Người dân không phân loại rác tại nguồn sẽ phải trả phí cao hơn Ảnh: Như Ý
Phân thành 5 loại rác
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) yêu cầu người dân đô thị bắt buộc sử dụng bao bì đựng rác chuyên dụng, đồng thời phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Cụ thể, khuyến khích người dân phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành 5 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm - hữu cơ dễ phân hủy, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Mỗi một loại chất thải sẽ tương ứng với một loại bao bì chuyên dụng. Giá của các loại bao bì đựng rác sẽ khác nhau, đồng nghĩa với việc kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý mỗi loại rác sẽ khác nhau, càng thải nhiều rác, càng phải trả nhiều tiền.
"Bởi nếu phân loại rồi thì tỷ trọng chất thải sẽ giảm đi. Ví dụ, với chất thải nguy hại, khi phân loại vào túi riêng thì người dân không phải trả tiền do quy định xử lý chất thải nguy hại thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất. Còn nếu để chung vào các loại rác khác sẽ mất phí thu gom xử lý”, ông Hiền phân tích.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), cho rằng, nếu chỉ hô hào người dân phân loại rác tại nguồn sẽ rất khó khả thi, việc sử dụng công cụ kinh tế sẽ tạo động lực giúp người dân có ý thức hơn trong xả thải.
Ông Hiền cho biết, giá chi tiết của các loại bao bì sẽ được UBND cấp tỉnh, thành phố ban hành, tùy thuộc điều kiện kinh tế, xã hội và công nghệ xử lý chất thải đang áp dụng ở địa phương.
Tuy vậy, theo kinh nghiệm của các nước, giá bao bì đựng rác chuyên dụng sẽ bằng 20-50% phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Việc áp dụng sẽ thực hiện trước hết ở các đô thị lớn.
Theo ông Lương Duy Hanh, Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), việc thu phí rác ở các địa phương đang được cào bằng, như ở TP HCM, Hà Nội... Điều này không khuyến khích người dân hạn chế xả rác cũng như phân loại rác tại nguồn.
Vứt rác bừa bãi sẽ bị phạt tại chỗ
Ông Hiền nói rằng, việc phân loại tại nguồn từng được thí điểm tại một số địa phương nhưng chưa thành công. “Có những dự án người dân phân loại xong thì đổ chung vào một chỗ, nơi phân loại tại nguồn, có thùng đựng riêng nhưng khi vận chuyển thì gom chung một xe nên không thành công”.
Vì vậy, dự thảo luật lần này giao UBND cấp tỉnh đồng bộ về hạ tầng để phân loại rác từ khâu thu gom đến vận chuyển và xử lý.
Trong Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có một chương quy trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp như Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Ban quản lý tòa nhà… trong việc giám sát thực hiện. “Những người vứt rác bừa bãi, không phân loại tại nguồn có thể bị đưa lên loa phường, nếu bắt gặp trực tiếp, có thể bị xử phạt tại chỗ”, ông Hanh nói.
Để thực hiện việc này hiệu quả, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ thay đổi theo hướng công viên, bến xe, bến tàu, khu chung cư có thể ban hành quy chế bảo vệ môi trường, được niêm yết công khai. Người vi phạm như vứt rác bừa bãi, hút thuốc không đúng nơi quy định sẽ bị phạt trực tiếp tại hiện trường không cần biên bản.