư và giai đoạn đầu của ung thư các dấu hiệu không rõ ràng, do đó nhiều người không biết rằng cơn đau thực sự có liên quan mật thiết đến bệnh ung thư.
Đau do ung thư xảy ra do nhiều nguyên nhân, ví dụ như khối u phát triển nhanh chóng, chèn ép các cơ quan và mô xung quanh; cũng có thể do khối u tự vỡ, bị nhiễm trùng và hoại tử mô xung quanh; di căn, xâm lấn và phá hủy các mạch máu và dây thần kinh.
Đau đớn vì ung thư là cảm giác như thế nào? Theo giáo sư Yu Juan (công tác tại Đại học Phúc Đán, Trung Quốc), đau vì ung thư là cảm giác đau đến mức không thể chịu đựng nổi, đau đến mức muốn ngất đi.
Những cơn đau do ung thư gây ra thường rất dữ dội và lan rộng, không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn là sự dày vò tâm lý vô cùng lớn. Sự lo lắng, sợ hãi do cơn đau ung thư mang lại có thể dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi, càng làm cơn đau thêm trầm trọng, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.
Đau ở 5 bộ phận trên cơ thể, cảnh báo sự xuất hiện của ung thư
Đau là một trong những dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh ung thư, khi bị ung thư, cơn đau có thể xuất hiện ở một số bộ phận trên cơ thể vì thế bạn cần hết sức lưu ý.
1. Đau đầu
Những cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, kéo dài và tái phát, cần cảnh giác với bệnh u não. U não xuất hiện khi có tế bào bất thường hình thành bên trong não. Khối u não ác tính bắt nguồn từ não được gọi là ung thư não nguyên phát. Một khối u não do bệnh ung thư khác của cơ thể lan rộng vào não được gọi là ung thư não thứ phát, hay còn gọi là di căn não.
Đau đầu trầm trọng là triệu trứng phổ biến, có thể bắt gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân u não. Người bệnh thường cảm thấy đau nhiều vào sáng sớm và nửa đêm; đau dai dẳng, lặp lại hàng ngày, càng ngày càng đau nhiều hơn về cả cường độ và thời gian.
Ngoài đau đầu, khối u não có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, rối loạn chức năng vận động, co giật, thay đổi thị lực, giảm thính lực và suy giảm chức năng nói.
2. Đau bụng
Đau bụng thường xuyên, không giảm đau dù uống thuốc tiêu hóa. Theo thời gian, cơn đau ngày càng nghiêm trọng kèm theo cảm giác đại tiện không dứt, có thể liên quan đến ung thư dạ dày, ung thư trực tràng, ung thư gan, ung thư tụy, ung thư dạ dày.
Trong đó:
- Ung thư dạ dày:
Biểu hiện là đầy bụng trên, khó chịu hoặc đau âm ỉ, kèm theo các triệu chứng như trào ngược dạ dày, ợ hơi, chán ăn. Rất dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm dạ dày hoặc loét dạ dày. Nên đi nội soi dạ dày hoặc làm xét nghiệm để phát hiện gen nhạy cảm với ung thư dạ dày.
- Ung thư trực tràng:
Hầu hết các triệu chứng là đau âm ỉ vùng bụng bên phải, đau bụng dữ dội hơn sau bữa ăn; xuất hiện thêm các triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện, có máu trong phân, sụt cân, mệt mỏi, các dấu hiệu này rất dễ chẩn đoán nhầm là bệnh trĩ.
- Ung thư gan
Cảm giác đau chủ yếu tập trung ở phần bụng bên phải, biểu hiện là đau âm ỉ dai dẳng, đau quặn thắt hoặc đau nhói, mệt mỏi hoặc đau nhiều hơn vào ban đêm, kèm theo chướng bụng, nặng bụng, vàng da, sụt cân.
- Bệnh ung thư tuyến tụy
Chủ yếu đau tập trung ở vùng giữa và bụng trên, vị trí đau tương đối cố định, dai dẳng và tăng dần, cơn đau có thể lan xuống mạng sườn và thắt lưng, kèm theo chướng bụng, khó tiêu, vàng da, sụt cân và các triệu chứng khác.
3. Đau vai
Đau vai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ngủ sai tư thế và thoái hóa đốt sống cổ. Thực tế, đó cũng là dấu hiệu của các khối u ác tính, chẳng hạn như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan...
Hơn nữa, đau mỏi vai gáy ở các bộ phận khác nhau có liên quan đến các bệnh lý khác nhau. Đau vai phải có thể do viêm túi mật và sỏi mật; đau vai trái có thể do đau thắt ngực và đau quặn mật.
4. Đau thắt lưng
Triệu chứng đầu tiên của một số bệnh nhân ung thư tuyến tụy là đau thắt lưng. Lúc mới phát bệnh chỉ là đau lưng nhẹ, không có vấn đề gì. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, tình trạng đau thắt lưng ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt khi thay đổi tư thế cơ thể như nằm ngửa thì cơn đau biểu hiện rõ nhất, khi nằm nghiêng có thể giảm đau.
Nguyên nhân ung thư tuyến tụy gây đau thắt lưng là do tuyến tụy phân bố ở rất nhiều đám rối thần kinh, khi đám rối thần kinh bị tế bào ung thư xâm nhập sẽ giải phóng cảm giác đau, dẫn đến đau thắt lưng. Ngoài ra, ung thư tuyến tụy còn có các biểu hiện như tiêu chảy, chán ăn, vàng da, sụt cân rõ rệt, mệt mỏi, phù chân tay cục bộ.
5. Đau xương
Đau xương không chỉ là do các vấn đề về khớp mà cũng có thể liên quan đến ung thư xương. Ung thư xương thường gặp nhất ở thanh thiếu niên từ 10-25 tuổi và nguyên nhân chính là do đột biến gen, kích thích hóa học, bức xạ ion hóa.
Dữ liệu cho thấy ung thư xương chiếm khoảng 15% -20% các khối u ở trẻ em. Đau xương do ung thư xương có đặc điểm là đau dai dẳng và nặng dần ở khớp gối, cơn đau đặc biệt rõ rệt về đêm, dùng thuốc giảm đau không hiệu quả.
https://afamily.vn/nhung-nguoi-sap-bi-ung-thu-thuong-cam-thay-dau-o-5-bo-phan-tren-co-the-chi-bi-dau-o-1-diem-cung-can-phai-di-kham-khan-cap-20220126181128423.chn