Chuyên mục  


Trong cuộc chiến bảo vệ nước Anh năm 1940, các phi công Anh đã thể hiện sự dũng cảm khi bảo vệ không phận trước cuộc tấn công dồn dập của không quân Đức. Eric James Brindley Nicolson là phi công tiêm kích duy nhất của Anh được tặng thưởng Huân chương Victoria, phần thưởng cao quý nhất trong quân đội, vì sự quả cảm khi tham gia cuộc chiến này.

Nicolson sinh ra ở London năm 1917. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông làm kỹ sư nhưng không gắn bó lâu dài với nghề này. Năm 1936, Nicolson quyết định gia nhập không quân Anh.

Eric-Nicolson-9664-1632302007.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tk1I0psooykaIRNRe-6DFg

Nicolson (giữa) trong quá trình hồi phục sau trận đánh tháng 8/1940. Ảnh: RAF.

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện và chứng tỏ được năng lực, Eric James Brindley Nicolson được biên chế cho Phi đội Tiêm kích số 72 năm 1937. Ba năm sau, ông chuyển sang Phi đội Tiêm kích số 249, một trong những đơn vị bảo vệ không phận trong Trận chiến nước Anh năm 1940. Lần đầu tiên tham chiến trên không suýt trở thành lần cuối cùng của Nicolson.

Ngày 16/8/1940, Eric Nicolson tham chiến trên bầu trời Southampton. Thời điểm đó, ông mang hàm trung úy, dẫn đầu phi đội tiêm kích Hawker Hurricane đối phó biên đội tiêm kích bom Messerschmitt Bf-110 của Đức.

Chiến đấu cơ của Nicolson liên tiếp trúng 4 quả đạn pháo từ một tiêm kích bom Đức. Quả đạn đầu tiên xé toạc buồng lái và khiến nhiều mảnh vỡ văng vào mặt Nicolson. Ông bị rách mí mắt và chảy máu, không thể mở được mắt.

Quả đạn thứ hai trúng thùng dầu phụ, khiến nó bốc cháy và ngọn lửa nhanh chóng lan khắp máy bay. Quả đạn tiếp theo trúng buồng lái, xé rách một ống quần của Nicolson. Quả đạn cuối cùng cũng trúng buồng lái và phát nổ dưới chân trái Nicolson.

Phi cơ bị hư hại và ngọn lửa nhanh chóng lan đến buồng lái, Nicolson nhận thấy không còn lựa chọn nào ngoài nhảy dù thoát ly. Tuy nhiên, khi chuẩn bị nhảy, ông phát hiện một tiêm kích bom Bf-110 ngay bên dưới và trong tầm ngắm của mình.

Ngọn lửa lúc này liếm vào buồng lái, nhưng Nicolson quyết định ở lại và lập tức khai hỏa vào đối phương. Đám cháy tiếp tục bùng phát dữ dội bên trong buồng lái, khiến Nicolson bị bỏng khá nặng. Dù vậy, ông tiếp tục đuổi theo mục tiêu cho đến khi thấy nó đâm xuống mặt đất và bốc cháy rồi mới nhảy dù.

Phi công Anh tiếp tục bị thương khi tiếp đất. Một nhóm dân phòng địa phương thấy tiêm kích bom đâm xuống đất bốc cháy và bắn về phía Nicolson vì tưởng ông là phi công Đức. Nicolson trúng một phát đạn trước khi một binh sĩ ngăn mọi người tiếp tục nổ súng.

Dù bị thương rất nặng, Nicolson bình phục hoàn toàn sau một thời gian nằm viện. Tháng 11/1940, ông được trao Huân chương Victoria vì chiến đấu dũng cảm trong Trận chiến nước Anh.

Trận không chiến diễn ra vào buổi sáng nên nhiều người dưới mặt đất có thể chứng kiến chiến công của Nicolson. Đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình trao thưởng huân chương, nhiều phi công không được trao huân chương dù chiến đấu rất dũng cảm vì thiếu nhân chứng.

Năm 1942, Nicolson được điều đến Ấn Độ và thăng chức chỉ huy không đoàn. Ông được thưởng Huân chương Chữ Thập trong quá trình chỉ huy phi đội tiêm kích hạng nặng Beaufighter ở Myanmar. Năm 1945, Nicolson thiệt mạng sau khi phi cơ gặp nạn ở vịnh Bengal.

Duy Sơn (Theo WATM)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020