Chuyên mục  


Báo cáo được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 29/1 cho biết doanh số bán vũ khí thông qua hình thức giao dịch trực tiếp giữa các công ty quốc phòng nước này và chính phủ nước ngoài đạt mức 157,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2023, tăng nhẹ so với mức 153,6 tỷ USD trước đó một năm, trong khi doanh thu thông qua trung gian tăng từ 51,9 tỷ USD lên 80,9 tỷ USD.

Tổng cộng, xuất khẩu vũ khí Mỹ trong năm tài khóa 2023 đạt 238,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm ngoái và là con số cao nhất từ trước tới nay.

"Chuyển giao vũ khí và giao dịch quốc phòng là các công cụ đối ngoại quan trọng của Mỹ, có thể tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với an ninh khu vực và toàn cầu", báo cáo có đoạn.

Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh nhiều quốc gia NATO đang tích cực bổ sung khí tài để ứng phó với kịch bản xung đột Nga - Ukraine lan rộng. Ba Lan, quốc gia có chung biên giới với Ukraine, là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ trong năm qua.

Tiêm kích F-16 Mỹ tại triển lãm quốc phòng ở Seoul, Hàn Quốc tháng 10/2023. Ảnh: AFP

Nước này đã đạt thỏa thuận trị giá 12 tỷ USD để mua trực thăng chiến đấu AH-64E Apache do Washington sản xuất, cũng như bỏ 10 tỷ USD để mua pháo phản lực phóng loạt HIMARS, 4 tỷ USD cho hệ thống chỉ huy phòng không tích hợp IBCS và 3,75 tỷ USD mua xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams.

Một số thành viên NATO khác như Đức, Cộng hòa Czech, Bulgaria và Na Uy cũng đã bỏ ra hàng tỷ USD để mua trực thăng chiến đấu, tên lửa phòng không và xe chiến đấu bộ binh từ Mỹ. Các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ký một số thỏa thuận mua vũ khí lớn với Washington.

Doanh thu bán khí tài của Washington tăng mạnh trong bối cảnh Nga, đối trọng chính của Mỹ trên thị trường xuất khẩu vũ khí, dồn lực cho chiến sự Ukraine. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí của Moskva bắt đầu sụt giảm vị thế từ đầu những năm 2010 do sự cạnh tranh của Ấn Độ và Trung Quốc, cũng như bởi các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt nhằm ngăn các quốc gia khác mua thiết bị quân sự Nga.

Pháo phản lực HIMARS Mỹ khai hỏa trong cuộc tập trận chung ở Indonesia tháng 9/2023. Ảnh: AFP

Sau khi xung đột Ukraine bùng phát, Mỹ và đồng minh đã áp thêm các biện pháp trừng phạt với Moskva, khiến nước này gặp khó khăn trong việc tiếp cận với một số linh kiện công nghệ cao để chế tạo khí tài và nhận tiền từ đối tác.

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng phải tập trung nguồn lực để phục vụ nhu cầu chiến sự thay vì bán vũ khí ra nước ngoài, trong khi hình ảnh khí tài của Moskva bị phá hủy, hư hỏng trên chiến trường khiến một số khách hàng lâu năm của Nga đặt câu hỏi về chất lượng vũ khí do quốc gia này sản xuất.

Báo cáo hồi tháng 3 năm ngoái của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Nga đã giảm từ 22% trong giai đoạn 2013-2017 xuống còn 16% trong giai đoạn 2018-2022, còn Mỹ tăng từ 33% lên 40%.

Trong khi đó, tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga tháng 11/2023 khẳng định vũ khí do Moskva sản xuất đang được quan tâm nhiều hơn nhờ thể hiện hiệu quả trong cuộc xung đột tại Ukraine, trong đó có tiêm kích Su-35, trực thăng chiến đấu Ka-52, xe tăng T-90, pháo nhiệt áp TOS-1A, pháo tự hành Msta-S cùng nhiều khí tài khác.

Phạm Giang (Theo Reuters, Politico, BI)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020