Dự án có vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 15%), 85% là vốn huy động.
VinFast Hà Tĩnh sẽ tập trung sản xuất hai dòng xe VF 3 và VF 5, với các cấu phần chính như khung xe, động cơ, các linh kiện điện tử... được nhập từ nhà máy VinFast Hải Phòng. Pin xe sẽ được cung cấp một phần bởi nhà máy pin ngay tại Khu Kinh tế Vũng Áng. Sản phẩm từ nhà máy ôtô điện VinFast Hà Tĩnh sẽ được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tới các thị trường quốc tế.
Giai đoạn một, nhà máy sẽ đầu tư xây dựng ba phân xưởng sản xuất chính gồm xưởng sơn, hàn thân vỏ và lắp xe. Các xưởng khác sẽ dùng chung với nhà máy VinFast Hải Phòng và được bổ sung dần trong các năm tới tùy theo nhu cầu thực tế. Công suất thiết kế giai đoạn một là 300.000 xe một năm, dự kiến có thể bổ sung nâng lên 600.000 xe mỗi năm trong các giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu bấm nút khởi động dự án. Ảnh: Đức Hùng
VinFast Hà Tĩnh dự kiến khánh thành giai đoạn một vào tháng 7/2025, chỉ sau 8 tháng khởi động dự án. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra gần 6.000 việc làm cho lao động địa phương, có thể tăng lên 15.000, góp phần giải quyết bài toán kinh tế, an sinh xã hội cho địa phương.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết việc xây dựng thêm nhà máy sản xuất ôtô điện tại Hà Tĩnh tạo nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển quan trọng và bùng nổ sắp tới của VinFast.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ đây là sự kiện mang tầm vóc to lớn về kinh tế, thương mại đầu tư, mong muốn Hà Tĩnh tận dụng năng lực của nhà đầu tư, bằng tư duy đổi mới tạo thành một tỉnh thông minh và xanh.
"Chính phủ cam kết tạo môi trường đầu tư pháp lý thuận lợi. Trên tinh thần đó, chính quyền cần đồng lòng với doanh nghiệp, để dự án mang lại giá trị to lớn cho người dân Hà Tĩnh và cả nước", ông Hà nói.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ khởi động. Ảnh: Đức Hùng
Bên cạnh nhà máy sản xuất ôtô điện, tại Hà Tĩnh, Vingroup cũng đầu tư một số dự án quy mô lớn khác. Cuối năm 2021, tập đoàn này đã xây dựng nhà máy pin xe điện VinES ở Vũng Áng trên diện tích gần 13 ha và bắt đầu cung cấp những sản phẩm đầu tiên cho mẫu VF6 từ giữa năm ngoái. Đồng thời, Vingroup cũng muốn đầu tư dự án cảng biển, logistics (vốn 40.000 tỷ đồng) và khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tại khu kinh tế Vũng Áng.
Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006, hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Trong đó, một số dự án lớn như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa với tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 10 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD...
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế đa chức năng với các trụ cột như công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển...
Đức Hùng