Truyền thông Mỹ ngày 29/10 dẫn lời các quan chức giấu tên nước này tiết lộ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy đã yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa hành trình đối đất Tomahawk để tạo "gói răn đe phi hạt nhân" trong xung đột với Nga. Đây là chi tiết chưa từng được công bố về các điều khiển trong "Kế hoạch Chiến thắng" được ông Zelensky công bố hồi giữa tháng.
"Đó là yêu cầu hoàn toàn bất khả thi. Nó có tầm bắn gấp hơn 7 lần tên lửa đạn đạo ATACMS được Mỹ chuyển cho Ukraine. Thực tế Washington cũng chỉ viện trợ cho Kiev số lượng rất giới hạn tên lửa ATACMS", một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Kiev chưa thể đưa ra lập luận thuyết phục về cách sử dụng vũ khí viện trợ, trong khi danh sách mục tiêu tại Nga do Ukraine đề xuất đã vượt xa số lượng tên lửa mà Mỹ có thể cung cấp.
Tên lửa Tomahawk phóng từ tàu chiến Mỹ trong cuộc diễn tập ở Thái Bình Dương năm 2019. Ảnh: US Navy
Bốn quan chức Mỹ thêm rằng ông Zelensky "rất ngỡ ngàng" trong cuộc gặp Tổng thống Joe Biden hồi tháng 9, khi ông chủ Nhà Trắng khẳng định không cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa của Mỹ để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga.
Văn phòng Tổng thống Ukraine xác nhận ông Zelensky bị bất ngờ trước quyết định của Tổng thống Biden. Dmytro Lytvyn, cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết Ukraine đã nhiều lần giải thích lý do vì sao cần sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ. "Mọi chi tiết, danh sách mục tiêu và lập luận đều được gửi tới Mỹ. Không may là vẫn chưa có quyết định chính trị nào", ông nói.
Kiev chưa bình luận về thông tin ông Zelensky đề nghị Washington chuyển giao tên lửa Tomahawk.
Giới chức Mỹ chưa lên tiếng về thông tin.
Tomahawk có biệt danh là "sứ giả chiến tranh" do chúng thường được Mỹ khai hỏa để đánh phủ đầu đối phương trong nhiều cuộc chiến tranh. Tên lửa có tầm bắn tối đa 1.600-2.400 km tùy biến thể, mang đầu đạn với nổ mạnh hoặc đạn chùm nặng 450 kg, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh (GPS) và có giá 1,8-2 triệu USD mỗi quả.
Ngoài Mỹ, Anh là quốc gia duy nhất có kho dự trữ tên lửa Tomahawk đáng kể. Giới chức Mỹ từng duyệt hợp đồng bán hàng trăm quả đạn cho Nhật Bản, Australia và Hà Lan, nhưng chưa có quốc gia nào tiếp nhận loại vũ khí này.
Tổng thống Zelensky hôm 16/10 trình lên quốc hội Ukraine "Kế hoạch Chiến thắng", đề xuất triển khai "gói răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện trên lãnh thổ" đủ sức bảo vệ Ukraine khỏi mối đe dọa quân sự từ Nga. Kế hoạch cũng loại trừ mọi phương án nhượng bộ lãnh thổ, kêu gọi NATO mời Ukraine gia nhập ngay lập tức và đề nghị phương Tây dỡ bỏ rào cản với vũ khí tầm xa.
Điện Kremlin cảnh báo rằng Ukraine "cần tỉnh táo" và nhận ra các chính sách mà họ theo đuổi là vô ích. Nga vẫn kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập NATO.
Phạm Giang (Theo Kyiv Independent, War Zone, RT)