Chuyên mục  


"Tôi phải bác bỏ hoàn toàn lời của Tổng thống Donald Trump", Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho biết ngày 20/1, vài tiếng sau khi ông Trump đọc diễn văn nhậm chức tại Đồi Capitol.

Trong diễn văn, ông Trump tuyên bố sẽ giành lại quyền quản lý kênh đào Panama, công trình mà ông cho là Mỹ đã "chi nhiều tiền hơn bất kỳ dự án nào trước đó và mất 38.000 sinh mạng trong quá trình xây dựng".

Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Panama vi phạm thỏa thuận và "Trung Quốc đang vận hành công trình". "Chúng ta không trao nó cho Trung Quốc, mà là cho Panama. Và giờ đây, chúng ta sẽ lấy lại kênh đào đó", ông Trump tuyên bố.

Tổng thống Mulino nhanh chóng phản ứng với thông tin này. "Kênh đào đang và sẽ là của Panama", ông nói. "Không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đang can thiệp tình hình ở đây".

Tổng thống Mulino tại cuộc họp báo tại Panama City ngày 26/12/2024. Ảnh: AFP

Kênh đào Panama dài 82 km, là tuyến đường thủy huyết mạch kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua cực nam Nam Mỹ. Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm.

Mỹ là bên xây dựng kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh đào này suốt nhiều thập kỷ. Chính phủ Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama năm 1999, sau thời gian hai bên đồng quản lý.

Ông Trump cuối tháng 12/2024 phàn nàn Washington đang bị đối xử bất công khi Panama áp các khoản phí "vô lý" với tàu hải quân và tàu hàng Mỹ qua kênh đào. Ông cũng đề cập ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với kênh đào, yêu cầu Panama trả lại cho Mỹ nếu không thể đảm bảo công trình hoạt động an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy.

Vị trí kênh đào Panama. Đồ họa: BBC

Tổng thống Mulino đã bác bỏ khả năng đàm phán về quyền kiểm soát kênh đào Panama cũng như giảm phí cho tàu thuyền Mỹ. Ông cho biết phí sử dụng kênh đào không được thiết lập tùy ý, mà dựa trên "quy trình công khai và minh bạch" đã có từ lâu. Ông Trump ngày 7/1 không loại trừ khả năng dùng sức mạnh quân sự để giành quyền kiểm soát kênh đào Panama.

Mỹ là bên sử dụng kênh đào nhiều nhất với 74%, tiếp theo là Trung Quốc với 21%. Ban quản lý kênh đào Panama hồi tháng 10 thông báo doanh thu năm tài chính 2024 đạt mức kỷ lục gần 5 tỷ USD.

Như Tâm (Theo AFP, Reuters)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020