Theo Sina, khi quảng bá tác phẩm hôm 22/1, Hoàng Bột cùng các tài tử đàn em Vu Thích, Vũ Á Phàm, Ngô Hán Khôn, Bách Lực Ca, Lưu Lạc Tề - đóng tráng sĩ cổ đại - nhảy điệu "Phong xà vũ", do Hoàng Bột biên đạo. Vũ điệu lấy cảm hứng câu thành ngữ Kim xà hiến thụy, mang ý nghĩa loài rắn vàng báo hiệu điềm lành, mang đến may mắn, điều tốt đẹp.
Hàng nghìn khán giả nhận xét đoạn múa vui nhộn, hài hước. Không ít người bắt chước động tác "rắn trườn", quay video đăng lên mạng xã hội.
Dàn sao múa mừng năm rắn. Video: Sina
Phong Thần phần 2 ấn định ra rạp ngày mùng một Tết Ất Tỵ, xoay quanh cuộc đấu trí, đấu sức giữa thế lực của Trụ Vương, Đát Kỷ và phía Cơ Phát, Khương Tử Nha, trong bối cảnh người dân lầm than.
Phần một (2023) từng gây sốt phòng vé, được giới chuyên môn và khán giả đánh giá tích cực về nội dung, cách kể chuyện. Theo Beijing Daily, tác phẩm tạo cú hích thúc đẩy lĩnh vực sản xuất phim sử thi Trung Quốc. Về quy mô thực hiện và độ khó, Phong Thần đạt mức cao nhất trong lịch sử sản xuất phim Hoa ngữ.
Trailer "Phong Thần" phần hai. Video: Mtime
Kịch bản do cha con nghệ sĩ Nhiễm Bình và Nhiễm Giáp Nam viết trong bốn năm, kể từ 2014. Cả hai đều giàu kinh nghiệm, trong đó Nhiễm Bình từng biên kịch Thủy Hử 1998.
Sau khi hoàn thành bản thảo, đạo diễn Ngô Nhĩ Thiện và nhà sản xuất Giang Chí Cường gửi cho các công ty nghiên cứu thị trường phân tích. Khi nhận được kết quả, êkíp mới biết hóa ra lớp khán giả 9x, khán giả sinh sau năm 2000 phần lớn chưa đọc nguyên tác Phong Thần diễn nghĩa, không biết nhiều nhân vật cơ bản trong truyện như Hoàng Phi Hổ, Thổ Hành Tôn.
Dàn chiến binh cổ đại ở phim thần thoại. Ảnh: Mtime
Sau các cuộc thảo luận, Ngô Nhĩ Thiện cho rằng nên làm phim theo hướng thần thoại, sử thi, kể chuyện tập trung vào các nhân vật quan trọng. Êkíp xác định trục phim xoay quanh Trụ Vương, Đát Kỷ, Khương Tử Nha, Ân Giao và Cơ Phát. Ngô Nhĩ Thiện yêu cầu biên kịch cải biên thành ba phần, sao cho mỗi phần có thể đứng độc lập vừa có thể liên kết với nhau.
Vu Thích, chàng trai vụt sáng nhờ phim "Phong Thần", anh đóng Cơ Phát, từng phục tùng Trụ Vương (Phí Tường đóng) nhưng sau này kháng lệnh vì sự tàn bạo của hoàng đế. Ảnh: Mtime
Yếu tố "lạ" nằm ở cách khai thác nhân vật khác biệt so với tất cả phim cũ về đề tài Phong Thần. Trong ấn tượng của nhiều người, Trụ Vương và Đát Kỷ, một kẻ bạo tàn ngu muội, một kẻ hồng nhan họa thủy. Biên kịch cho rằng nếu chỉ miêu tả nhân vật theo hướng này, phim sẽ lạc hậu.
Như Anh