Cơ chế đủ mạnh để giữ chân người tài
Bộ Nội vụ đang xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn tổ chức bộ máy. Theo ông, ngoài trao “vốn liếng” để họ duy trì cuộc sống, tìm kiếm công việc mới, thì có cần thêm chính sách nào khác?
Tôi hoàn toàn đồng tình rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cán bộ , công chức, viên chức bị ảnh hưởng khi tinh gọn tổ chức bộ máy là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự đồng thuận, chia sẻ và hợp tác từ những người trực tiếp chịu tác động.
Tinh gọn tổ chức bộ máy, suy cho cùng là vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, điều này cũng có thể gây ra những khó khăn khi họ phải đối mặt với sự thay đổi. Vì vậy, việc có chính sách hỗ trợ rõ ràng, cụ thể sẽ giúp giảm bớt tâm tư, lo lắng, đồng thời tạo động lực để họ đón nhận sự thay đổi một cách tích cực hơn.
Theo tôi, các chính sách cần tập trung vào ba khía cạnh chính. Thứ nhất, hỗ trợ tài chính ban đầu để họ có “vốn liếng” duy trì cuộc sống, vượt qua giai đoạn chuyển đổi. Thứ hai, tổ chức các chương trình đào tạo lại, nâng cao kỹ năng hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giúp họ có thêm cơ hội tham gia vào các lĩnh vực mới. Thứ ba, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội, như bảo hiểm, lương hưu, để họ không bị thiệt thòi trong quá trình tái cơ cấu.
Điều này không chỉ thể hiện sự nhân văn trong chính sách mà còn khuyến khích tinh thần sẵn sàng hy sinh vì cái chung. Khi cán bộ cảm nhận được sự quan tâm và trách nhiệm từ phía nhà nước, họ sẽ tin tưởng và ủng hộ hơn các quyết định cải cách .
Nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ra cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn để những người còn 2- 3 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu sẽ về sớm và nhường vị trí cho thế hệ cán bộ trẻ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đây là điều đáng phải cân nhắc, bởi điều này không chỉ tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ có cơ hội phát triển mà còn đảm bảo sự luân chuyển, đổi mới trong hệ thống quản lý, phù hợp với tinh thần “tinh, gọn, mạnh” mà chúng ta đang hướng tới. Thế hệ cán bộ trẻ mang trong mình sức sống mới, tư duy đổi mới và khả năng tiếp cận nhanh chóng với các xu hướng, công nghệ hiện đại. Do vậy, việc trao cơ hội cho họ không chỉ là đầu tư cho tương lai, mà còn là cách làm giàu nguồn lực lãnh đạo và quản lý đất nước.
Tuy nhiên, để khuyến khích cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu sớm, cần có các chính sách phù hợp, đảm bảo công bằng và nhân văn. Cụ thể, những chính sách này cần tạo ra sự hấp dẫn cả về mặt tài chính lẫn quyền lợi, như hỗ trợ tài chính tương xứng với thời gian nghỉ hưu sớm, hoặc đảm bảo các chế độ hưu trí đầy đủ, không làm thiệt thòi cho họ.
Quan trọng hơn, chính sách cần thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận những đóng góp của thế hệ cán bộ này trong suốt thời gian công tác. Đây không chỉ là vấn đề quyền lợi mà còn là cách để giữ vững tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có lộ trình rõ ràng, tránh gây cảm giác ép buộc hay áp lực cho các cán bộ lớn tuổi. Thay vào đó, cần khơi gợi tinh thần tự nguyện, sẵn sàng hy sinh vì cái chung, vì sự phát triển của thế hệ kế cận.
Trước đây chúng ta đã nhắc nhiều đến chuyện “chảy máu chất xám”, nên nhiều ý kiến cho rằng, trong lần tinh gọn bộ máy này, cần có cơ chế đủ mạnh, đủ hấp dẫn để giữ chân người tài?
Kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ, công chức là tài sản vô giá Ảnh: Như Ý
Có lẽ đây là một nhiệm vụ cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Người tài là nguồn lực quan trọng, quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Nếu không có những chính sách hợp lý, nguy cơ “chảy máu chất xám” sang khu vực tư nhân sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo tôi, để giữ chân người tài, chúng ta cần tập trung vào ba yếu tố cốt lõi. Trước tiên, phải tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, minh bạch và công bằng, nơi người tài có thể phát huy hết khả năng và được ghi nhận xứng đáng. Sự phát triển nghề nghiệp rõ ràng, cơ hội thăng tiến dựa trên năng lực và đóng góp thực tế sẽ là động lực lớn để họ gắn bó lâu dài.
Bên cạnh đó, các chính sách đãi ngộ cũng cần được cải thiện. Chúng ta không thể kỳ vọng giữ chân người tài chỉ bằng lời kêu gọi tinh thần cống hiến nếu chế độ lương, thưởng, phúc lợi không đủ đảm bảo đời sống ổn định. Cần có cơ chế lương thưởng cạnh tranh, gắn với hiệu quả công việc, để họ cảm thấy những đóng góp của mình được trân trọng và đền đáp xứng đáng.
Ngoài ra, cần thúc đẩy tinh thần cống hiến thông qua việc xây dựng hình ảnh một bộ máy nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” và luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Người tài thường bị thu hút bởi những sứ mệnh lớn lao và cơ hội tạo ra giá trị lâu dài. Nếu họ nhận thấy vai trò của mình quan trọng và có ý nghĩa trong việc góp phần xây dựng đất nước, họ sẵn lòng ở lại và cống hiến.
Giữ chân người tài trong bộ máy nhà nước không chỉ là vấn đề chế độ, chính sách mà còn là cách chúng ta tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hấp dẫn, và xứng đáng với kỳ vọng của họ. Đây cũng là một phần trong chiến lược phát triển dài hạn, giúp hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thời đại.
“Tôi tin vào tinh thần vượt khó...”
Cùng với việc đưa ra các chế độ, chính sách đủ mạnh, Nhà nước sẽ phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn. Theo ông, Nhà nước nên sử dụng nguồn lực nào để triển khai nhiệm vụ này?
Trong trường hợp này, theo tôi, Nhà nước cần sử dụng nguồn lực tài chính một cách khéo léo, hiệu quả và cân đối. Trước hết, ngân sách nhà nước nên xem là nguồn chính để triển khai các chính sách này. Tuy nhiên, để giảm áp lực ngân sách, cần tập trung vào việc tái cơ cấu chi tiêu công, cắt giảm các khoản chi không hiệu quả, lãng phí. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm mà còn tạo ra nguồn lực dồi dào để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng, như hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu sớm, đào tạo lại, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Tôi cũng cho rằng, việc huy động nguồn lực từ các quỹ dự phòng, như Quỹ bảo hiểm xã hội cũng là một giải pháp phù hợp. Các quỹ này vốn được thiết kế để bảo đảm an sinh xã hội, và việc hỗ trợ cán bộ, công chức trong quá trình tinh gọn bộ máy hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể khuyến khích hợp tác công - tư trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại lao động. Các doanh nghiệp tư nhân, thông qua các chương trình hợp tác, có thể đóng góp một phần kinh phí, đồng thời hưởng lợi từ việc tuyển dụng những nhân sự có kinh nghiệm và trình độ.
“Việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ không chỉ giúp giảm bớt tác động tiêu cực mà còn là cách để thể hiện sự tôn trọng, ghi nhận những đóng góp của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình phát triển đất nước. Đây là một phần quan trọng để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời giữ vững niềm tin và sự đoàn kết trong hệ thống chính trị”. PGS. TS Bùi Hoài Sơn
Bên cạnh đó, một nguồn lực không kém phần quan trọng là từ chính việc tinh gọn bộ máy. Khi tổ chức được thu gọn, chi phí hành chính giảm đi, nguồn tiết kiệm này hoàn toàn có thể tái đầu tư để hỗ trợ các chính sách liên quan. Đây là cách làm hiệu quả, vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa đảm bảo tính bền vững trong dài hạn…
Tình trạng cán bộ, công chức tâm tư, thậm chí lo lắng thường xảy ra trong mỗi lần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế . Cá nhân ông chia sẻ gì với những người trong diện bị ảnh hưởng lần này?
Tâm tư, lo lắng của cán bộ, công chức khi đối diện với các đợt tinh gọn bộ máy là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sự thay đổi nào cũng đi kèm với những thách thức, đặc biệt khi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, đây cũng là cơ hội để mỗi người nhìn nhận lại bản thân, phát triển kỹ năng và tìm kiếm những hướng đi mới phù hợp hơn.
Với những đối tượng nằm trong diện bị ảnh hưởng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhà nước không chỉ tập trung vào việc tái cơ cấu bộ máy mà còn cam kết đồng hành. Các chính sách hỗ trợ đào tạo lại, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và thậm chí là hỗ trợ tài chính đã và đang được xây dựng để giảm bớt áp lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cá nhân.
Đặc biệt, dù có rời khỏi bộ máy nhà nước, những kinh nghiệm, kỹ năng mà các cán bộ đã tích lũy trong quá trình công tác vẫn là tài sản vô giá. Với sự hỗ trợ từ các chính sách, sự chủ động và quyết tâm, tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có thể tìm thấy một chỗ đứng vững chắc trong môi trường làm việc mới.
Cuối cùng, tôi mong tất cả chúng ta đều nhìn nhận quá trình tinh gọn bộ máy không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và của từng cá nhân. Sự thay đổi này rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, và sự đóng góp của mỗi người, dù trong hay ngoài bộ máy, đều rất quan trọng.
Tôi tin tưởng vào tinh thần vượt khó và khả năng thích nghi của mỗi cán bộ, công chức trong quá trình chuyển đổi này.
Cảm ơn ông!