"Sự hiện diện của lực lượng Mỹ trong khu vực của chúng tôi không mang lý do chính đáng", Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nói trong sự kiện ở Tehran hôm nay.
Ông Raisi nhấn mạnh việc quân Mỹ có mặt ở Iraq, Syria, Afghanistan và các nước khác không mang lại an toàn, mà là "phá hoại an ninh khu vực". Tổng thống còn cáo buộc Mỹ tạo ra tâm lý bài Iran, bài Hồi giáo.
Nhận xét của ông Raisi được đưa ra giữa lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du khu vực Trung Đông để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi dự cuộc họp nội các ở thủ đô Tehran hồi tháng 10/2023. Ảnh: AFP
Căng thẳng khu vực leo thang kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10 năm ngoái, kéo theo sự tham gia của các nhóm vũ trang thân Iran ở Syria, Lebanon, Iraq và Yemen. Hàng chục cuộc tấn công bằng rocket và máy bay không người lái đã nhắm vào quân đội Mỹ trong khu vực.
Lực lượng Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tập kích đáp trả lực lượng Houthi mà Iran hậu thuẫn ở Yemen, khi nhóm liên tục tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ. Quân Mỹ cũng tập kích các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq và Syria, khiến Tehran chỉ trích.
Ngày 28/1, ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 34 người bị thương trong đợt tập kích UAV nhằm vào căn cứ ở đông bắc Jordan, gần biên giới với Syria. Quân đội Mỹ ngày 2/2 đáp trả bằng cách không kích mục tiêu Iran cùng các nhóm dân quân được Tehran hậu thuẫn ở Iraq và Syria.
"Mỹ lại phạm thêm sai lầm chiến lược và thực hiện hành động phiêu lưu, làm gia tăng căng thẳng và bất ổn tại khu vực", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nói ngày 3/2.
Cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ ở Trung Đông. Đồ họa: American Security Project
Mỹ và Iran cắt quan hệ ngoại giao năm 1980 trong khủng hoảng con tin bắt đầu tháng 11/1979, khi nhóm sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Tehran. 52 nhân viên ngoại giao Mỹ bị giữ làm con tin trong 444 ngày, sau đó được trả tự do vào tháng 1/1981.
Căng thẳng giữa hai bên leo thang sau khi cựu tổng thống Donald Trump năm 2018 thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với quốc gia Trung Đông. Khoảng 45.000 lính Mỹ đồn trú ở khu vực này.
Thanh Tâm (Theo AFP)