Chuyên mục  


Hai trực thăng quân sự của hải quân Malaysia va chạm và rơi trong lúc tham gia huấn luyện duyệt binh mừng kỷ niệm 90 năm thành lập lực lượng tại căn cứ Lumut ở bang Perak ngày 23/4, khiến toàn bộ 10 người trên hai phi cơ thiệt mạng.

Video trên mạng xã hội cho thấy ít nhất 7 chiếc phi cơ bay thấp theo đội hình qua lễ đài nơi sẽ tổ chức duyệt binh. Các trực thăng sau đó ngoặt theo nhiều hướng, một chiếc rẽ sang phải và va chạm với cánh quạt của một phi cơ khác, khiến cả hai bị rơi.

truc-thang-hai-quan-malaysia-va-cham-tren-khong-10-nguoi-che-1713846423.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vu6DA5VB4vZU2Pvs4Ri9FQ
Trực thăng hải quân Malaysia va chạm trên không, 10 người chết

Khoảnh khắc hai trực thăng Malaysia va chạm tại căn cứ Lumut ngày 23/4. Video:Twitter/Factal

Hải quân Malaysia cho biết một chiếc là trực thăng hàng hải AW139, phi cơ còn lại là trực thăng hạng nhẹ Fennec. Chiếc AW139 lao xuống tổ hợp thể thao ở căn cứ hải quân, còn Fennec rơi tại bể bơi gần đó, khiến một quân nhân đang bơi bị thương nhẹ do trúng mảnh vỡ. Toàn bộ 10 người trên hai trực thăng thiệt mạng.

Giới chức Malaysia chưa công bố nguyên nhân tai nạn, song giáo sư Mohd Harridon Mohamed Suffian, người đứng đầu khoa tìm kiếm, cứu hộ hàng không của Viện Công nghệ Hàng không thuộc Đại học Kuala Lumpur, nhận định sai sót trong quá trình giao tiếp và tính toán của phi công có thể là nguyên nhân gây ra thảm kịch.

"Nguyên tắc khi bay theo đội hình là các trực thăng phải nối đuôi hoặc song song, đồng thời giữ khoảng cách nhất định để tránh va chạm", ông nói.

"Giao tiếp giữa các phi công với nhau là yếu tố quan trọng để giúp các trực thăng có thể bay song song. Các bộ phận dưới mặt đất cũng cần phối hợp và chia sẻ thông tin quan trọng như độ cao của máy bay, góc nghiêng và nhiều yếu tố khác. Chỉ cần có chút sai lệch về thông tin là có thể dẫn đến thảm họa", chuyên gia này nói thêm.

Hiện trường vụ rơi trực thăng quân sự Malaysia ngày 23/4. Ảnh: AFP

Video hiện trường cho thấy hai trực thăng không có dấu hiệu gặp trục trặc kỹ thuật trước khi va chạm, nhưng Harridon cho biết để xác định chính xác nguyên nhân tai nạn, các điều tra viên sẽ phải xem xét kỹ các khía cạnh về kỹ thuật của những chiếc phi cơ, đặc biệt là hệ thống điều khiển. Dữ liệu bảo trì của chúng cũng cần được rà soát để xác định, phát hiện những điểm bất thường.

Nhà sản xuất có thể hỗ trợ quá trình điều tra bằng cách cung cấp các thông tin cần thiết như thông số hoạt động tiêu chuẩn của các linh kiện, đồng thời đánh giá liệu có bộ phận nào bị sử dụng quá mức hoặc vượt phạm vi cho phép hay không.

Trực thăng AgustaWestland AW139 được sản xuất bởi AgustaWestland, chi nhánh của tập đoàn quốc phòng Italy Leonardo. Nó được chính phủ Malaysia mua năm 2010 và đã phục vụ trong biên chế Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA) 14 năm.

Mẫu trực thăng tầm trung này được trang bị hai động cơ PT6C-67C, có vận tốc tối đa 310 km/h, tầm hoạt động hơn 1.000 km, trần bay 6.000 mét, có thể vận hành liên tục trong hơn 5 giờ. Tổ lái gồm hai phi công, có thể chở theo tối đa 15 hành khách tùy vào cấu hình.

Trực thăng AW139 tại A Coruna, Tây Ban Nha năm 2014. Ảnh: Wikipedia

Phi cơ được thiết kế để giảm độ ồn, độ rung của cabin. Nó cũng có thể trang bị thêm các tính năng như thùng nhiên liệu phụ, tời cứu hộ, móc chở hàng, radar tìm kiếm và thời tiết, camera bên ngoài và đèn pha.

Biến thể quân sự AW193M có khả năng gắn súng máy đa nhiệm, súng bắn tỉa, súng máy hạng nặng, rocket 70 mm và tên lửa không đối đất.

Hệ thống FADEC trên trực thăng có khả năng tự động điều chỉnh động cơ và xử lý hiệu quả các sự cố về bộ phận này, đồng thời cho phép phi công có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống quan trọng khi xảy ra vấn đề, qua đó tăng độ an toàn khi bay.

Dù vậy, dòng trực thăng AW139 đã gặp phải một số sự cố kể từ khi được Malaysia biên chế. Đầu tháng trước, một trực thăng loại này của MMEA đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống eo biển Malacca, gần đảo Pulau Angsa, bang Selangor, trong lúc đang bay huấn luyện. Không có người nào bị thương sau sự việc, song chiếc phi cơ bị hỏng nặng.

Tháng 2/2020, trực thăng AW139 của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia (RMP) bị rơi trong lúc hạ cánh xuống doanh trại ở thành phố Tawau, bang Sabah. Sự việc khiến một kỹ sư bị thương nặng và 5 người bị thương nhẹ, trong đó có phi công.

AS 555 Fennec là trực thăng do tập đoàn vũ khí đa quốc gia Airbus sản xuất, được trang bị hai động cơ Turbomeca Arrius 1A, vận tốc tối đa hơn 240 km/h, tầm hoạt động 650 km, trần bay 5.300 mét. Phi cơ có tổ lái hai người, khoang hành khách chứa được 4 người.

Chiếc bị rơi tại Malaysia hôm 23/4 là biến thể vũ trang dành cho hải quân AS 555SN, có thể mang nhiều loại vũ khí như pháo M621 20 mm, súng máy, rocket và tên lửa chống tăng BGM-71 TOW.

Fennec được tích hợp hệ thống điều khiển động cơ FADEC, song cũng từng gặp sự cố. Tháng 6/2021, một chiếc trực thăng loại này của hải quân Malaysia đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống căn cứ Lumut do gặp trục trặc kỹ thuật.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamed Khaled Nordin thông báo các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập hải quân nước này sẽ bị hủy sau tai nạn. Thi thể các nạn nhân đã được chuyển tới bệnh viện để xác định danh tính.

Phạm Giang (Theo Star, AP, NST)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020