Cheryl Man dường như luôn là người duy nhất đeo khẩu trang khi đi tàu điện ngầm ở thành phố New York, Mỹ. Cô biết điều này và mọi người khác cũng chú ý đến nó. Thỉnh thoảng, cô nhận được những ánh nhìn khó hiểu từ xung quanh. Trên đường đến trường vào sáng ngày 24/3, Cheryl bị một nhóm thanh niên chế nhạo và giả vờ ho về phía cô.
"Tôi cảm thấy nhục nhã và bị mọi người hiểu lầm" - Cheryl, cô sinh viên 20 tuổi người Hongkong hiện đang làm trợ lý nghiên cứu, nói.
Tại nơi làm việc, Cheryl cũng nhận về sự kì thị tương tự. Tại đây, cô luôn đeo khẩu trang nhưng không ai trong số đồng nghiệp của cô làm như vậy, một vài người trong số đó còn tiến đến hỏi liệu Cheryl có bị bệnh hay không.
"Tại sao mọi người lại nghĩ tôi làm việc này là chỉ vì bản thân? Đó là trách nhiệm công dân. Nếu tôi đeo khẩu trang và chẳng may nhiễm bệnh, tôi có thể tự cách ly với xã hội, điều này có thể cứu được nhiều người khác" - Cheryl nói.
Ảnh minh họa
Sau khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ của các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan... đều khuyên người dân đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tại Mỹ, việc đeo khẩu trang khi đang khỏe mạnh không được khuyến khích, thậm chí còn bị coi một hành động không được xã hội chấp nhận. Chính phủ nước này nói rằng chỉ người bệnh hoặc nhân viên chăm sóc sức khỏe mới cần phải đeo khẩu trang.
Rời đi trước khi bị phong tỏa, 5 triệu người Vũ Hán trở thành mục tiêu truy lùng và chịu đựng sự kì thị của đồng bào trong đại dịch viêm phổi
Khi dịch Covid-19 lan ra toàn cầu, 2 luồng quan điểm khác biệt về việc đeo khẩu trang được thể hiện rõ hơn nữa.
Một mặt quan điểm được chia sẻ bởi Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư tại Khoa Truyền nhiễm của Đại học Vanderbilt, nói rằng loại khẩu trang mà mọi người thường đeo không che được hết mũi, cằm và 2 bên má.
"Nếu như yêu cầu tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang thì sẽ không có đủ cho nhân viên y tế sử dụng. Môi trường y tế cần được ưu tiên sử dụng khẩu trang hơn là cộng đồng của chúng ta" - Tiến sĩ William nói thêm rằng đồng nghiệp của ông đã nhận được báo cáo về việc thiếu hụt khẩu trang.
Tuy nhiên, David Hui, một chuyên gia về thuốc hô hấp tại Đại học Hongkong và từng có kinh nghiệm nghiên cứu sự bùng phát của dịch SARS vào năm 2002-2003, cho biết việc đeo khẩu trang là cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi lây nhiễm Covid-19.
"Nếu đứng đối diện một người bệnh, khẩu trang sẽ giúp bảo vệ bạn. Khẩu trang tạo nên một rào cản để ngăn chặn giọt bắn cũng như virus" - David nói.
Ông nói thêm rằng khẩu trang đóng vai trò quan trọng trong mùa dịch bệnh. Các nhà nghiên cứu tin rằng việc lây nhiễm có thể xảy ra vào bất kì lúc nào, ngay cả khi người bệnh không có biểu hiện bệnh và bản thân họ cũng không biết mình đã nhiễm Covid-19.
Joseph Tsang, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cũng là cố vấn cho Cơ quan quản lý bệnh viện thành phố, cho biết việc đeo khẩu trang có 2 tác dụng: "Không chỉ bảo vệ bản thân khỏi việc lây nhiễm bệnh mà còn giảm bớt khả năng bị lây bệnh là mọi người xung quanh".
Ông Joseph cho biết 3 lớp bên trong khẩu trang sẽ giúp giảm khả năng tiếp xúc với giọt bắn, nơi virus ẩn náu.
"Mỗi khi nhìn thấy người nào đó đang đứng cách 2-3m, mọi người nên đeo khẩu trang vào" - ông Joseph nói thêm.
Sự khác biệt văn hóa
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khẩu trang được người dân Đông Á sử dụng rất nhiều. Người bị bệnh thì đeo để bảo vệ sức khỏe cho mọi người xung quanh còn những người khác đeo vào mùa lạnh hoặc cúm để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.
Tại Nhật Bản, mọi người đeo khẩu trang không vì lí do y tế mà chỉ để che đi đôi môi hay chiếc mũi bị sưng do dị ứng, giữ ấm trong mùa đông, theo Mitsutoshi Horii, giáo sư xã hội học tại Đại học Shumei của Nhật Bản hiện đang làm việc ở Anh, cho biết. Người Nhật còn đeo khẩu trang vải và các thể loại biến tấu hoặc số khác thì đeo cho phong cách. Hình ảnh mọi người đeo khẩu trang nơi công cộng cũng quen thuộc ở Hongkong.
Ông Mitsutoshi cũng tin rằng sự khác biệt về quan điểm đeo khẩu trang đến từ văn hóa giữa các quốc gia phương Đông và phương Tây.
"Ở phương Tây, bạn cần phải công khai bản thân và thực hiện tương tác bằng mắt, biểu cảm gương mặt là cực kì quan trọng" - ông nói.
Với các sinh viên Nhật Bản sang Anh để thực tập, ông Mitsutoshi cũng khuyên họ không nên đeo khẩu trang khi đi dạy tại trường học địa phương bởi vì việc đó sẽ làm cho bọn trẻ sợ hãi.
Bóng ma của dịch SARS nhiều năm về trước có thể giải thích được sự phổ biến của khẩu trang ở nhiều nơi, trong đó có Hongkong. Nơi đây đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 300 người tử vong, chiếm 1/3 số lượng bệnh nhân chết vì căn bệnh suy hô hấp cấp này.
"Cú sốc dịch SARS đã hình thành nên thói quen tại đây. Có thể giới trẻ không nhớ về dịch bệnh năm nào nhưng ông bà và bố mẹ họ đã trải qua nỗi sợ hãi trong quá khứ và lo sợ rằng một bệnh dịch khác sẽ bùng phát làm đảo lộn cuộc sống bình thường của họ" - Ria Sinha, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nhân văn và Y học của Đại học Hongkong, nói với TIME. Ria nói thêm rằng việc đeo khẩu trang đã trở thành một biểu tượng của sự bảo vệ và đoàn kết.
Áp lực xã hội khi đeo khẩu trang
Nữ sinh Cheryl và rất nhiều người khác sống ở phương Tây đã nhận ra rằng đeo khẩu trang sẽ khiến họ thu hút sự chú ý không mong muốn hoặc thậm chí biến bản thân họ trở thành đối tượng bị nhắm đến. Mặc dù dịch Covid-19 đang bùng phát ở Mỹ nhưng Cheryl cho biết một bộ phận bạn bè của cô đến từ Hongkong, Trung Quốc, Hàn Quốc, không đeo khẩu trang vì sợ phân biệt chủng tộc và bài xích.
Hầu hết người Hongkong đeo khẩu trang nhưng vẫn có ngoại lệ. Đơn cử như Andy Chan, 29 tuổi, nghĩ rằng việc toàn dân đeo khẩu trang sẽ tạo nên nỗi lo sợ không cần thiết.
"Mọi người nhìn tôi chế nhạo bởi vì tôi không đeo khẩu trang. Nhưng tôi nghĩ điều buồn cười nhất ở đây là mọi người đều làm quá nỗi sợ, bị điều khiển bởi cảm xúc chứ không phải khoa học" - Andy nói.
Về phía Charlotte Ho, 55 tuổi, ở Hongkong, cho biết cô không ra ngoài mua nhu yếu phẩm mà không đeo khẩu trang. Mỗi khi nhìn thấy ai đó không đeo khẩu trang, cô sẽ tự động tránh xa với lí do là để "đề phòng".
(Nguồn: Time)
Trong buổi làm việc về vấn đề chống nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế vào chiều này 24/3 vừa qua, Thứ Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi người dân nhường khẩu trang y tế cho cán bộ, nhân viên y tế trong công tác tiếp xúc, thu dung điều trị người bệnh. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang vải 3- 4 lớp ngăn ngừa giọt bắn, kháng khuẩn ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19, nên người dân có thể yên tâm sử dụng khẩu trang vải đạt tiêu chuẩn.