"Hội đồng Bảo an (HĐBA) là sân chơi quốc tế rất quan trọng và bản sắc chính là yếu tố định vị cho Việt Nam trong các cuộc thảo luận", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói trong họp báo quốc tế tại Hà Nội chiều nay về kết quả Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021.
Đánh giá Việt Nam đã có nhiệm kỳ thành công tại HĐBA, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng bản sắc riêng của Việt Nam góp phần tạo nên giá trị mang tính lâu dài cho đất nước trong giải quyết các quan hệ toàn cầu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết bản sắc của Việt Nam có thể gói gọn trong chính thông điệp đưa ra ngay từ đầu trong logo là "đối tác vì hòa bình, bền vững".
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trong cuộc họp báo tại Hà Nội chiều nay. Ảnh: Vũ Anh.
Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, từng phải trải qua nhiều năm chiến tranh với vô vàn máu và nước mắt, Việt Nam luôn mong muốn truyền tải thông điệp yêu chuộng hòa bình, sẵn sàng đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng của thế giới.
Ông cho biết các giải pháp Việt Nam thúc đẩy trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA đều căn cứ vào luật pháp quốc tế, chú trọng ngăn ngừa, giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, đề cao cách tiếp cận tổng thể để có nền hòa bình bền vững, lâu dài.
"Sự khác biệt giữa các nước thành viên, đặc biệt là các nước Ủy viên thường trực HĐBA, đã gây ra những thách thức không nhỏ trong tìm kiếm đồng thuận chung. Cách tiếp cận của Việt Nam là nhất quán, luôn xuất phát từ lợi ích chung, dựa trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", Bộ trưởng nói về cách Việt Nam dung hòa những vấn đề bất đồng giữa các nước thành viên HĐBA.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn còn chỉ ra hàng loạt dấu ấn của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021, trong đó nổi bật là thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Phiên thảo luận mở do Việt Nam chủ trì về Hiến chương Liên Hợp Quốc tháng 1/2020 đã thu hút 111 đại diện các nước và tổ chức quốc tế tham gia, phát biểu, con số cao kỷ lục với một cuộc họp của HĐBA. "Điều đó cho thấy quan tâm của Việt Nam có sự hài hòa, đồng điệu với quan tâm, lợi ích chung của cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp bền vững và toàn diện cho xung đột, Việt Nam đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573, nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu với người dân trong xung đột.
Đây là một trong số rất ít nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên HĐBA đồng bảo trợ, phản ánh đồng thuận cao của tổ chức này.
Việt Nam cũng đã thể hiện sự cân bằng, minh bạch, trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc chung, giảm thiểu khác biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, nhất là trong vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020 và tháng 4/2021, cũng như Chủ tịch Ủy ban về Nam Sudan, ông Sơn nhấn mạnh.
Là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, HĐBA được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ hai năm.
Việt Nam từng là thành viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009 và đảm nhận vai trò chủ tịch HĐBA vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Ngày 7/6/2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA, đảm nhận nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu 192/193.
Vũ Anh