Chuyên mục  


Một tập gần đây của chương trình Unanswered Questions đã hé lộ nhiều nhức nhối xung quanh công việc viết nhạc và "ghostwriting" (viết thuê) trong ngành công nghiệp Kpop; trong đó có nhắc đến một số nhạc sĩ tên tuổi thu lợi bằng cách lấy tác phẩm của người khác (đa phần là sinh viên nhạc viện) làm sản phẩm sáng tạo của riêng họ.

Unanswered Questions được người trong ngành tiết lộ rằng các nhà sản xuất và giám đốc điều hành, tức là những nhân vật cao nhất đứng đằng sau việc quyết định khâu sáng tác và phát triển album tại các công ty âm nhạc, đã nhận bài hát của người khác thành bản quyền mang tên mình và đương nhiên lấy luôn số tiền tác quyền khổng lồ.

Unanswered Questions nhận định, tác giả thực sự của một số ca khúc viết cho những ban nhạc như Exo (ảnh) có thể không bao giờ được trả công hoặc chỉ nhận thù lao rất ít ỏi.

Các ca khúc dành cho nhóm nhạc thần tượng hay các bản ballad xuất hiện trên phim truyền hình vốn mang lại lợi nhuận vô cùng lớn. Tiền công sáng tác thường được chia theo khối lượng công việc mà một nhạc sĩ hoặc người viết lời đã thực hiện. Ở đây, công sức của một số nhạc sĩ đã bị lờ đi hoặc không được thể hiện trong phần giới thiệu, vậy là bị trả công ít hơn.

Tại các học viện âm nhạc, bài tập của sinh viên được chuyển qua các công ty giải trí, thành ra các nhạc sĩ trẻ trở thành những nạn nhân, họ không được trả công một cách công bằng cho tác phẩm do chính họ làm nên mà một vài trong một số đó đã trở thành những bản hit hot nhất. Các sinh viên ngành sáng tác cũng thừa nhận chuyện thầy cô giao sáng tác của họ cho các công ty giải trí. Không phải sinh viên, các ghostwriter cũng chia sẻ rằng trên bìa đĩa, họ sẽ được ghi nhận ít công sức hơn khối lượng công việc thực tế đã bỏ ra.

Một nội dung trọng tâm khác của tập phim Unanswered Questions còn hé lộ tình tiết ban quản lý của SM Entertainment liệt kê tên người nhà vào danh sách nhạc sĩ đã chấp bút nên các bài hát, dù ban lãnh đạo công ty không hề hay biết, để đút túi thêm một khoản mà không cần phải đụng tay.

NCT 127 trong một buổi biểu diễn tại SAP Center ở San Jose, California.

Vấn đề này rất phổ biến trong ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc, khi các ghostwriter cho biết tác phẩm của họ được gửi đến các công ty và không bao giờ được ghi nhận hoặc trả thù lao xứng đáng.

Chương trình điều tra Unanswered Questions chuyên đào sâu vào các vấn đề truyền thông và xã hội, đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề như lạm dụng trẻ em hay các mặt tối của ngành giải trí.

Cuộc điều tra lần này của Unanswered Questions không phải là lần đầu tiên "bốc phốt" làng nhạc Kpop vì đã không ghi nhận đúng công sức của các nhạc sĩ và phản ánh SM Entertainment chỉ là một ví dụ điển hình của việc nhiều công ty lợi dụng những người làm nhạc chân chính.

Năm ngoái, nhạc sĩ từng đoạt giải Grammy Tiffany Red đã "gọi tên" SM Entertainment, chỉ trích rằng ông lớn này chỉ bồi thường qua loa, và đặc biệt là coi thường các nhạc sĩ da màu. Ngay lập tức, các nhạc sĩ khác cũng lên tiếng đồng tình.Sự khó chịu của nữ nhạc sĩ này không chỉ là với SM, mà còn là về cách các công ty âm nhạc hưởng lợi từ chất xám của nhạc sĩ.

Kể từ đó, cô đã kêu gọi nên cuộc vận động mang tên "The 100 Percenters" để các nhạc sĩ trên khắp thế giới được trả công xứng đáng hơn, để họ được công nhận là những người tạo ra thứ âm nhạc đó.

Tiffany Red không phải là người duy nhất không hài lòng về cách người ta đối xử với giới nhạc sĩ, về cách tác quyền và thù lao của nhạc sĩ bị chuyển sang nơi khác. Vào tháng 3, một nhóm nhạc sĩ từng tạo ra nhiều bản hit nổi tiếng nhất đã cùng nhau ra mắt tổ chức The Pact. Thư ngỏ họ chia sẻ vào ngày 31/3 nêu rõ sứ mệnh của họ là "kêu gọi các nhạc sĩ không bán quyền sản xuất hay bản quyền sáng tác cho bất kỳ ai thay đổi lời bài hát hoặc giai điệu mà không có sự trao đổi hợp lý với tất cả các tác giả của bài hát".

Thủy Tiên (Theo SCMP)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020