Chuyên mục  


Bà Nguyễn Thị Ba, ở xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa trồng 500 cây cau, mỗi cây cau cho 4-5 lứa quả, mỗi lứa một buồng 5-6 kg. Từ tháng 6 đến nay, bà Ba liên tục bán cau với giá từ 40.000 đồng một kg đến 85.000 đồng - mức giá đỉnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Cách đây ba hôm, bà vẫn còn bán với giá 40.000 đồng nhưng hôm qua chỉ còn 25.000 đồng.

Thu hoạch cau ở huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Linh

"Giá cau giảm nhưng cũng may vì chúng tôi đã bán 3,4 lứa quả khi giá cao", bà Ba nói và cho biết mức giá hiện tại nông dân trồng cau đã có lời. Tuy nhiên, bà cũng bất ngờ khi giá cau tụt dốc nhanh hơn mọi năm.

Tương tự, tại huyện Nghĩa Hành và Sơn Tịnh, giá cau mua tại vườn hôm qua dao động khoảng 20.000-30.000 đồng một kg. Cau ở các địa phương này thường được các thương lái tới tận vườn mua nhỏ lẻ rồi chở về các lò sấy, hoặc đại lý cau rồi bán cho thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, các lò thu mua với giá chập chờn, thay đổi theo ngày, có khi từ sáng đến chiều nên thương lái nhỏ lẻ cũng không mạnh dạn mua.

Tại huyện Sơn Tây, nơi có hơn 1.000 ha cau, được mệnh danh là "xứ ngàn cau" của Quảng Ngãi, sức mua cũng giảm. Một đại lý cho biết thương lái Trung Quốc kén chọn hơn trước, cũng không mua cau tươi ồ ạt nên phần lớn các lò hiện chỉ mua cau đẹp về sấy để trữ. Các thương lái phỏng đoán có thể phía Trung Quốc đã nhập đủ nguyên liệu hoặc tạm dừng vì muốn giá cau hạ nhiệt.

Trước đó, giá cau ổn định suốt 6 tháng qua, lập đỉnh 85.000 đồng và gần 100.000 đồng ở một số tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam do Trung Quốc tiêu thụ mạnh.

Đường đi của quả cau, phần lớn cau Việt Nam (phần dưới của biểu đồ) xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Tridge.com

Tridge, công ty hàng đầu về phân tích dữ liệu ngành nông nghiệp và thực phẩm, cho biết Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cau chính của Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu tổng giá trị 5,13 triệu USD (hơn 130 tỷ đồng) sang Trung Quốc.

Năm nay, sản lượng cau tươi ở đảo Hải Nam - vùng nguyên liệu chiếm hơn 90% diện tích trồng cau ở Trung Quốc giảm mạnh, nguyên nhân do bệnh vàng lá trên cây cau, theo Southern Weekly, tờ báo có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông. Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cho biết, bão Yagi làm nhiều vườn cau ngã đổ, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%.

Sản lượng giảm kéo theo giá tăng. Đỉnh điểm là ngày 18/10, giá cau ở Hải Nam đã lên 45 nhân dân tệ một cân (0,6 kg), tương đương với khoảng 270 nghìn đồng một kg, tăng 25% so với tháng trước, 172% so với cùng thời điểm này năm ngoái; theo công bố của Trung tâm Giám sát giá tỉnh Hải Nam trên Cổng thông tin điện tử của Chính quyền tỉnh này. Đến ngày 25/10, giá cau đã hạ nhiệt xuống 35 nhân dân tệ một cân (0,6 kg), tương đương với 220.000 đồng một kg. Cơn sốt giá cau ở Trung Quốc lan tỏa đến Việt Nam khi thương lái nước này sang tìm nguồn nguyên liệu thay thế.

Cau ở Trung Quốc dùng để chế biến kẹo và dược liệu. Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Qichacha (Trung Quốc), đến tháng 6 năm nay, nước này có 15.000 doanh nghiệp liên quan tới chuỗi sản xuất cau. Trong đó đứng đầu là tỉnh Hồ Nam với 6.571 doanh nghiệp, chuyên về sản xuất, thứ hai là tỉnh Hải Nam với 6.149 công ty.

Phạm Linh

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020